Một quan chức Mỹ cho biết, Washington có thông tin tình báo xác nhận tuyên bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là thủ phạm xả súng tấn công khủng bố nhằm vào trung tâm hòa nhạc Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow vào tối 22/3. Vụ tấn công đã khiến ít nhất 60 người thiệt mạng, và 145 người khác bị thương. 

Theo hãng tin Reuters, nhóm nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công khủng bố ở Moscow là một nhánh của IS ở Afghanistan có tên là "Tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo", hay ISIS-K.

tan cong khung bo moscow 1.jpg
Lực lượng cứu hộ Nga nỗ lực dập tắt đám cháy tại trung tâm hòa nhạc Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow sau vụ nổ súng khủng bố. Ảnh: Reuters

Nhóm xuất hiện ở miền đông Afghanistan vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, ISIS-K đã chứng kiến số lượng thành viên giảm đáng kể sau các cuộc tấn công của Taliban và Mỹ. 

Mỹ thừa nhận khả năng thu thập thông tin tình báo chống lại các nhóm cực đoan ở Afghanistan như ISIS-K đã bị suy giảm, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi quốc gia Trung Á vào năm 2021.

Tấn công đẫm máu

ISIS-K đã nhiều lần tấn công nhằm vào nhà thờ Hồi giáo ở trong và ngoài Afghanistan.

Đầu năm nay, Mỹ đã chặn được thông tin liên lạc xác nhận ISIS-K thực hiện vụ đánh bom kép ở Iran, khiến gần 100 người thiệt mạng.

Vào tháng 9/2022, ISIS-K đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết tại đại sứ quán Nga ở Kabul.

ISIS-K cũng là thủ phạm gây ra vụ tấn công vào sân bay quốc tế Kabul hồi năm 2021, khiến 13 lính Mỹ và nhiều dân thường thiệt mạng trong lúc quân đội Mỹ sơ tán khỏi Afghanistan. 

Vào đầu tháng 3, vị tướng hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông cho biết ISIS-K có thể tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây bên ngoài Afghanistan “trong 6 tháng và có rất ít, hoặc không có cảnh báo trước”.

Động cơ tấn công Moscow 

Cuộc tấn công khủng bố của ISIS-K vào trung tâm hòa nhạc ở ngoại ô thủ đô Moscow của Nga tối ngày 22/3 là sự leo thang đáng kể các hành động cực đoan của nhóm này. Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, ISIS-K đã thể hiện sự phản đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Ông Colin Clarke thuộc Trung tâm Soufan, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, nhận định “ISIS-K đã tập trung vào Nga trong 2 năm qua, và thường xuyên chỉ trích ông Putin trong các nội dung tuyên truyền của nhóm”. 

Ông Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson tại Washington cho rằng, ISIS-K "cáo buộc Nga liên quan tới các hoạt động đàn áp người Hồi giáo". Theo ông, ISIS-K cũng được xem là một phần trong nhóm các tay súng ở Trung Á mang tư tưởng bất đồng với Moscow.