Hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga được thiết kế để bắn hạ máy bay, và tên lửa hoạt động ở tầm xa và độ cao lớn.

Theo Business Insider, khi S-400 được đưa tới Ukraine, Nga đã dùng hệ thống này để đánh chặn các tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất, và lạ hơn là bắn phá các thành phố ở Ukraine.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh minh họa 

S-400 Triumf của Nga được ví tương đương với Patriot của Mỹ. Tầm bắn của tên lửa S-400 là hơn 400km, và tốc độ di chuyển là Mach 15.  Nga tuyên bố S-400 hiệu quả chống lại máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, và máy bay không người lái (UAV).

Nhiều báo cáo cho biết, S-400 đã được triển khai tới vùng Donbass ở miền đông Ukraine để đánh chặn các tên lửa HIMARS, mà Ukraine đã sử dụng và đạt hiệu quả hủy diệt kể từ mùa hè năm 2022. 

Vấn đề là đạn GMLRS mà HIMARS bắn là tên lửa dẫn đường bằng GPS với tầm bắn 80km, ngắn hơn nhiều so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Được phóng để tấn công các mục tiêu nằm khá gần tiền tuyến, GMLRS có thời gian bay ngắn hơn nhiều so với năng lực đánh chặn của một hệ thống phòng không.

Ông Ian Williams, Phó giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay “GMLRS không bay vào vũ trụ như tên lửa đạn đạo. Tôi nghĩ thách thức lớn nhất chính là thời gian tương tác ngắn". 

Cũng theo ông Williams, S-400 có thể đánh chặn tên lửa HIMARS, nhưng chuyện này không hề dễ dàng. Một hệ thống phù hợp hơn để tiêu diệt các tên lửa HIMARS là Iron Dome của Israel, hệ thống chuyên đánh chặn các tên lửa nhỏ, và cả đạn súng cối. Được biết, Ukraine đã yêu cầu Israel cung cấp hệ thống Iron Dome, nhưng bị từ chối. 

Nói về việc S-400 được sử dụng để phá hủy các cơ sở hạ tầng ở Ukraine, ông Williams cho rằng, “Chúng chỉ có tác dụng khủng bố, vì chúng thiếu độ chính xác trong vai trò tấn công đất đối đất”.  

Ngoài ra, việc Nga bắn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine để gây sức ép còn gây tổn thất cho chính kho dự trữ vũ khí của nước này, và buộc Moscow phải sử dụng các tên lửa hành trình và đạn đạo thế hệ cũ hơn, cùng nhiều UAV. 

Tình báo Ukraine và Anh từng nhận định vào năm 2022 rằng, việc Nga bắn phá dữ dội các thành phố và cơ sở hạ tầng ở Ukraine đang làm cạn kiệt nguồn cung tên lửa của Nga. Vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn, khi Nga đang bị phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt, khiến khâu sản xuất vũ khí gặp phải nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Ukraine đã sử dụng hệ thống S-300, tiền thân của S-400, cùng tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất để ngăn chặn các đợt tấn công của Nga. Theo Kiev, các hệ thống này còn thành công đánh chặn những tên lửa hiện đại của Nga như tên lửa hành trình Kalibr, và tên lửa siêu thanh Kinzhal.