Mặc dù giới chức ở một số quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến nước này đáng bị loại bỏ khỏi các cuộc họp quốc tế trên khắp toàn cầu nhưng các nước khác trong nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) như Trung Quốc và Indonesia, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm năm nay, không tán đồng quan điểm này.
Theo Reuters, Moscow hôm 19/4 xác nhận, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị G20 diễn ra tại Washington hôm nay, 20/4, bất chấp sự phản đối của các nhà ngoại giao phương Tây.
"Trong và sau hội nghị, chúng tôi chắc chắn sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ và chúng tôi sẽ không đơn độc làm như vậy", một nguồn tin chính phủ Đức cho biết, đồng thời cáo buộc Nga khơi mào một cuộc xung đột khiến giá lương thực và nhiên liệu thế giới leo thang.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lên kế hoạch tránh những phiên họp G20 có sự tham gia của các quan chức Nga bên lề các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Song, bà Yellen sẽ tham dự một phiên khai mạc về cuộc chiến ở Ukraine bất kể phía Nga có mặt hay không, theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ.
Một nguồn tin chính phủ Anh tiết lộ, Bộ trưởng Tài chính nước này Rishi Sunak cũng sẽ không tham dự một số phiên họp nhất định của G20. Trong khi một quan chức thuộc Bộ Tài chính Pháp nhận định, một số bộ trưởng thuộc nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) sẽ rời khỏi cuộc họp khi người đồng cấp Nga phát biểu.
Sự chia rẽ liên quan đến khủng hoảng Ukraine đang làm dấy lên các câu hỏi về tương lai của G20 như một diễn đàn chính sách kinh tế hàng đầu của thế giới.
“G20 có nguy cơ tan rã và tuần này vô cùng quan trọng", Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế địa lý của Hội đồng Đại Tây Dương bình luận. Ông Lipsky tin, nếu các nước phương Tây để nhóm G20 sụp đổ để ủng hộ G7 hoặc các nhóm khác, động thái có thể giúp mang đến cho Trung Quốc thêm ảnh hưởng kinh tế đáng kể.
Giới quan sát đánh giá, chiến dịch tấn công quân sự của Moscow vào nước láng giềng cũng như việc một số nước G20 chọn không áp trừng phạt Nga như phương Tây là thách thức mới nhất cho những nỗ lực xây dựng một bộ quy tắc toàn cầu về thương mại và tài chính.
Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh thương mại thế giới đang tăng trưởng chậm hơn so với nền kinh tế toàn cầu nói chung, dẫn đến những hoài nghi về tương lai của toàn cầu hóa. Trước thềm hội nghị bộ trưởng tài chính G20, một quan chức hàng đầu IMF đã cảnh báo về nguy cơ nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh.
"Một kịch bản là thế giới sẽ phân tách thành các khối không giao thương nhiều với nhau, theo đuổi các tiêu chuẩn khác nhau và đó sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu", kinh tế gia trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF tuyên bố trước báo giới.
Tuấn Anh