Theo Reuters, ông Blinken đã hạ cánh ở Ai Cập hôm 29/1, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông lần này. Ngày 30/1, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ dự kiến lên đường đến Jerusalem, nơi chính phủ cánh hữu mới của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang gây lo ngại cả trong và ngoài nước về tương lai của các giá trị thế tục của Israel, sự rạn nứt quan hệ với cộng đồng người Ảrập cũng như tình trạng bế tắc trong các cuộc hòa đàm với người Palestine.
Một tay súng người Palestine đã nã đạn giết chết 7 nạn nhân bên ngoài một giáo đường Do Thái ở Jerusalem hôm 27/1, đánh dấu vụ tấn công tồi tệ nhất nhằm vào người Israel ở khu vực này kể từ năm 2008. Trước đó một ngày, các lực lượng Israel đã sát hại 7 tay súng người Palestine và 2 dân thường ở Jenin, thành phố bị chiếm đóng thuộc Bờ Tây, trong vụ đột kích đẫm máu nhất ở đó trong nhiều năm qua qua.
Trong các cuộc đàm phán với chính quyền mới của Israel, ông Blinken dự kiến sẽ lặp lại lời kêu gọi của Mỹ về việc giữ bình tĩnh. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại cạnh nhau, mặc dù các quan chức Mỹ thừa nhận quá trình thương lượng hòa bình sẽ không sớm diễn ra.
Ông Blinken cũng sẽ tới Ramallah để gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Theo các nguồn tin thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Iran và cuộc xung đột Nga – Ukraine dự kiến cũng nằm trong chương trình nghị sự của ông Blinken ở Trung Đông. Ukraine, nước đã nhận được lượng lớn khí tài viện trợ từ Mỹ và châu Âu, đang hối thúc Israel chuyển giao các hệ thống khí tài có khả năng bắn hạ máy bay không người lái (UAV), bao gồm cả những mẫu của Iran tình nghi đã cung cấp cho Nga.
Mặc dù lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine nhưng Israel đã giới hạn việc hỗ trợ Kiev trong các hoạt động viện trợ nhân đạo và cung cấp đồ bảo hộ. Israel giải thích, điều này bắt nguồn từ mong muốn tiếp tục hợp tác với Nga về vấn đề Syria và đảm bảo an sinh cho người Do Thái ở xứ sở bạch dương.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thảo luận về những nỗ lực của Washington nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 giữa các cường quốc lớn với Iran. Israel lâu nay vẫn phản đối thỏa thuận này.