Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, là gánh nặng nhất là với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Do đó đòi hỏi hoàn thiện chính sách, pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu trong nước và cam kết quốc tế, kết nối với các mục tiêu phát triển bền vững, công bằng cho các đối tượng nhất là các nhóm đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, đòi hỏi quyết tâm chính trị của các nước trong bảo đảm thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó hợp tác là một trong những yếu tố quan trọng.
Phát triển nhanh và bền vững được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ chính sách phát triển kinh tế-xã hội, gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Để tạo nguồn lực phục vụ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội đã xem xét, phê duyệt phân bổ ngân sách đầu tư và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội qua từng giai đoạn 2016 - 2021 và 2021 - 2025 trong đó lồng ghép thực hiện yêu cầu phát triển bền vững.
Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, gồm: giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về phát triển khoa học công nghệ, việc thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tham gia chủ động, tích cực tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương và khu vực nhằm thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; đóng góp các đề xuất tăng cường hành động của Quốc hội các nước trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng trong khi Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chung tay nỗ lực để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, đại dịch COVID-19 xảy ra, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ở hầu hết các lĩnh vực, làm gia tăng số người thất nghiệp và đình trệ các hoạt động kinh tế, xã hội.
Đối với Việt Nam, điển hình có thể thấy tăng trưởng GDP năm 2020, 2021 chỉ đạt tương ứng 2,91% và 2,58%.
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ hàng thập kỷ trở lại đây, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 6-6,5% cho hai năm 2020 và 2021.
Mặc dù đứng trước những thách thức chưa từng có, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân trên toàn quốc, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát.
Hiện nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
Đại dịch COVID-19 đã có những tác động đáng kể tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Mặc dù vậy, Việt Nam đã nỗ lực duy trì và tiếp tục đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bích Thủy