Trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, công nghệ tự động hóa được xác định là một trong những hướng công nghệ ưu tiên. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực điều khiển, tự động hóa cũng liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành danh mục gồm 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, phát triển, trong đó có đến 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và danh mục 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư, phát triển, trong đó có khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa.
Ngành tự động hóa Việt Nam trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp tiên tiến nhất trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất thông minh theo hướng kết nối các khâu thiết kế, vận hành, bảo trì tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp.
Đồng thời, có thể ứng dụng bộ 3 giải pháp "tự động hóa - tiết kiệm năng lượng - phần mềm" trên nền tảng số, kết hợp xử lý dữ liệu lớn bằng trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, cần huy động các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu tập trung giải quyết các bài toán mang tính đột phá, gắn với chuyển đổi số giúp cải thiện và nâng cao mức độ tự động hóa đối với sản phẩm công nghiệp của Việt Nam.
Phối hợp cùng với Bộ KH&CN để đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng , cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Hoài Linh