Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” chỉ mới đối với Việt Nam còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì không xa lạ gì. Thực tế cho thấy, ở nhiều nước, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành trụ cột trong phát triển kinh tế. Đơn cử như các ngành công nghiệp văn hóa ở Anh đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10% - 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. 85% thu nhập quốc dân của Hồng Công (Trung Quốc) có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình. Ở Hàn Quốc, ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng tới toàn cầu.

Ở nước ta, một số ngành, như điện ảnh, sân khấu, xuất bản... đã thực hiện hạch toán thu chi để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả hạch toán không cao. Ví dụ như trong ngành điện ảnh, mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim nhựa, nhưng chỉ có 1/10 số phim này được người xem tiếp nhận ngoài thị trường. Cả nước có hơn 129 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 12 đơn vị trực tiếp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Chỉ tính riêng 12 đơn vị này, mỗi năm, Nhà nước đầu tư trung bình 100 tỷ đồng, nhưng trực tiếp vào vở diễn chỉ chừng 10 tỷ đồng, còn phần lớn dành cho bảo trì cơ sở làm việc, lương, chính sách...

{keywords}
Triển khai tốt tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

 

Trong bức tranh “bán công nghiệp” của Việt Nam, có thể thấy các loại hình công nghiệp văn hóa, như báo chí, phát thanh và truyền hình, điện ảnh, xuất bản, sản xuất băng đĩa, sản xuất đồ chơi, đầu tư trang thiết bị cho các rạp hát, thư viện, khu vui chơi giải trí đã có những bước tiến bộ đáng kể trong công nghệ sản xuất, kinh doanh. Những tiến bộ đó đang đặt nền móng bước đầu cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai, nhưng nhìn chung, sự vận động này còn chậm. Chưa có lĩnh vực nào phát triển hoàn chỉnh với tư cách là một ngành công nghiệp văn hóa.

Sự đổi mới trong quản lý nhà nước đối với văn hóa, đặc biệt là đối với các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa, như truyền thông đại chúng, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, dịch vụ vui chơi, giải trí đã cho phép có sự tự do cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Việc chủ trương chuyển các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ văn hóa sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được thực hiện nhất quán và tạo ra được sự phát triển năng động, sáng tạo của các cơ sở này, tăng thêm nguồn thu đáng kể. Chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế đã phần nào tạo điều kiện mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa văn hóa.

Có thể thấy, Việt Nam hiện mới bước đầu xuất hiện dạng “bán công nghiệp văn hóa” và có sự đan xen giữa các loại hình nhưng đã có sự phân hóa về công chúng. Quá trình phát triển, đô thị hóa là cơ sở cho sự hình thành một tầng lớp công chúng ở đô thị có thu nhập khá, có khả năng chi trả cao cho nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa - nghệ thuật. Điều này đã và đang tạo ra sự phân khúc thị trường giữa thành thị và nông thôn, giữa các loại sản phẩm hàng hóa văn hóa gắn với nhu cầu của người tiêu dùng. Ngành sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa nước ta hiện nay mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực này còn mờ nhạt, chưa xuất hiện các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng.

Về cơ bản, hiện quá trình sản xuất - phân phối và phổ biến các sản phẩm văn hóa vẫn chủ yếu do các đơn vị Nhà nước đảm nhiệm, các đơn vị tư nhân chủ yếu tham gia nhiều ở khâu lưu thông trên thị trường, tất cả vẫn đang manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp. Nếu xét theo nghĩa chuẩn về nền công nghiệp văn hóa các nước phát triển, thì các hoạt động đang diễn ra ở một số lĩnh vực này của chúng ta còn một khoảng cách khá xa.

Mỗi quốc gia đều có hệ giá trị chung do tất cả các chủ thể, tạo nên đặc trưng của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Nhưng trong đó, mỗi chủ thể xã hội lại có những giá trị đặc trưng riêng của mình, trong đó có những giá trị phù hợp với hệ giá trị văn hóa chung của quốc gia, dân tộc, nhưng cũng có những khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn hoặc xung đột. Vai trò của nhà nước chính là xác định hệ giá trị chung của quốc gia và tôn trọng sự khác biệt, giá trị văn hóa của từng cá nhân, nhóm người nếu những giá trị đó không đi ngược lại hệ giá trị của quốc gia.

Quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam cũng là quá trình đổi mới căn bản hệ giá trị phát triển của quốc gia, bao hàm việc tiếp nhận có chọn lọc, định hình và phát triển các giá trị của mô hình và thể chế phát triển mới của đất nước theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tăng trưởng kinh tế không chỉ củng cố hệ tư tưởng mà còn góp phần xây dựng lối sống tích cực, tiến bộ của con người Việt Nam. Những giá trị bền vững, tinh hoa của quốc gia, như lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức gắn kết cá nhân, cộng đồng… vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy. Các phong trào từ thiện, tương thân tương ái, phong trào Mùa hè xanh của sinh viên tình nguyện… nở rộ ở nhiều địa phương, đơn vị. Đó là những mảng sáng trong tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế cũng đang tác động rất mạnh đến văn hóa ở khía cạnh tiêu cực, mà trong đó sự lệch lạc về hệ giá trị là vấn đề lo ngại nhất. 

Biểu hiện bề ngoài của hệ giá trị méo mó chính là hiện tượng xuống cấp về đạo đức, tha hóa con người, bất cập của ngành giáo dục - đào tạo và y tế với thói quen chạy theo bằng cấp, thành tích và thị trường hóa quan hệ giáo viên - học sinh, thầy thuốc - bệnh nhân, sự ấu trĩ, lạc hậu ngay trong các chính sách về văn hóa, chênh lệch về đời sống văn hóa và xuyên tạc giá trị truyền thống. Đó còn là sự phân hóa về cơ hội và điều kiện sáng tạo, sản xuất, truyền bá các giá trị văn hóa thông qua phương tiện chuyển tải của nó. Sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa chất lượng thấp tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội, ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận dân chúng, đe dọa việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc.

Nhận thức sâu sắc những mặt tác động tích cực và tiêu cực của kinh tế thị trường đối với văn hóa, giải quyết tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là điều kiện tiên quyết để thực hiện phát triển bền vững, vì con người ở nước ta. Đó là quá trình phát triển văn hóa để tạo ra sức mạnh nội sinh và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và đồng thời kinh tế phát triển là điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Vì vậy, cần phải gắn kết chặt chẽ giữa chính sách văn hóa trong kinh tế và chính sách kinh tế trong văn hóa để tạo nên sự phát triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế.

Hồ Lợi