Thị trường vàng sốt nóng

Đã lâu lắm rồi, thị trường vàng mới trải qua một đợt tăng nóng như hiện nay. Giá vàng tăng nhanh, có ngày thêm cả triệu đồng/lượng. Từ mức 55-56 triệu đồng/lượng, vàng đã lên quanh ngưỡng 62 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng sôi sục bất ngờ, ông Nguyễn Văn Tân, một nhà đầu tư vàng có kinh nghiệm tại Hà Nội chia sẻ.

Theo ông Tân, vàng trong nước bất ngờ tăng rất nhanh theo thế giới nhưng với tốc độ lớn hơn do đó chênh lệch giá vàng được kéo rộng từ mức khoảng 7 triệu đồng/lượng lên mức khoảng 10 triệu đồng/lượng như hiện tại.

Giá vàng thế giới quy đổi hiện ở mức khoảng 53 triệu đồng/lượng nhưng giá bán trong nước ở mức 61,8-62 triệu đồng/lượng.

Tâm lý lo sợ lạm phát đã khiến nhiều người mua vàng vào trong bối cảnh đồng tiền có lãi suất khá thấp trong khi nguồn cung vàng không dồi dào. Gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trong năm 2022 khi các gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra.

Giá cả hàng hóa đầu vào leo thang khiến giá cả trong nước tăng mạnh.

Đại diện một công ty kinh doanh vàng bạc cho biết, dòng tiền đang tìm đến vàng như một kênh ẩn trú tránh lạm phát. Điều này khiến giá vàng miếng SJC tăng cao. Giá vàng trong nước diễn biến theo cung-cầu. Nguồn cung do NHNN quản lý, quyết định về sản xuất và số lượng. Trong khi sức cầu gần đây tăng mạnh.

Trên thế giới, giá vàng tăng mạnh trong những phiên gần đây, từ mức 1.720 USD/ounce hồi cuối tháng 9 lên mức 1.850-1.860 USD/ounce như hiện tại trong bối cảnh lạm phát trên thế giới có xu hướng tăng mạnh.

{keywords}
Giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức 6,2% trong 10 tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% và là mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Sự đứt ngãy của chuỗi cung ứng hàng hóa và thiếu hụt lao động thời kỳ đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến giá cả leo thang.

Cơn sốt vàng đang diễn ra trên thế giới. Xu hướng tăng theo phân tích kỹ thuật cũng góp phần đẩy giá vàng đi lên.

Vàng thế giới tăng giá còn do dòng tiền bơm vào thị trường rất lớn ở nhiều nền kinh tế, liên quan tới chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng của các nước.

Gần đây, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh đều cho rằng còn quá sớm để tăng lãi suất. Điều này khiến chỉ số lạm phát chưa thể giảm ngay, qua đó tác động tích cực tới giá vàng.

Động thái hiếm hoi của Fed gần đây là sẽ cắt giảm 15 tỷ USD lượng mua tài sản hàng tháng, kéo dài từ nay đến tháng 6/2022. Tuy nhiên, động thái này không đủ để kìm hãm đà tăng của lạm phát.

Vàng còn tăng giá, mục tiêu 70 triệu đồng/lượng

Theo đại diện của Metalla Royal, lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ năm 1990 và sẽ không dừng lại ở mức 6,2%. Bên cạnh đó, lạm phát hiện nay không mang tính nhất thời mà sẽ còn kéo dài sang năm 2022.

Nhiều dự báo gần đây cho rằng, vàng đang vào một đợt tăng giá mạnh nhờ sức cầu lớn trong khi lạm phát thế giới lên mức cao. Giá vàng đang trên đường chiếm lại mốc cao kỷ lục, trên 2.000 USD/ounce, của năm 2020.

Giá vàng đã bắt đầu chu kỳ tăng mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường ngóng chờ cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed, với dự đoán các vấn đề được quan tâm hàng đầu sẽ là lạm phát và việc làm. Giới đầu tư bắt đầu đẩy mạnh vào mua tài sản an toàn.

{keywords}
Diễn biến giá vàng thế giới.

Tính từ đầu tháng 11 tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 150 USD/ounce do lo sợ về lạm phát gia tăng vượt tầm kiểm soát trong khi các ngân hàng trung ương chủ chốt vẫn tái cam kết duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời điểm hiện tại.

Theo chiến lược gia tại nhiều tập đoàn lớn, thị trường vàng đang phản ứng tích cực với số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao tại Mỹ. Giới đầu tư xem vàng như một loại tài sản an toàn có thể chống lại rủi ro lạm phát.

Một điều đáng chú ý là giá vàng những tăng không ngừng nghỉ bất chấp có những phiên USD tăng giá. Mức tăng của đồng bạc xanh khá mạnh nhưng dường như không có gì cản trở được đà tăng của giá vàng lúc này.

Các nhà phân tích của Societe Generale dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 1.950 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022, với cam kết mới từ Fed để hỗ trợ nền kinh tế dù lạm phát tăng cao.

Giới đầu tư kỳ vọng lạm phát tăng vượt xa xu hướng lãi suất. Đó là cơ sở để dự báo giá vàng sẽ tiếp tục đà hồi phục vào cuối năm.

Các phân tích kỹ thuật cũng cho thấy giá vàng đang có các "cơ sở hoàn hảo" cho một đợt tăng giá. Bên cạnh đó, lạm phát nóng hơn dự kiến và kéo dài sẽ giúp đẩy giá vàng tăng hơn nữa.

Các dự báo cho rằng, giá vàng sẽ tăng kéo dài đến nửa cuối năm 2022. Lạm phát cao như hiện tại dự báo sẽ duy trì trong sáu tháng tới hoặc còn lâu hơn nữa, kéo dài hơn so với dự báo ban đầu. Các nhà đầu tư bắt đầu dấy lên kỳ vọng rằng giá vàng năm 2022 có thể trở lại mức cao kỷ lục trên 2.000 USD/ounce như năm 2020.

Nhiều báo cáo cho rằng,đối thủ cạnh tranh chính đối với vàng lúc này là đồng Bitcoin. Tuy nhiên, đồng tiền này biến động thất thường. Nó khiến vàng vẫn là một nơi trú ẩn an toàn.

Trong nước, cung vàng đang bị giới hạn. Theo nghị định mới, ngoại trừ vàng nhẫn, vàng trang sức, số lượng điểm được phép kinh doanh vàng miếng đã giảm từ 12.000 xuống 2.000 điểm. Đây là lý do khiến giá vàng nhẫn chỉ chênh với giá thế giới khoảng 2-3 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng miếng chênh 10 triệu đồng/lượng.

M. Hà

Giá vàng tăng 'điên cuồng', người mua lãi chồng lãi chỉ trong nửa tháng

Giá vàng tăng 'điên cuồng', người mua lãi chồng lãi chỉ trong nửa tháng

Lạm phát tăng nhanh lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ ở Hoa Kỳ đã thúc đẩy giá vàng tăng đầy bứt phá. Cộng thêm động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, kim loại quý đang toả ra sức hút lớn hơn bao giờ hết.