Dịch bệnh Covid-19 được dự báo sẽ tác động tiêu cực không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh chung đó, kinh tế Việt Nam cũng đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức. Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm chia sẻ góc nhìn của mình về câu chuyện này.

Không thể để dân chịu rủi ro

- Đã có nhiều nhận định rằng dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta, trong đó có tăng trưởng kinh tế. Còn ông, ông nhìn nhận thế nào?

Ông Hoàng Quang Hàm: Covid-19 chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng và thu, chi ngân sách của Việt Nam, nhưng diễn biến dịch tại Trung Quốc và trên thế giới còn phức tạp, chưa kết thúc nên chưa thể xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của nó. Dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mặt hàng điện tử, dệt may và xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Trung Quốc vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu, vừa là thị trường tiêu thụ lớn, là mắt xích quan trọng trong kinh tế toàn cầu nên với tình hình dịch bệnh hiện nay không chỉ kinh tế của Trung Quốc ảnh hưởng mà kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn nên thế giới bị ảnh hưởng thì Việt Nam cũng vậy.

Hơn nữa, kim ngạch xuất nhập khẩu trực tiếp của Việt Nam với Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao, chưa kể dịch bệnh sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch… nên có thể khẳng định tăng trưởng và thu, chi ngân sách của Việt Nam bị ảnh hưởng.

{keywords}
Ông Hoàng Quang Hàm: ‘Chính sách của Chính phủ rất quyết liệt’

- Đối diện với nhiều khó khăn như vậy, ông có cho rằng cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng không?

Tôi cho rằng đây không phải vấn đề chính, thực tế sẽ diễn biến theo đúng các qui luật của nền kinh tế. Không phải giữ nguyên không điều chỉnh thì tăng trưởng sẽ đạt 6,8% mà điều chỉnh giảm mục tiêu nhưng điều hành quyết liệt đúng đắn vẫn có thể đạt 6,8%. Cho nên tôi thấy việc Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng là thể hiện tinh thần quyết tâm phấn đấu. Ngay cả các quốc gia điều chỉnh giảm thì cũng là dự báo sớm thôi, cái chính vẫn là điều hành thực tiễn.

- Nhưng mục tiêu đặt ra như thế nào thì hướng điều hành sẽ theo như thế…

Duy trì được mục tiêu hay không thì thực tiễn sẽ trả lời, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn (năm 2020) là 6,8% là đáng khích lệ, nhưng quan trọng là phải bảo đảm tăng trưởng đó đúng hướng, tăng trưởng theo chiều sâu và bền vững. Nghĩa là chúng ta điều hành đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% nhưng không xa rời mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng trưởng theo chiều sâu, không vì mục tiêu ngắn hạn mà bỏ mục tiêu dài hạn.

- Với quan điểm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, ông đánh giá thế nào về các giải pháp mà Chính phủ đưa ra?

Chẳng có giải pháp nào sai cả.

- Có giải pháp nào đột phá không?

Thời điểm này chẳng thể có giải pháp đột phá được, mà tiếp tục triển khai tốt các giải pháp đã đề ra để hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, trong đó tập trung quyết liệt hơn một số giải pháp trước tình hình dịch bệnh thôi. Thời điểm này chỉ có thể nói là ứng phó, diễn biến tùy tình hình dịch bệnh.

Thực ra Chính phủ đã rất quyết liệt, quyết tâm vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Ví dụ đã có giải pháp hỗ trợ cho một số lĩnh vực khó khăn, NHNN đã có động thái chỉ đạo giảm lãi suất; một số ngân hàng thực tế đã giảm. Hay Bộ Tài chính cũng đã miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên liệu sản xuất mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay… Bộ KHĐT cũng đã rà soát đánh giá tác động chung, các bộ ngành tự đặt ra mục tiêu phấn đấu; đề xuất giải pháp. Chính sách của Chính phủ như thế là rất quyết liệt. 

- Thế còn giải pháp ứng phó như ông nói là thế nào?

Ta giờ đang là ứng phó với dịch, tức là phải ứng biến thôi, giải pháp cũng là ứng biến phải thay đổi theo tình hình dịch bệnh. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài 2 tháng sẽ khác; 6 tháng hay 1 năm lại hoàn toàn khác. Thế nên đầu tiên, quan trọng nhất là Chính phủ phải cương quyết kiểm soát dịch. Còn dịch thì tăng trưởng nhất định bị ảnh hưởng. Nói trong nguy có cơ là khơi dậy tinh thần sáng tạo, vượt khó nhưng thực tế là thách thức nhiều hơn cơ hội.

Trong kiểm soát dịch phải đặc biệt chú trọng 2 việc: Thứ nhất, kiểm soát việc đi lại của cư dân biên giới và việc nhập cảnh, bởi bệnh này trong thời gian ủ bệnh vẫn lây lan. Giải pháp trong nước của ta rất tốt, vì số ca nhiễm không tăng nữa, nhưng 2 yếu tố trên thì phải thực hiện chặt chẽ, không để bùng phát dịch.

Thứ hai, tôi rất quan tâm là phải xác định chính xác thời điểm hết dịch để công bố. Công bố chậm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, công bố sớm (hết dịch nhưng thực tế dịch vẫn diễn biến) thì hiểm họa khôn lường. Đặc biệt, nói hết dịch thì mọi thứ phải bình thường trở lại, học sinh đi học; giao thông vận hành, du lịch bình thường; đừng bảo nhau phát khẩu trang với rửa tay liên tục hay không được tập trung đông người nữa.

Còn nữa...

Hải Triều thực hiện