Trong thời gian qua, Kiev đã nhiều lần hối thúc các nước đồng minh hỗ trợ dàn tiêm kích hiện đại được ví là “đôi cánh tự do” như lời ông Zelensky phát biểu trong chuyến thăm tới Anh vào tuần này, để thay thế phi đội MiG và Sukhoi đã lỗi thời. 

Reuters cho hay, danh sách các loại tiêm kích mà Ukraine mong nhận được phải kể tới F-16 do Mỹ sản xuất, và Gripen của Thụy Điển. 

Tiêm kích F-16 của không quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, từng nhận định những tiêm kích hiện đại sẽ giúp “đóng không phận” trước đòn tấn công của Nga, cũng như “tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào" trên bầu trời hoặc dưới mặt đất.

Thách thức với Ukraine

Trong chuyến thăm tới London, Tổng thống Zelensky đã đề nghị được nhận tiêm kích Eurofighter Typhoon. Sau đó, Anh cho biết các phi công Ukraine sẽ mất nhiều năm để học cách vận hành loại máy bay hiện đại này.

Chia sẻ với BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định, “Nó không đơn giản chỉ là  kéo chiếc máy bay tới sát biên giới. Khi bắt đầu chế tạo những loại vũ khí hiện đại và phức tạp như máy bay chiến đấu, cần có đội phi công được đào tạo đi kèm”. 

Hiện tại Anh chưa đưa ra cam kết sẽ hỗ trợ tiêm kích Typhoon, và cho biết các phi công Ukraine có thể chỉ được đào tạo để sử dụng loại máy bay này sau khi chiến sự ở Ukraine kết thúc. Ngoài ra, Bộ trưởng Wallace nói thêm Anh cần nhận được sự đồng ý từ các quốc gia tham gia sản xuất Eurofighter là Đức, Italia, và Tây Ban Nha trước khi gửi tiêm kích cho Ukraine. 

Ông Justin Bronk từ viện nghiên cứu RUSI cho rằng việc trao tiêm kích Typhoon cho Ukraine sẽ chỉ là “mang tính biểu tượng đắt giá".

Theo ông Bronk, Typhoon sẽ phải bay tầm thấp để tránh hệ thống phòng không của Nga. Nhưng Typhoon lại được tối ưu hóa để bay tầm cao nhằm phóng tên lửa ở tầm xa hơn.

Cũng theo ông Bronk, tiêm kích Typhoon và F-16 đòi hỏi được cất cánh trên những đường băng trơn tru. Trong khi đó, chiến đấu cơ Gripen của Thụy Điển có thể bay ở độ cao thấp hơn so Typhoon và F-16. Ngoài ra, tiêm kích Gripen có thể cất cánh trên các đường băng ngắn hơn và gồ ghề hơn. 

Hiện tại, Mỹ và Pháp tuyên bố không loại trừ việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine, còn Đức đã bác bỏ khả năng này. 

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cũng cho biết có thể viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhưng khẳng định vấn đề này hiện chưa được Stockholm bàn tới. 

Ba Lan, một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, cho hay sẽ không tự đưa ra quyết định riêng mà cần NATO hành động chung.

Còn Slovakia đã đồng thuận gửi 11 máy bay chiến đấu MiG cho Ukraine để mở rộng phi đội hiện thời.

Chính phủ các nước phương Tây vẫn đang chú trọng bảo vệ an ninh quốc gia, nên tránh việc viện trợ quá nhiều vũ khí cho Ukraine. Ngoài ra, họ cũng tránh gửi đi những vũ khí có thể tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

Điện Kremlin cũng khẳng định các nước phương Tây sẽ rơi vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga nếu như họ gửi tiêm kích cho Ukraine.