Nửa đầu năm 2015, giới nhà giàu Trung Quốc đã rót 5 tỷ USD vào nhà đất Mỹ, cao hơn nhiều so với 4 tỷ của cả năm 2014. Thị trường chứng khoán hoảng loạn, kinh tế tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc cùng hàng loạt cảnh báo rủi ro khiến làn sóng tháo chạy khỏi nước này đang diễn ra mạnh mẽ.
Đổ tiền ra nước ngoài
Tờ SCMP hôm 13/7 công bố khảo sát của đơn vị tư vấn người châu Á mua nhà ở Mỹ cho thấy, hơn một nửa số khách hàng người Trung Quốc đang tính đến việc mua bất động sản ở nước ngoài. Đây là dấu hiệu cho thấy, ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa tài sản bằng cách đầu tư vào BĐS nước ngoài.
Xu hướng mua BĐS nước ngoài, nhất là ở Mỹ và Úc của người giàu Trung Quốc đã có từ lâu. Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của làn sóng này thời gian gần đây được cho là nhờ rất nhiều người đã giàu lên nhanh chóng nhờ TTCK bùng nổ trong năm vừa qua. Sự kiện TTCK nước này bất ngờ sụp đổ trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7/2015 cũng góp phần cho nhà giàu Trung Quốc quyết định nhanh hơn.
Một nhà môi giới ở Sydney (Úc) đã bất ngờ khi chỉ trong một tuần đầu tháng 7/2015 đã bán được hai căn hộ và một ngôi nhà hơn 10 triệu USD cho khách hàng đến từ Trung Quốc.
Nhiều người Trung Quốc đang tính đến việc mua bất động sản ở nước ngoài. |
Các nhà tư vấn BĐS Úc dự đoán, lượng tiền khổng lồ ở Trung Quốc có thể còn chạy vào Úc mạnh hơn trong thời gian tới khi mà giới nhà giàu nước này đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn sau cú sốc rớt 30-40% trên TTCK Thượng Hải và Thâm Quyến.
Đại diện Công ty Douglas & Gordon cho biết, nhiều NĐT Trung Quốc đã đến Anh để tìm mua căn hộ. Đại diện công ty môi giới BĐS Colliers International tại Mỹ dẫn số liệu cho thấy, nửa đầu năm 2015, giới nhà giàu Trung Quốc đã rót 5 tỷ USD vào BĐS Mỹ, cao hơn nhiều so với 4 tỷ của cả năm 2014.
Tom Bill của hãng nghiên cứu Knight Frank cho rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy người Trung Quốc rất quan tâm tới BĐS ở nhiều nước trên thế giới, từ Úc, Anh cho tới Canada, thậm chí ở cả London nơi mà giá nhà đất đã ở mức cao ngất ngưởng. Mục đích của không ít người là tránh hậu quả của sự bất ổn trên TTCK.
Bank of America Merrill Lynch (Mỹ) cho biết, không ít đại gia Trung Quốc đã rút tiền khỏi TTCK. Trong 5 tháng đầu năm, cổ đông lớn của các DNNY đã bán cổ phiếu và rút ra khoảng 58 tỷ USD, cao gấp đôi so với cả năm 2014.
Không chỉ BĐS, lượng tiền nhàn rỗi ở Trung Quốc còn chảy vào một số tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ Mỹ, Franc Thụy Sĩ…
Bất an về nền kinh tế
Theo CBRE, trong giai đoạn 2010-2015, số tiền người Trung Quốc đổ vào BĐS nước ngoài đã tăng hơn 10 lần. Sự chào đón của một số nước đối với những người có tiền, như chính sách đầu tư để định cư vĩnh viễn… có thể góp phàn làm làn sóng mang tiền ra nước ngoài của người giàu Trung Quốc diễn ra mạnh hơn.
Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ. |
Sau sự đợt khủng hoảng chứng khoán vừa qua, sự bất an dường như càng hiện rõ. Nếu như trước đó, giới đầu tư chỉ nghi ngờ về những quả bong bóng trên một số thị trường như chứng khoán hay BĐS, thì giờ đây họ đã cảm nhận thật rõ ràng hơn sau cơn hoảng loạn chứng khoán trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
Sự phục hồi vài phiên được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá chỉ là tạm thời và làn sóng rút vốn khỏi chứng khóa Trung Quốc chưa dừng lại.
Đại diện quỹ Perpetual gần đây đã quyết định thoái vốn khỏi cổ phiếu Trung Quốc, từ sản xuất cho đến tài chính và thay vào đó là các cổ phiếu của Hàn Quốc và thậm chí cả cổ phiếu châu Âu. Lý do mà Perpetual đưa ra là cho dù đã giảm tới 30%, chứng khoán Trung Quốc vẫn đắt đỏ nhất so với 10 TTCK phát triển nhất trên thế giới.
Trước đó, dòng tiền của đất nước có nhiều triệu phú USD thứ 2 thế giới này cũng đã âm thầm được tháo ra nước ngoài. Truyền thông Úc hồi tháng 4 đưa tin một doanh nhân Trung Quốc đã bỏ gần 20 triệu USD để mua căn hộ đắt nhất nước này. Hay như làn sóng các bà bầu Trung Quốc chi cả trăm nghìn USD để du lịch sang Mỹ sinh con, tìm kiếm cơ hội mới như môi trường sinh sống và môi trường giáo dục cho thế hệ tương lai…
Theo nghiên cứu của Barclays, có tới gần 50% người giàu nhất Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước của mình trong khoảng thời gian từ giờ tới 2019 với mong muốn con cái có một nền giáo dục tốt hơn, môi trường làm việc kinh doanh tốt và an toàn hơn.
Cổ phiếu Trung Quốc trong phiên cuối tuần 17/7 thậm chí còn tăng tới 3,5%. Sự 'cầm máu' trên TTCK là cần thiết để tránh xảy ra sự hoảng loạn của hơn 90 triệu NĐT, trong đó phần lớn là nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, theo IMF, nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quá trình tái cơ cấu và tốc độ tăng trưởng GDP sẽ còn giảm trong nhiều năm nữa, từ mức 7,4% năm 2014 xuống 6,8% năm 2015 và 6,3% năm 2016… Sự lo ngại còn nằm ở chỗ, quá trình tái cấu trúc liệu có thành công hay không. Nỗ lực thúc đẩy chứng khoán tăng trưởng để cứu kinh tế đã mang đến một bài học lớn cho Trung Quốc với sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong một tháng qua.
V.Minh