Bé gái lớp 1 (Hà Nội) được gia đình đưa tới gặp TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương để xin thăm khám, tư vấn về tình trạng sức khỏe tâm thần.
Gia đình chia sẻ, sau một thời gian dùng điện thoại học online, bé bắt đầu thích xem Tiktok (nền tảng video âm nhạc, mạng xã hội) và nhờ bố mẹ quay các đoạn video ngắn để đăng tải lên nền tảng này. Cháu hay bắt chước các video nổi tiếng, chủ yếu là những bài hát dễ thuộc, câu hát đang thu hút sự chú ý của nhiều người, kèm với đó là một vài động tác phụ họa.
Ban đầu, thấy bé bắt chước giống và có nhiều người xem, gia đình rất hứng thú, nghĩ con có năng khiếu nên để cho bé vui vẻ. Tuy nhiên, dần dần, trẻ ngày càng ham lên mạng xã hội, bỏ bê học hành và tự quay video mà không cần nhờ trợ giúp từ bố mẹ.
“Thấy con mê quay video với những nội dung vô nghĩa, bắt chước các trò nhảy nhót thái quá, quên cả việc học, khi bị nhắc nhở lại tự nhốt mình trong phòng để tự quay video, tôi lo quá nên vội đưa đến viện thăm khám”, mẹ bé gái tâm sự.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu thông tin, do cháu bé còn quá nhỏ để nghe bác sĩ tư vấn cũng như hợp tác điều trị, bác sĩ chủ yếu chia sẻ và tư vấn cho phụ huynh là chính. “Sự đồng hành của bố mẹ rất quan trọng, không nuông chiều, không mặc kệ con với các thiết bị điện tử”, TS Thu nói.
TS hướng dẫn cha mẹ bé, ban đầu không nên cấm con một cách đột ngột, mà cần lấy việc “được vào mạng xem” làm phần thưởng. Ví dụ, nếu học tập tốt, được điểm cao, hoàn thành bài tốt… thì bé sẽ được chơi trong một thời gian nhất định. Sau khi “kéo” con ra khỏi việc chơi mạng thường xuyên, dần dần sẽ áp dụng lộ trình chấm dứt hoàn toàn, không thể mãi coi đó là một phần thưởng thường xuyên.
“Thực chất, việc này cũng giống như cai nghiện game, phải giảm thời gian chơi từ từ, rồi mới chấm dứt hoàn toàn. Bởi nếu không quyết đoán trẻ rất dễ tái "nghiện" và lần sau cai sẽ khó hơn nhiều”, TS Thu tư vấn.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu cho biết, dù nghiện Tiktok chưa được xếp vào bệnh lý tâm thần, tuy nhiên trong quá trình thăm khám, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ ở lứa tuổi học sinh được gia đình đưa đến vì “quá mê” Tiktok.
Theo TS Thu, nghiện Tiktok cũng như nghiện chơi game, nghiện Facebook, tức người dùng bị cuốn hút vào thế giới ảo gây hạn chế những kỹ năng khác. Người trưởng thành thì bỏ bê công việc, bỏ ăn, bỏ ngủ để vào mạng, còn học sinh thì lực học giảm sút, không tập trung, giảm chú ý…
“Một vấn đề với những người trẻ bị nghiện internet nói chung và Tiktok nói riêng là ảnh hưởng đến nhận thức, có thể gây hậu quả lâu dài cho tương lai. Trẻ gặp tình trạng này có đặc điểm chung là dáng vẻ lơ ngơ”, TS Thu nói.
TS Thu khuyến cáo, trong xã hội hiện đại, việc cấm đoán trẻ hoàn toàn khỏi các thiết bị điện tử, internet dường như là không thể, nhất là trong bối cảnh các con phải dùng mạng để học online. Bởi vậy, phụ huynh cần xây dựng cho con lối sống lành mạnh, tiếp xúc hợp lý với thiết bị điện tử để tránh tình trạng nghiện mạng xã hội nói trên.
Quỳnh Anh
Trẻ sốt do mắc Covid-19, khi nào cần liên hệ nhân viên y tế?
Một số phụ huynh bày tỏ lo lắng khi tình trạng sốt của trẻ F0 không thuyên giảm dù đã cho uống thuốc hạ sốt và đặt câu hỏi, sốt ở mức độ nào cần liên hệ cơ quan y tế.