Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh trần lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ từ 8%/năm xuống 7,5%/năm. Sau nhiều lần hạ lãi, nhiều ý kiến cho rằng, quy định trần lãi suất không còn nhiều nghĩa. Đã đến lúc phải bỏ.
Các tin liên quan |
Phân tích về vấn đề này, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, trước khi NHNN quyết định hạ trần lãi suất huy động từ 8%/năm về 7,5%/năm thì một số NH đã đi trước hạ lãi suất huy động xuống dưới mức trần 8%/ năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ vẫn giữ mức lãi suất huy động cao hơn trần 7,5% sau ngày 26/3.
Tại Hà Nội hiện khách hàng vẫn có thể gửi tiền từ 500 triệu đồng trở lên kỳ hạn dưới 12 tháng với lãi suất từ 10%-10,5%/năm.
Vì vậy, việc đưa lãi suất huy động về mức 7,5% của Ngân hàng Nhà nước chỉ giống như phát đi tín hiệu là thị trường đã giảm lãi suất mà thôi.
Tuy nhiên, việc giảm trần lãi suất huy động sẽ làm cho trần lãi suất cho vay đối với DN thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên giảm xuống còn 11%, qua đó tạo điều kiện cho các đối tượng kinh doanh trong các lĩnh vực này được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù vậy, các phân tích cũng cho thấy việc hạ trần cho vay với 4 đối tượng kể trên không có nhiều tác dụng.
Với các khoản vay có mức rủi ro cao hơn ngân hàng sẽ áp lãi suất cao hơn, vì vậy nếu DN hoạt động kém hiệu quả thì dù có thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên cũng khó được vay vốn với mức 11%.
Hơn nữa, các ngân hàng đang cho vay ít hơn đối với những lĩnh vực ưu tiên trên so với trước, vì ngân hàng sẽ ít khả năng thu được đủ mức lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro phải gánh chịu.
Không những thế, khu vực nông thôn rộng lớn hiện chỉ có những ngân hàng lớn mới có đủ sức mở chi nhánh.
Ví dụ như Ngân hàng Nông nghiệp có chi nhánh về tới các xã, mà các ngân hàng khác không có thì dù lãi suất thấp, khách hàng cũng chỉ biết gửi tiền vào đó nên vẫn huy động tốt. Trên thực tế, hiện có ngân hàng lớn, thừa tiền nên đã giảm lãi suất huy động xuống mức 7,3% với kỳ hạn dưới 12 tháng, thấp hơn trần lãi suất 0,2%.
Ngược lại những ngân hàng nhỏ có thanh khoản yếu thì vẫn nâng mức huy động vượt trần, hiện tượng này đã xảy ra từ hơn 1 năm nay mà Ngân hàng Nhà nước chẳng thể làm gì được.
Để như tình trạng hiện nay, đang làm cho chính sách không còn minh bạch và tạo kẽ hở cho hững tiêu cực nảy sinh.
Một chuyên gia đã tính toán, với những ngân hàng huy động vượt trần sẽ dễ dàng thu hút những khoản tiền gửi từ các cơ quan tổ chức Nhà nước. Gửi vào những ngân hàng nhỏ này trên sổ sách vẫn ghi đúng lãi suất trần quy định là 7,5% nhưng khoảng chênh lệch sẽ được trả ngoài và rất dễ chui vào túi 1số cá nhân. Với số tiền gửi 1.000 tỷ đồng, chỉ cần lãi suất ở mức 9% thôi thì 1tháng đã có khoản chênh lệch hơn 1 tỷ đồng bỏ túi.
Với các ngân hàng, để có khoản chênh lệch này trả cho khách hàng họ lại phải diễn những "trò" khác.
Chẳng hạn như hợp đồng thuê văn phòng trị giá 100 triệu đồng/tháng sẽ được nâng khống lên 200 triệu đồng, lấy số chênh lệch đó ra trả cho khoản chênh lệch tiền gửi ... Các ngân hàng nhỏ có thể phải nâng khống cả những hợp đồng quảng cáo hay tài trợ... để có chênh lệch bù vào và điều đó càng làm cho sự minh bạch trong hoạt động ngân hàng không còn.
Trao đổi với DN mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, để mặt bằng lãi suất được hạ nhanh hơn, NHNN vẫn quyết định áp trần lãi suất.
lạm phát phải được kiềm chế thì mặt bằng lãi suất mới giảm xuống được và DN mới có thể cạnh tranh với các nước khu vực và trên thế giới. Với tình hình hiện nay, mặc dù chúng ta có thể bỏ được trần lãi suất, để cho thị trường tự điều tiết, tuy nhiên, nếu để thị trường tự điều tiết thì lãi suất sẽ giảm chậm hơn, phải mất nhiều thời gian hơn.
Do đó, Dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, NHNN cho rằng, khả năng kiềm chế lạm phát năm nay ở mức dưới 7%. Do đó, điều kiện để NHNN tiếp tục hạ lãi suất huy động không còn nhiều. Tuy nhiên, NHNN sẽ cố gắng điều hành để lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh giảm xuống mức 9-10%/năm.