Hiện nay, đối tượng bác sỹ vừa thiếu về số lượng, vừa phân bố quá bất cân bằng giữa các vùng miền trong cả nước dẫn đến thực trạng bức tranh nhân lực ngành y tế có nhiều điểm đối lập nhau hoàn toàn.

Cả huyện chỉ có một vài bác sỹ


Bác sỹ là đối tượng đóng vai trò tối quan trọng để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Nhưng nhân lực luôn là bài toán "đau đầu" của những người làm chính sách và quản lý về y tế.

Hiện nay, trong bài toán về nhân lực, ngành y tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức như: Thiếu về số lượng, phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực.


Kết quả báo cáo đợt kiểm tra bệnh viện năm 2008 của Bộ Y tế đã phần nào thể hiện được thực trạng nhức nhối nói trên:

 

Tuyến Trung ương

Tuyến tỉnh

Tuyến huyện

Y tế tư nhân

Bệnh viện ngành

Số giường bệnh

9,9%

49,4%

34,8%

3,4%

 

Số bác sỹ

13,2%

47,8%

29,6%

6,8%

 

Tỷ lệ bác sỹ/giường bệnh

1/3,3

1/4,5

1/5,1

1/2,1

1/3,8


Những con số trên đã cho thấy tỷ lệ bác sỹ ở địa phương là rất thấp so với Trung ương. Tính đến tháng 11/2009, cả nước có 124 huyện thuộc 49 tỉnh/thành trong cả nước có dưới 10 bác sỹ/huyện. Cá biệt có 44 huyện thuộc 26 tỉnh/thành có dưới 5 bác sỹ/huyện, trong đó có 3 huyện chỉ có 1 bác sỹ/huyện (thị xã Mường Lay - Điện Biên; huyện Phú Thiện - Gia Lai; thị xã Đồng Xoài - Bình Phước).


Xét một cách toàn diện trên phạm vi cả nước thì các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long có số cán bộ y tế thấp nhất cả nước (khoảng 21-25 cán bộ y tế/1 vạn dân). Tình trạng thiếu này càng trở nên trầm trọng đối với các bác sỹ chuyên khoa có tay nghề cao như các chuyên khoa Nhi, Tâm thần, Lao,...


Tuyến trên “nóng”, tuyến dưới “lạnh”

Những năm gần đây, kinh tế đất nước phát triển, đặc biệt là ở các đô thị lớn tốc độ phát triển diễn ra càng nhanh, càng mạnh. Không nằm ngoài quy luật cung - cầu của thị trường nhân lực, trong ngành y tế đã xuất hiện một dòng luân chuyển bác sỹ từ tuyến dưới lên tuyến trên với hi vọng phát triển tay nghề, nâng cao thu nhập và tìm kiếm những cơ hội tốt trong nghề nghiệp.

 
 Bác sỹ bệnh viện Từ Dũ về Vũng Tàu theo đề án 1816 (Ảnh: SKDS).

 

Các bác sỹ có tay nghề cao đều tập trung ở các khu đô thị lớn với dân số đông đúc. Lúc này, tình trạng bất cân bằng về nhân lực giữa các tuyến lại càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.


Tại huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, trong hai năm 2008 - 2009, toàn huyện đã có 10 cán bộ y tế xin chuyển công tác, nghỉ việc. Đến năm 2010, huyện lại có thêm 8 cán bộ nữa nghỉ việc, xin chuyển công tác. Số bác sĩ còn lại của huyện Khánh Sơn chỉ còn 13 người, gồm 6 bác sĩ tuyến xã và 7 bác sĩ tuyến huyện và hiện đã có thêm 3 đơn xin nghỉ việc đang chờ xét duyệt.


Còn tại Lai Châu (một tỉnh nghèo của miền núi phía Bắc), cả tỉnh chỉ có 128 bác sỹ chuyên khoa I các chuyên ngành, 30 bác sỹ chuyên khoa định hướng, 50 bác sỹ đa khoa, chưa có bác sỹ chuyên khoa sâu và trung bình chỉ có 3,4 bác sỹ/1vạn dân.


Tại các bệnh viện huyện chỉ có bác sỹ định hướng ngoại khoa, không có bác sỹ chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ có 30 bác sỹ (250 giường), trong đó chưa có bác sỹ chuyên khoa sâu và chỉ có 4 bác sỹ chuyên khoa I.


Ông Bùi Từ Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: "Tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút và hỗ trợ những bác sỹ ở lại tỉnh công tác song thực sự tình hình nhân lực không được cải thiện là bao. Chúng tôi thậm chí còn cấp nhà, cấp đất, ưu tiên những gì tốt nhất nhưng chỉ sau khoảng 3 tháng là bác sỹ lại tự động bỏ về vùng xuôi".


Khoảng cách lớn về chất lượng khám chữa bệnh giữa cách vùng miền


Hệ quả tất yếu của tình trạng bất cân bằng trong phân bố nhân lực như trên đã nêu tất yếu khiến khoảng cách về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các vùng miền ngày càng bị nới rộng.


Trong khi các bệnh viện lớn thường xuyên cập nhật các kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh và có nguồn nhân lực trình độ cao làm chủ được kỹ thuật đó thì ngược lại, bệnh viện tuyến dưới ngày càng thể hiện rõ xu hướng "đi giật lùi".

Khoảng cách về chất lượng khám chữa bệnh giữa tuyến trên và tuyến dưới rất xa nhau. Tuyến dưới ngày càng thể hiện rõ xu hướng "đi giật lùi".

Tiến sỹ Nguyễn Hoài Chương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện Phụ sản Trung ương trong một lần chia sẻ với báo chí đã thành thực hỏi rằng những công ty, những hãng sản xuất máy móc trang thiết bị y tế cũng như những dự án y tế liệu họ có muốn đưa về các bệnh viện ở nông thôn, vùng sâu vùng xa để triển khai hay không, khi mà con người ở đó không thể đủ trình độ, khả năng để vận hành máy móc thiết bị, các điều kiện khác về cơ sở vật chất cũng không đồng bộ để đáp ứng một cách tốt nhất với các trang thiết bị hiện đại, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc khám chữa bệnh cho người bệnh.


Các bệnh viện tuyến dưới không phải không có nhu cầu phát triển về chuyên môn, về chất lượng dịch vụ. Nhưng rào cản về nhân lực có trình độ cao như đã nêu ở trên khiến những mong muốn này khó có thể được hiện thực hóa. Và trong khi tuyến dưới "giậm chân tại chỗ" nhưng tuyến trên phát triển không ngừng thì rõ ràng tuyến dưới "đi giật lùi" là điều khó tránh khỏi.


Vì thế, trong khi các bệnh viện tuyến trên ngày càng nâng cao khả năng chữa trị được các bệnh phức tạp nhất thì tuyến dưới vẫn "lẹt đẹt" chữa những bệnh thông thường như ho sốt, cảm cúm thông thường và đỡ đẻ.


Hệ quả từ sự chênh lệch quá lớn về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh là người bệnh tất yếu đổ về tuyến trên để thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng ở tuyến trên (trong khi tuyến dưới vẫn "ngồi chơi xơi nước"). Từ tình trạng quá tải này mà nhiều tiêu cực đã nảy sinh và trở thành điểm nóng trong dư luận như: thái độ thiếu hòa nhã, nạn phong bao phong bì, vv ...

  • Ngọc Anh