Từ năm 2016, vào chiều thứ 7 hàng tuần, nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) thường đến Canh tân Hội quán để bàn cách làm ăn.
Câu lạc bộ đặc biệt của nhà nông
Các câu chuyện của người nông dân An Nhơn xoay quanh nhà cửa, đất đai, đặc biệt là chuyện sản xuất, canh tác, chuyện giống cây trồng. Bên ly trà thơm, bà con bàn chuyện canh tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, rồi đến góp ý, tâm tình.
Những buổi sinh hoạt ở Hội quán không chỉ thắt chặt tình làng nghĩa xóm, mà còn giúp người nông dân An Nhơn thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng đến sản xuất hàng hóa nông sản uy tín, chất lượng. Từ chỗ canh tác theo kiểu mạnh ai nấy làm, nhà nông hòa vào không gian cộng đồng hội quán, không còn cảnh lủi thủi làm ăn, rồi“đụng hàng dội chợ” sau thu hoạch.
Từ đầu năm 2017, hoạt động Canh tân Hội quán dần ổn định; dân xã An Nhơn tự nhận thấy rằng làm ăn hộ cá thể không còn mang lại hiệu quả cao nên cùng nhau vận động thành lập HTX, bước vào mô hình làm ăn tập thể nhằm nâng cao chuỗi giá trị. HTX Nông sản an toàn An Hòa ra đời, như điều tất yếu trong bước chuyển mình của mô hình Canh Tân Hội quán. Điểm đặc biệt là trong 120 thành viên ngoài bà con nông dân còn có các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra.
Các hội quán sinh hoạt, tọa đàm sản xuất với sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ ngành nông nghiệp
Hoạt động chính của HTX là dịch vụ liên kết tiêu thụ nhãn, cung cấp vật tư đầu vào, kỹ thuật, vận tải. Ngoài ra, An Hòa còn cung cấp những dịch vụ phi nông nghiệp như: sân bóng đá, bóng chuyền, dịch vụ giữ trẻ, thu gom rác sinh hoạt, cung cấp nước tinh khiết, dịch vụ đời sống... Tất cả hoạt động nhằm hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm nhãn bền vững. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn thành viên quy trình sản xuất có năng suất, hiệu quả cao, hoàn thiện kỹ năng quản lý canh tác... nhằm tạo nguồn thu bền vững cho HTX hoạt động.
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động, các thành viên HTX đưa ra mục tiêu là cùng nhau trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến trong phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường, rút kinh nghiệm về quy trình sản xuất... Đối với các thành viên còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, HTX cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng tiêu chuẩn thị trường và xuất khẩu.
Nông dân hội quán liên kết làm ăn
Cùng với Canh tân Hội quán ở xã Anh Nhơn, 12 hội quán nông dân khác cũng đã được thành lập. Đến nay ở Đồng Tháp có 13 hội quán, nơi nhà nông liên kết tự nguyện để chia sẻ những “chuyện làng, chuyện xóm”, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; đặc biệt, cùng nhau nghiên cứu những định hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường cao cấp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết, ông rất tâm đắc với các "Hội quán nông dân" mà Đồng Tháp xây dựng. “Hội Nông dân tỉnh cần quan tâm xây dựng mô hình, tổ hợp tác và HTX để nông dân cùng làm ăn với nhau; Tổ chức thật tốt khâu dịch vụ và tổ chức cho nông dân vay theo mô hình để nhiều nông dân cùng làm. Vốn là một chuyện, nhưng kích thích thị trường, tìm kiếm đầu ra là rất quan trọng. Người nông dân ngoài có vốn cần phải được trang bị kiến thức, có nhiều thông tin để sản phẩm có đầu ra”, ông Muôn nói.
Nhãn xuất khẩu thương hiệu Đồng Tháp
Để sản phẩm của nhà nông xây dựng được thương hiệu và tìm được đầu ra, tỉnh Đồng Tháp đã tạo mọi điều kiện để các HTX, các Hội quán nông dân liên kết với DN. Mới đây trong Hội nghị thành lập HTX Nông sản an toàn An Hòa nhiệm kỳ 2017-2022 (Đồng Tháp, ngày11/11/2017), một DN đã góp vốn điều lệ lên đến 200 triệu để hỗ trợ phát triển giống nhãn An Hòa. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ nông dân An Hòa giống nhãn tốt nhất, DN này còn thành lập tổ công táccó nhiệm vụ hướng dẫn bà con trồng trọt tạo ra sản lượng và chất lượng nhãn tốt nhất, giá cạnh tranh nhất. Cùng với đó, một hệ thống siêu thị bán lẻ trái cây mà DN này đã xuất khẩu như nhãn, chôm chôm, dừa... sẽ được mở. Và nhãn An Hòa được DN khẳng định sẽ góp mặt trên những kệ trái cây này.
Q.Hiếu - Kim Duyên