Kết quả khảo sát "Thực trạng một số vấn đề về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục" của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 11/10 gây sự chú ý của nhiều chuyên gia trong ngành.

Một lần nữa vấn đề "Chống tham nhũng trong ngành giáo dục" lại được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo "Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong giáo dục Việt Nam, con đường hướng tới kết quả và giám sát tiến trình" do Quỹ Hợp tác Phát triển Bỉ và Tổ chức Minh bạch Thế giới tổ chức trong 3 ngày (11-13/10), tại Hà Nội.

Ảnh Bích Ngọc
Ảnh Bích Ngọc
Khảo sát của Thanh tra Chính phủ đưa ra được thực hiện ở cấp tiểu học và THCS ở 3 TP lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) với 605 phiếu hỏi phụ huynh học sinh và 236 phiếu hỏi giáo viên để so sánh, tham khảo.

Về tuyển sinh đầu cấp kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 20% số học sinh học trái tuyến; trong đó Hà Nội chiếm tỷ lệ khoảng 30%, Đà Nẵng 15-22% và tỷ lệ học sinh học trái tuyến ở TP.HCM 10-15%. Ba lý do phụ huynh chọn trường trái tuyến là chất lượng trường, gần nhà và trường điểm.

Số phụ huynh được hỏi thì có tới 60% phụ huynh phải nhờ các nguồn trợ giúp khi xin cho con học trái tuyến. 33% giáo viên thừa nhận từng giúp đỡ cho con em người quen vào học trường trái tuyến.

Tuyển sinh đầu cấp đã trở thành gánh nặng tâm lý cho 42% phụ huynh, nhưng lại có đến 70% phụ huynh cho rằng bỏ thêm chi phí cho con vào trường tốt là chuyện bình thường, vì suy nghĩ đơn giản "người quen của họ đều làm như vậy". 38% phụ huynh có con học trái tuyến thừa nhận có chi nhờ người xin cho con vào trường.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, dù vào trường trái tuyến hoặc đúng tuyến, phụ huynh thường phải chi nhiều khoản khác nhau: đóng góp xây dựng trường, mua thiết bị lớp học, bồi dưỡng thầy cô lớp năng khiếu, xin vào lớp chọn…

Về các khoản phí ở trường cả phụ huynh và giáo viên đều thừa nhận phải đóng nhiều khoản phí. Ngoài những khoản học phí, quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, đồng phục học sinh, sách giáo khoa…, còn phải đóng các khoản phí ngoài quy định được hợp pháp hóa thông qua “tự nguyện” hoặc quỹ phụ huynh. 52% phụ huynh cho rằng các khoản phí này là gánh nặng tâm lý, 46% cho rằng thu phí ngoài quy định là bình thường.

Việc học thêm- dạy thêm, kết quả khảo sát cho thấy, trung bình một giáo viên dạy thêm 3 buổi/tuần được 1,9 triệu đồng/tháng, so với mức lương trung bình là 2,5 triệu đồng/tháng. Tỉ lệ học sinh giỏi/khá đi học thêm là 45- 49%, học sinh trung bình đi học thêm từ 35-49%, tỉ lệ học sinh kém là 25% trong khi đây là đối tượng cần đi học thêm nhất.

Tần suất tham gia học thêm do nhà trường tổ chức chiếm 44%; do thầy cô dạy thêm riêng chiếm 40%, do cơ quan ngoài tổ chức là 36%. Trung bình một cháu học thêm 3,6 buổi/tuần với chi phí 470 ngàn đồng/tháng.

Trong kết quả khảo sát, điều khiến mọi người quan tâm đó là 63,8% phụ huynh có ý kiến nên tìm trường tốt cho dù trái tuyến, 66,2% phụ huynh khẳng định chỉ học chương trình chính khóa không đủ. Về phía giáo viên, 82,7% cho rằng lương quá thấp so với nhu cầu, 48% giáo viên giáo viên giỏi vẫn tổ chức lớp dạy thêm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng - người trực tiếp tham gia khảo sát điều tra cùng Thanh tra Chính phủ cho biết, tuyển sinh đầu cấp- dạy thêm- thu phí ngoài quy định là ba hiện tượng ẩn chứa nguy cơ tham nhũng trong giáo dục có phạm vi ảnh hưởng rộng. Đồng thời, liên quan trực tiếp tới quan hệ nhà trường xã hội, có tác động trực tiếp tới thái độ phụ huynh, học sinh và giáo viên, tác động mạnh tới người nghèo cần có giải pháp tháo gỡ.

Thu ngoài quy định không phải tham nhũng?

Từ tháng 5/2010 đến nay, tại Việt Nam đã có 3 cuộc hội thảo, bàn tròn về vấn đề chống tham nhũng trong ngành giáo dục:

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) đồng ý với các khoản thu trong nhà trường đã được nêu trong báo báo cáo khảo sát, nhiều khoản thu không theo quy định. Nên xem đó có phải là tham nhũng hay không và chi vào đâu? Ví như: thầy cô chia nhau, mua trang thiết bị hay sửa nhà vệ sinh cho chính các cháu thụ hưởng.... Thế nhưng trong khảo sát chưa làm rõ được vấn đề này.

Ý kiến khác từ Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, đặt lại vấn đề thế nào là tham nhũng?. Vì dạy thêm - học thêm có 2 hướng: dạy thêm-học thêm có sự đăng ký cấp phép của các sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, thì không liệt kê vào hình thức biểu hiện của tham nhũng. Thứ hai, dạy thêm do giáo viên mở lớp và học sinh tự nguyện đăng ký và phải đóng tiền. Giáo viên dạy thêm cũng phải bỏ công sức, trí tuệ để dạy. Như vậy, dạy thêm có phải là tham nhũng?...Mục đích chi mới là biểu hiện của tham nhũng. Nếu thu mà phục vụ cho điều kiện học của học sinh thì chúng ta không nên quy kết.

GS.TS Phạm Huy Dũng, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long phân vân phải xác định trong ba yếu tố "tuyển sinh đầu cấp - dạy thêm - thu phí ngoài quy định" cái nào là nguy cơ thực sự ẩn chứa?

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc khẳng định, tình trạng chạy trường rất là nhức nhối từ bậc học mầm non. Ở bậc tiểu học đến THCS đều có học thêm dưới hình thức cha mẹ viết đơn tự nguyện. Điều đó đặt ra câu hỏi chất lượng dạy trong các nhà trường hiện nay như thế nào, tại sao trẻ con phải đi học thêm? Vì các con học không tốt hay vấn đề khác?

Theo bà Nga cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa như phỏng vấn sâu từng đối tượng; nội dung nghiên cứu nên công bố công khai để cha mẹ, giáo viên và các tầng lớp xã hội đều có nhận thức một cách rõ ràng hơn về vấn đề này. Chỉ khi nào tất cả cùng tham gia đấu tranh không khoan nhượng với bất kỳ hành động nào dù là nhỏ vi phạm về hành động đạo đức thì tham nhũng trong giáo dục sẽ được cải thiện.

  • Kiều Oanh