- Trong khi nhiều giải pháp chuyển đổi kinh tế và kích thích tăng trưởng chưa hiệu quả thì tỷ giá vẫn là chiếc phao hỗ trợ nền kinh tế khổng lồ này. Khả năng ổn định của NDT đang là nỗi ám ảnh lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trăm tỷ USD đổi lấy sự ổn định
Sau cú mất giá kỷ lục trong 3 phiên liên tiếp 11-13/8, tổng cộng khoảng 4,6%, hàng loạt tờ báo TQ cũng như trên thế giới như Bloomberg, Reuters… đồng loạt đưa thông tin TQ đã có nhiều biện pháp đỡ giá đồng NDT.
Các phân tích đều cho thấy, Ngân hàng Nhân dân TQ (PBOC) đã có những động thái bán đồng USD cũng như cung ứng ngoại tệ cho một số ngân hàng (NH) đại lý để kiểm soát biến động bất lợi trên thị trường. Đồng NDT sau đó cũng đã tăng nhẹ trong vài phiên liên tiếp.
Ngay tại cuộc họp báo sáng 13/8, PBOC cho biết sẽ duy trì NDT ổn định ở mức hợp lý sau khi đồng tiền này tụt giảm 3 phiên liên tiếp. PBOC cam kết giữ đồng nội tệ biến động một cách bình thường, ổn định ở mức hợp lý. PBOC tái khẳng định nền tảng kinh tế TQ đủ mạnh không thể khiến NDT tiếp tục suy yếu đi. Các dòng chảy bất thường xuyên biên giới cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Hôm 29/8, Reuters cũng đã trích dẫn lời Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường một lần nữa tái khẳng định không có cơ sở nào để đồng NDT tiếp tục mất giá. Đồng NDT về cơ bản sẽ ổn định ở mức hợp lý và cân bằng.
Hàng loạt tờ báo TQ cũng như trên thế giới đồng loạt đưa thông tin TQ đã có nhiều biện pháp đỡ giá đồng NDT. |
Đây là lần thứ 2 ông Lý Khắc Cường khẳng định điều này trong một sự kiện lớn. Trước đó, theo AFP, thủ tướng TQ cũng đã khẳng định như vậy tại cuộc đàm phán với một lãnh đạo Kazakhstan trong chuyến thăm Bắc Kinh: tỷ giá USD/NDT sẽ được duy trì ở mức ổn định một cách cơ bản và cân bằng.
Theo đó, TQ điều chỉnh tỷ giá trong 3 ngày liên tiếp 11-13/8 là phản ứng phù hợp với các diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế và đây là một phần trong nỗ lực cải cách kinh tế đang diễn ra ở TQ.
Nhiều chuyên gia được Bloomberg thăm dò cho thấy, ngay sau cú phá giá tới 4,6%, PBOC phải chi ra hàng chục tỷ USD mỗi tháng để đỡ giá NDT với mục đích ngăn chặn sự tháo chạy của các dòng vốn ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Dự báo cho thấy, dự trữ ngoại hối của TQ sẽ giảm khoảng 40 tỷ USD mỗi tháng. Dự trữ ngoại hối của nước này được dự báo sẽ giảm xuống 3,45 ngàn tỷ USD, so với mức 3,65 ngàn tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 7.
Khó kiểm soát tỷ giá USD/NDT?
Ngay sau cú phá giá sốc nhất trong 2 thập kỷ, NH Societe Generale của Pháp dự báo đồng USD sẽ tăng giá lên mức 6,6 NDT đổi một USD vào cuối năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc, NDT sẽ mất giá tổng cộng gần 8% trong năm nay.
Khả năng ổn định của NDT đang là nỗi ám ảnh lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. |
Một số chuyên gia trên Reuters thậm chí còn cho rằng, TQ có thể phá giá khoảng 10% dựa vào những chuyển biến không mấy tích cực của nền kinh tế nước này, dựa vào quá trình tái cơ cấu kinh tế TQ và động thái thay đổi cách điều hành thị trường tiền tệ. Theo đó, TQ có thể sẽ tìm cách hạ giá NDT khoảng 10% để thúc đẩy xuất khẩu.
Nguyên nhân được các chuyên gia đề cập là đồng USD mạnh lên rất nhiều trong vài năm gần đây, tăng 10-20% so với nhiều đồng chủ chốt khác trên thế giới, trong khi đó đồng NDT đã có một thời gian vài năm tham chiếu cố định với USD.
Một trong những cơ sở nữa để nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng giảm tiếp của đồng NDT gần đây, có khá nhiều sự nghi ngờ cho rằng, tăng trưởng GDP của TQ trong quý II/2015 không phải là con số 7% như công bố, mà có thể thấp hơn nhiều. Con số 2% cũng đã được một số chuyên gia đề cập đến.
Hàng loạt các biện pháp can thiệp rất mạnh vào các thị trường, từ tiền tệ cho tới chứng khoán gần đây cho thấy nỗ lực cứu vãn một viễn cảnh đáng lo ngại nào đó đang xảy ra với nền kinh tế TQ.
Chính quyền TQ trong tháng 7 đã cho ngừng giao dịch khoảng 1.400 mã cổ phiếu như một biện pháp để ngăn chặn đà giảm giá chứng khoán. Chính quyền nước này cũng đã khá mạo hiểm khi cho phép quỹ hưu trí đầu tư 30% vào cổ phiếu. Một thông tin trên Bloomberg hôm 31/8 cho biết, cơ quan quản lý đang yêu cầu các CTCK góp gần 16 tỷ USD vào quỹ cứu TTCK khoán.
Động thái bơm đồng NDT trị giá hàng chục tỷ USD vào hệ thống NH, giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tiếp tục hạ giá NDT… trong tuần qua cũng phần nào cho thấy những nỗ lực của TQ để ổn định các thị trường chứng khoán và tài chính nước này.
Mặc dù vậy, một điểm chung trong các chính sách này đều là: nới lỏng tiền tệ. Với các bước đi như trên, khả năng đồng NDT giảm tiếp có lẽ không phải thấp. Theo cách thức điều hành tỷ giá mới theo hơi hướng thị trường hơn đã giúp TQ đẩy mạnh quốc tế hóa đồng NDT mà việc thả nổi có điều chỉnh đồng NDT giúp nước này có thể chủ động với các biến động lên xuống của đồng tiền.
Trước đó, TQ đã từng bị Mỹ cáo buộc giữ đồng NDT ở mức thấp hơn giá trị thực tế trong một thời gian dài để duy trì xuất khẩu dòng và hút vốn nước ngoài. Số tiền dự trự ngoại hối khổng lồ, gần 4 ngàn tỷ USD của TQ cũng được cho là có đóng góp không ít của chính sách này.
Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư của TQ gần đây gặp khó khăn do đồng NDT tăng giá. TQ đã nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, sự giảm tốc chóng mặt của tăng trưởng GDP có lẽ đang khiến TQ thực sự lo ngại. Rất có thể họ đang trở lại với chiếc phao tỷ giá, trước khi tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế.
V. Minh