“Có lần tôi đi phát BCS rồi lai một cô nhân viên đến phòng khám thì đến giữa đường cô ta nhảy xuống, không dám lai đi nữa mà phải lai về trả nhà chủ. Nhiều người nghe đến HIV, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục là rất sợ, không muốn hành nghề nữa”, chị Xuân kể.
Đạp cửa giải cứu nhân viên vì BCS
Chương trình phát bao cao su (BCS) miễn phí cho gái mại dâm, nhân viên nhà hàng khách sạn trong khuôn khổ Dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Tại Khu du lịch Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định) một trong những điểm nóng về mại dâm của miền Bắc, BCS được so sánh như “cơm ăn, nước uống”, thứ không thể thiếu đối với gái mại dâm.
Bà Phạm Thị Dung, chủ một nhà nghỉ ở bãi tắm Quất Lâm, cộng tác viên phát BCS của Dự án cho biết, vài năm trở lại đây (kể từ khi dự án bắt đầu triển khai năm 2006) ý thức sử dụng BCS của gái mại dâm khi “hành nghề” đã tăng lên rất nhiều.
Thùng đựng BCS miễn phí được đặt ở các nhà nghỉ để “chị em” đến lấy khi cần (Ảnh La Hoàn) |
“Bãi tắm Quất Lâm có khoảng 100 nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn. Nhu cầu ở đây cao nên hầu như nhà nghỉ nào cũng nuôi gái. Trước đây đi khách chúng nó (gái mại dâm – PV) ít khi dùng bao. Bây giờ hiểu biết nhiều chị em nào cũng dùng, thậm chí không có bao chúng nó còn không chịu đi”, bà Dung nói.
Bà Dung cho biết gái mại dâm ở bãi tắm Quất Lâm chủ yếu là các chị em từ trên vùng cao xuống hành nghề, không có trình độ văn hóa nên ít hiểu biết về BCS và các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Lúc mới triển khai, hầu như chị em đều không biết BCS là gì, có chị em dùng lộn, có người lồng 2-3 cái vào dùng 1 lần vì sợ dùng 1 cái không đảm bảo an toàn.
“Giờ thì hiểu biết hết rồi. Nhưng có nhiều khách khốn nạn lắm, vẫn bắt đi trần. Nhân viên nhà tôi gặp nhiều lần rồi, nó thì cứ cương quyết phải có BCS nhưng khách thì bắt đi trần mới chịu. Có lần khách cưỡng ép, nó mới gọi điện cho tôi, chồng tôi phải đạp cửa xông vào kéo nhân viên ra, đuổi khách đi. Với loại khách cố tình đi trần thì chắc chắn có vấn đề, phải đuổi thẳng, nhỡ nó bị ết nó đổ bệnh cho nhân viên của mình thì sao”, bà Dung kể không hề dè dặt.
Làm cộng tác viên tuyên truyền, phát BCS cho dự án, mỗi tháng bà Dung được trợ cấp 750.000 đồng. Số tiền không đáng là bao nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng bà Dung vẫn rất tích cực tham gia.
“Mình làm vì mình trước đã, nhân viên mà không khỏe mạnh, gieo bệnh cho khách thì bãi tắm cũng bị ảnh hưởng, mất thương hiệu kinh doanh. Dự án cũng tín nhiệm mình vì mình có quan hệ với các nhà nghỉ ở đó, nắm được số người hành nghề và dễ tiếp cận. Còn chúng tôi làm một ngày có thể bằng cả tháng lương dự án trả”, bà Dung bày tỏ.
Mô hình cần được nhân rộng
Gái mại dâm, nhân viên nhà hàng khách sạn là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV. Can thiệp giảm tác hại bằng cách cấp phát BCS miễn phí cho những đối tượng này được coi là "quả đấm thép" để hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS.
Mô hình can thiệp giảm tác hại cho nhóm nhân viên nhà hàng, khách sạn hoạt động có hiệu quả phải kể đến hình thức CLB. Điển hình là CLB Sức khỏe phụ nữ của TP. Thái Bình. Từ năm 2006 đến T5/2012 CLB đã tiếp cận được 23.390 lượt nhân viên nhà hàng khách sạn, phân phát được hơn 1,3 triệu BCS, tổ chức được 288 buổi khám cho chị em nhân viên nhà hàng khách sạn trong đó gần 3500 trường hợp mắc bệnh được điều trị.
Chị Phạm Thị Hòa, chủ nhiệm CLB Sức khỏe phụ nữ cho biết mại dâm nấp dưới mọi hình thức, hoạt động rất tinh vi nên rất khó tiếp cận. Thống kê của ngành công an chỉ là một con số rất nhỏ so với thực tế. Khi đi vào hoạt động, CLB tiếp cận được hầu hết gái mại dâm trên địa bàn thành phố nên việc quản lý cũng dễ dàng hơn.
“CLB sử dụng giáo dục viên đồng đẳng (tức chị em làm ở nhà hàng, khách sạn) nên dễ dàng tiếp cận đối tượng. CLB có một phòng khám dành riêng cho chị em, hàng tháng chị em được đưa đến khám, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cấp phát BCS miễn phí”, chị Hòa nói.
Chị Đỗ Thị Xuân: “Nhiều người nghe đến HIV, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục là rất sợ, không muốn hành nghề nữa”. (Ảnh La Hoàn) |
Thời gian đầu mới hoạt động, CLB cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chị Đỗ Thị Xuân, Tuyên truyền viên CLB cho biết, gái mại dâm ở khu vực thành phố hầu hết đều được các nhà hàng, nhà nghỉ nuôi, quản lý rất chặt nên rất khó tiếp cận.
“Lúc đầu chúng tôi rất khó tiếp cận vì nhà nghỉ sợ lộ thông tin với công an sẽ không an toàn cho nhân viên. Sợ nhân viên bỏ trốn vì nhà nghỉ rất khó tìm nhân viên nên họ quản lý rất chặt”, chị Xuân nói.
“Mỗi lần lai nhân viên từ nhà nghỉ đến phòng khám là rất sợ, phải theo sát mọi lúc mọi nơi vì sợ bỏ trốn. Có lần tôi đang lai một cô đến phòng khám thì đến giữa đường cô ta nhảy xuống, không dám lai đi nữa mà phải lai về nhà chủ. Nhiều người nghe đến HIV, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục là rất sợ, không muốn hành nghề nữa”, chị Xuân kể thêm.
Có giảm lây nhiễm HIV hay không thật khó đo lường chính xác, nhưng rõ ràng dự án đã giúp chị em hiểu biết hơn nhiều về tình dục an toàn và cách phòng trách các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục.
“Dự án đang triển khai rất tốt, nhiều nhà nghỉ quen vẫn gọi điện thường xuyên để tôi đến đưa BCS và dẫn nhân viên của họ đi khám. Khi dự án kết thúc, không biết là sự hiểu biết về bao cao su và các biện pháp phòng tránh lây truyền qua đường tình dục có còn được kéo dài nữa hay không”, chị Xuân chia sẻ.
Cuối năm 2012, Ngân hàng Thế giới sẽ rút khỏi dự án, đồng nghĩa với việc cấp phát BCS miễn phí cũng sẽ bị dừng lại. Với những kết quả tích cực đã đạt được, hi vọng mô hình này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn lực khác để tiếp tục được nhân rộng.
La Hoàn