Cổ phần hoá MobiFone sớm là lợi thế cạnh tranh

Ảnh: Thái Khang

Là mạng di động đầu tiên sẽ được cổ phần hoá, MobiFone nhận định đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh khi vào WTO. Báo BĐVN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone về vấn đề này.

Sau 10 năm tham gia BCC cùng với Comvik, MobiFone đã học được những kinh nghiệm gì? Những kinh nghiệm này sẽ giúp gì cho MobiFone trong quá trình cạnh tranh sau này?

10 năm BCC đã giúp cho MobiFone kinh nghiệm về triển khai thiết kế mạng và kỹ năng bán hàng chăm sóc khách hàng…, đặc biệt đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ kinh doanh trong cơ chế thị trường. Cho đến thời điểm này, BCC đã kết thúc được gần 2 năm, nhưng những văn hoá kinh doanh hôm nay của MobiFone tạo dựng được là thành quả 10 năm BCC. Tôi cho rằng, trong môi trường kinh doanh MobiFone có hai lợi thế: Thứ nhất là mạng di động đầu tiên của Việt Nam nên có bề dày kinh nghiệm; thứ hai MobiFone có cơ hội hợp tác nước ngoài nên có kinh nghiệm, công nghệ và kỹ năng kinh doanh của nước ngoài sớm hơn các mạng di động khác tại thị trường Việt Nam. Những kinh nghiệm đút rút được trong 10 năm BCC với Comvik sẽ tiếp tục đóng vai trò rất lớn đối với MobiFone trong thời gian tới khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi chúng ta đã ra nhập WTO.

Hiện quá trình cổ phần hoá của MobiFne đã chuẩn bị đến đâu, thưa ông?

Hiện MobiFone đang tiến hành các bước cổ phần hóa khẩn trương, nhưng cũng rất thận trọng để đảm bảo các yêu cầu của Chính phủ. MobiFone có quy mô lớn ở thị trường Việt Nam hiện nay và cũng may mắn được lựa chọn là mạng di động đầu tiên của Việt Nam được cổ phần hóa. Theo xu thế mở cửa, công ty cổ phần sẽ có cơ chế năng động hơn. Sau khi cổ phần hoá, MobiFone sẽ năng động và linh hoạt hơn trong cạnh tranh, vì thuận lợi hơn trong việc ra quyết định, chớp thời cơ phù hợp với thị trường tổ chức bộ máy phù hợp với việc kinh doanh. Chúng tôi cho rằng, việc cổ phần hóa sẽ giúp MobiFone cạnh tranh thắng lợi. Thêm vào đó, việc MobiFone được cổ phần hóa đầu tiên, vì vậy sẽ được các cơ quan quản lý quan tâm và có cơ chế quản lý đặc biệt hơn.

Có thông tin cho rằng, tổng giá trị của MobiFone khoảng 5 tỷ USD, vậy MobiFone có bình luận gì về thông tin này? Quá trình định giá đang được tiến hành ra sao?

Tôi cho rằng, vấn đề cổ phần hóa đối với MobiFone là vấn đề mới và thị trường thông tin di động Việt Nam vẫn còn non trẻ. Vì vậy, việc định giá giá trị của MobiFone phải chờ các cơ quan định giá quyết định. Theo quyết định của Thủ tướng, MobiFone sẽ được đem đấu giá trên thị trường sàn giao dịch chứng khoán để quyết định giá trị. Vì vậy, con số giá trị cụ thể là bao nhiều thì còn phải chờ đợi. Hiện MobiFone đang lựa chọn nhà tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm trong việc định giá doanh nghiệp.

Hiện MobiFone đang tìm đối tác chiến lược. Vậy tiêu chí lựa chọn đối tác và vai trò của đối tác chiến lược đối với sự phát triển của MobiFone ra sao?

Phương án có tính nguyên tắc về cổ phần hóa của MobiFone đã được Thủ tướng quyết định. Việc lựa chọn đối tác chiến lược sẽ nằm trong bước hai, sau khi hoàn thành việc cổ phần hóa bán cổ phiếu lần đầu ra thị trường. Hiện nay MobiFone đang xây dựng tiêu chí và đến khi có thời gian phù hợp sẽ lựa chọn đối tác chiến lược.

Việc lựa chọn đối tác nhằm mục đích cùng với nhà đầu tư này xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, phù hợp với sự phát triển của thị trường. Bên cạnh đó, MobiFone sẽ tranh thủ được kinh nghiệm khai thác, thiết kế mạng của nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường thế giới. Trong kinh doanh việc phân bổ và huy động nguồn lực là rất quan trọng, và MobiFone sẽ cùng với nhà đầu tư chiến lược huy động tốt nhất hiệu quả kinh doanh. Các đối tác chiến lược sẽ giúp MobiFone hoạch định chiến lược phát triển dài hạn.

MobiFone có nhận định gì về sức cạnh tranh của các mạng di động khi Việt Nam chính thức vào WTO?

Thị trường Viễn thông Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin di động. Vào WTO cũng có nghĩa là cuộc cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn và quy luật đào thải sẽ rất khắc nghiệt. Trong cạnh tranh, doanh nghiệp nào có chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hạ sẽ cạnh tranh được nếu không sẽ bị sáp nhập hoặc phá sản. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp mỗi nhà khai thác sẽ tự hoàn thiện và tìm ra hướng đi của mình để tồn tại và phát triển khi vào WTO.

Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp viễn thông nhà nước vẫn mang trong mình sức ỳ lớn và kém năng động. Vậy ông có cho rằng đây mà vấn đề lo ngại khi chúng ta vào WTO hay không?

Tôi đồng ý với nhận định như vậy. Tuy nhiên, khi có đòi hỏi của thực tế, chính các doanh nghiệp sẽ vận động và thích nghi với điều kiện mới. Việc phát triển dịch vụ tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Khi mở cửa thị trường cả cung và cầu về dịch vụ đa dạng đều phát triển. Bản thân tôi không cảm thấy lo lắng, thậm chí tôi còn cảm thấy mừng khi thị trường mở cửa đón nhận luồng sinh khí mới. Bởi khi mở cửa, các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam thúc đẩy kinh tế phát triển và thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển.

Xin cảm ơn ông!

NT

Thực hiện