- Cứ vài chục người thì may ra có một người có một cái như thế. Giá mỗi cái lúc đó khoảng bảy, tám chỉ vàng. Mười cái như vậy thì có thể mua được chiếc xe Honda Dream “7 số”. Những người thời đó nói, năm 1992, đi xe Dream “7 số” uy nghiêm hơn chạy xe Honda SH bây giờ nhiều. Còn đeo cái cục “oách” bên hông, bạn hẳn nhiên ra dáng người thành đạt.


Trong một công ty xuất nhập khẩu, chỉ có trưởng phòng kinh doanh và kế toán trưởng là được cấp một cái như thế. Anh trưởng phòng kinh doanh này bảo, niềm vui lớn nhất của anh là mỗi sáng ngồi quán càphê, chỉ đợi nghe tiếng “tít tít” là móc ra, đọc xong rồi giả bộ cau mày: “Mới giờ này đã rủ đi nhậu rồi!”. Anh cố ý lớn tiếng để các bàn khác đủ thời gian ngó qua xem mặt, xem cái thằng này làm chức lớn cỡ nào mà mới sáng sớm đã có người rủ nhậu!

Còn một anh khác, hiện đang có mấy trang trại nuôi chồn, làm càphê chồn ở Tây Nguyên thì bảo: thời đó mỗi lần hẹn với bạn gái là xi-nhan trước với đứa bạn, canh đúng 7 giờ tối là nhắn tin cho mình, nhắn bất kỳ nội dung gì. Để nghe tiếng “tít tít” là móc cục “oách” ra, bạn gái mắt sẽ tròn xoe ngay. Anh nói, cái cục đó đem đi tán gái rất hữu hiệu!

Có người còn kể chuyện vui, rằng có một hôm trước khi đến tiệm mua giày, anh cố tình hẹn giờ báo thức. Đang lựa giày, cái máy kêu í óe báo thức. Anh mở máy ra, giả bộ cau mày tắt cái bụp. Thiên hạ chung quanh mắt tròn mắt dẹt ghen tỵ.


Năm 1992, mạng di động đầu tiên - công nghệ analog - tên Call-Link ra đời, là kết quả hợp tác giữa Bưu điện TP.HCM và đối tác Singapore. Mạng di động này chỉ phủ sóng ở TP.HCM. Sau đó một thời gian mà ít người nhớ chính xác, cục “oách” ra đời, được gọi là máy nhắn tin. Những ai xem phim bộ Hong Kong thời đó hẳn sẽ nhớ cái máy nhắn tin này. Để nhắn tin nội dung gì, người nhắn phải dùng điện thoại bàn gọi lên tổng đài nói nội dung tin nhắn, rồi nói số máy cần nhắn tin tới. Nhân viên tổng đài sẽ gõ lại nội dung và nhắn đến máy kia.

Thời đó, để mua một cái điện thoại di động analog, người ta phải bỏ ra 27 triệu đồng. Chưa hết, người mua phải được thành phố phê duyệt thì mới được cấp số. Vì thế không phải có tiền là mua được điện thoại. Cũng vì vậy mà cái công ty xuất nhập khẩu có đề cập trong bài này chỉ có giám đốc là có điện thoại di động mà thôi. Cứ mỗi lần nghe gọi là xách cái điện thoại giơ lên trời dò sóng, có sóng xong mới nghe gọi được. Có hôm trời mưa phải cầm dù ra chỗ thoáng đãng không bị cây cối hay nhà cao tầng che phủ thì mới gọi được.

Cái cục “oách” ra đời vì hai lý do, thứ nhất là rẻ hơn cước điện thoại (lúc đó dù nghe hay gọi cũng đều mất tiền!), thứ hai là thời đó điện thoại… không nhắn tin được.

Sau này, khi cả hai lý do kia đều bị phủ nhận, tức khoảng năm mười năm sau, thì máy nhắn tin kết thúc nhiệm vụ lịch sử của nó. Vì lúc đó, MobiFone và VinaPhone ra đời, việc đăng ký thuê bao điện thoại di động dễ dàng hơn, kèm theo đó là sự đổ bộ của điện thoại Nokia rẻ đẹp hơn Motorola và Ericsson. Và sau đó nữa, khi MobiFone bắt đầu cung cấp dịch vụ nhắn tin trên điện thoại thì cục “oách” mới hết thời. Cần biết rằng, dù trên điện thoại có chức năng nhắn tin nhưng các nhà mạng “ỉm” đi, chỉ cung cấp tính năng gọi, sau này mới cho nhắn tin!

Cục “oách” bây giờ tìm rất hiếm, ít thấy hơn điện thoại di động cùng thời.

Thiên Phúc

(Theo e-CHÍP Mobile Xuân Nhâm Thìn 2012)