- Để giải quyết nợ xấu hiện nay không phải là sử dụng mô hình công ty mua
bán nợ nào mà phải hoàn thiện cơ chế mua bán nợ. Trong đó, Nhà nước cần
tạo sức ép giải quyết nợ xấu và tạo ra cơ chế định giá mua nợ xấu giữa
các bên.
Nợ xấu: Chưa nắm rõ, khó xử lý
Tín dụng âm, nợ xấu vẫn tăng mạnh
Hãy bắt tay vào xử lý nợ xấu
Ngân hàng không muốn bán?
"Gần đây, một anh bạn của tôi ở một ngân hàng tiết lộ số nợ xấu hạch toán theo chuẩn kế toán Việt Nam đã lớn hơn cả vốn điều lệ. Thế nhưng, khi đàm phán, anh ta nói sẽ chỉ bán nợ khi được trả 100% mệnh giá khoản nợ", ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng thuộc Bộ Tài chính (DATC) kể.
Giá đang là vấn đề vướng mắc lớn nhất trong việc mua bán nợ xấu hiện nay.
Ông Thường cho biết: "Có nhiều ngân hàng đòi mức giá tới 100% giá trị khoản nợ, có ngân hàng đòi 80%. Với tỷ lệ đòi giá rất cao như vậy thì thấy không hiệu quả nên DATC không thể tham gia giải cứu".
Trong 5 năm qua, các mức giá mà DATC trả cho các ngân hàng thường chỉ dao động trong khoảng 30% mệnh giá các khoản nợ. Nghĩa là, DATC được hưởng chiết khấu 70% giá trị khoản nợ sau khi xử lý thành công. Mức này thấp hơn kỳ vọng của hầu hết các ngân hàng thương mại, những người đang ôm nợ xấu.
Thế nhưng, mức giá tưởng hời đó đối với DATC vẫn đang cho một kết quả tổng hợp cuối cùng là chưa có lãi cao.
Ví dụ, tính đến 31/8/2012, DATC mua nợ để tái cơ cấu 74 DN với giá trị khoản nợ trên sổ sách là 6.520 tỷ đồng. Giá vốn mua nợ chỉ là 1.647 tỷ đồng, tỷ lệ mua nợ bình quân là 25,6% nhưng hiện mới chỉ thu hồi được 1.536 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi mới đạt 93,23%.
Khó thỏa mãn về giá, các ngân hàng còn nhiều lý do khác để không mặn mà trong việc bán nợ. Theo lý giải của ông Thường, DATC buộc phải thanh toán bằng tiền mặt. Khi bán nợ với giá thấp và lại nhận bằng tiền mặt, các ngân hàng có thể phải chịu ngay một khoản lỗ lớn nhìn thấy trên sổ sách. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hệ số an toàn vốn của họ. Vì thế, chẳng có ngân hàng nào lại sẵn sàng bán nợ cho DATC.
Chưa kể, khi các khoản nợ xấu này được xử lý và sinh lời thì ngân hàng lại không được chia sẻ lợi nhuận.
Trong khi đó, nợ xấu là không sinh lợi, nếu để lũy kế đến mức nào đó thì nó có thể gây tác động lớn tới cả hệ thống ngân hàng, gây suy thoái kinh tế.
Vị lãnh đạo DATC cho rằng, khoảng 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thuộc các ngân hàng đang hoạt động nhưng chỉ mang tính thu hồi nợ qua thanh lý tài sản đảm bảo là chính. Mặc dù quy định ngân hàng phải có quỹ dự phòng cho nợ xấu nhưng sức ép thật sự buộc phải xử lý nợ xấu nhanh ở các ngân hàng là rất ít.
Vì vậy, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải ban hành một chế tài bắt buộc tất cả các tổ chức tín dụng, nếu để nợ xấu vượt mức cho phép, không tự xử lý được thì phải bán hoặc chuyển giao cho DATC. Nếu không, các ngân hàng cũng phải chịu hạn chế một số hoạt động cho đến khi nào xử lý giảm nợ xấu.
Bà Nguyễn Thị Mùi, đại diện Vietinbank cho biết, các AMC của ngân hàng có điều kiện thuận lợi hơn khi xử lý nợ xấu, vì hiểu rõ cả chủ nợ lẫn con nợ, mặc dù, muốn phát huy tốt năng lực tự xử lý này thì cần một cơ chế giám sát minh bạch hơn, tránh tình trạng chỉ làm đẹp sổ sách mà thực chất, nợ xấu vẫn hoàn là nợ xấu.
"Còn nếu bàn giao nợ cho DATC, cũng phải xem xét lại hiệu quả xử lý nợ của DATC suốt thời gian qua, tránh tình trạng bất cập xảy ra như Kiểm toán Nhà nước công bố", bà Mùi lưu ý.
Mới đây, hồi tháng 7, Kiểm toán Nhà nước kết luận DATC sử dụng vốn hiệu quả thấp, gửi tiền và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ vốn.
Trên thực tế, với tổng mệnh giá các khoản nợ gần 8.000 tỷ đồng mà DATC đã và đang xử lý còn thật sự quá bé nhỏ so với hơn 200.000 tỷ nợ xấu hiện nay của các ngân hàng.
Nhà nước đứng ra định giá?
Cho đến nay, việc thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia như tuyên bố của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn còn gây tranh cãi. Bà Dương Thu Hương, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, băn khoăn: "DATC hiện nay có phải là công ty quốc gia không? Một quốc gia có cần 2 công ty mua bán nợ quốc gia không? Vậy năng lực ngân sách tài chính có chịu đựng thêm được công ty mua bán nợ quốc gia không?"
Theo bà Hương, chỉ nên cải tiến, nâng cấp mô hình mua bán nợ hiện có để hoàn thiện tạo ra mô hình mới. Cách tốt nhất là cần đặt tất cả lên bàn cần các phương án này, nếu phương án nào tốt thì mới chọn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần thí điểm coi nợ như là một loại hàng hóa. Có lúc, hàng hóa cao, đắt hoặc có lúc rẻ, miễn làm sao tận dụng được để tạo nguồn hỗ trợ cho DN tiếp tục phát triển.
Trong mua bán nợ xấu, cũng phải nhận thực rằng, có những hàng hóa mua được, có những hàng hóa phải bỏ đi, như việc những DN có thể hồi phục được, có những DN thì phải phá sản. Từ đó, ông Tiến bày tỏ, nếu giao nhiệm vụ xử lý nợ xấu như một nhiệm vụ chính trong đề án tái cơ cấu DNNN hiện nay là quá sức của DATC, sẽ không thể thành công được, mà ngược lại, gây khó khăn hơn cho nền kinh tế.
Nhìn nhận câu chuyện này, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển, chia sẻ: "Nếu trông chờ xử lý nợ xấu vào tự thân ngân hàng hay DATC thì cũng không ăn thua, giải quyết nợ xấu sẽ chậm!".
Theo ông Tuyển, cần thiết phải thành lập riêng một định chế xử lý nợ xấu tập trung nhưng đa tuyến và đủ mạnh. Mô hình này cũng có thể được nâng cấp từ DATC lên. Trong đó, để đảm bảo khách quan, chủ tịch HĐQT phải là bộ trưởng tài chính, tổng giám đốc điều hành là thống đốc Ngân hàng Nhà nước và có sự tham gia của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải có một nghị định riêng về giải quyết nợ xấu, ghi rõ giá mua nợ hay còn gọi là mức chiết khấu tối thiểu và quy định rõ về thời hạn đàm phán nợ giữa chủ nợ và công ty mua bán nợ. Ví dụ, trong vòng 10 ngày hai bên chưa thỏa thuận được thì sẽ phải chịu áp mức chiết khấu theo quy định.
"Đồng thời, nguyên tắc hợp tác xử lý nợ xấu chỉ nên là bảo toàn vốn, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu. Nếu có lãi thì khoản lãi đó có thể trả lại có thể chia cho cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và công ty mua bán nợ cùng hưởng", ông Tuyển khuyến nghị.
Phạm Huyền