Nhiều người chồng cho mình cái quyền là đàn ông nên được dạy vợ, giáo huấn vợ ngay từ những ngày đầu tiên về sống chung...

Trong xã hội phong kiến người con gái sinh ra đã bị sự chi phối của bố mẹ: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Cô gái ấy hoàn toàn không có tiếng nói cho bản thân mình, số phận của cô gái phụ thuộc vào bàn tay sắp đặt của bố mẹ. Một xã hội “trọng nam khinh nữ” nên khi cô gái lấy chồng thì chịu sự chi phối hoàn toàn của chồng và gia đình nhà chồng. Vậy nên chồng và bố mẹ chồng họ được quyền: “dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” mà không có bất kỳ sự phản kháng từ người con dâu cũng như từ xã hội.

Ngược lại, trong thời kỳ hiện đại nam nữ bình đẳng quyền lợi như nhau, ở ngoài xã hội người phụ nữ được làm mọi việc mà người đàn ông làm. Và khi về nhà thì người phụ nữ cũng bình quyền như người đàn ông nên câu: “dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” đã không còn phù hợp.

{keywords} 

Vì vậy nhiều người chồng cho mình cái quyền là đàn ông nên được dạy vợ, giáo huấn vợ ngay từ những ngày đầu tiên về sống chung. Bất kể người vợ làm gì hay nói gì không vừa lòng người chồng chắc chắn sẽ được chồng uốn nắn. Lúc đầu người vợ còn chấp nhận vì cho rằng chồng mình chững chạc hiểu biết nên mới góp ý cho vợ sửa chữa. Nhưng lâu dần người vợ sẽ cảm thấy chồng mình khó tính, bảo thủ, nói nhiều như đàn bà.

Sự kìm nén những ức chế có hạn, một khi người chồng làm tổn thương đến nhân phẩm hay người thân của vợ chắc chắn cô ấy sẽ phản kháng như bản năng sinh tồn đã được rèn dũa từ lúc sinh ra. Và chuyện vợ chồng cãi nhau hay ly thân, ly dị là điều không tránh khỏi.

Ngược lại, trong xã hội phong kiến, từ nhỏ người phụ nữ đã được bố mẹ sắp đặt mọi việc họ không có quyền hành gì trong gia đình nên khi lấy chồng thì chồng có chửi mắng hay đánh đập cô ấy cũng cam chịu mà không dám phản kháng. Vì cô ấy sợ chống đối với chồng tức là chống đối với cả một xã hội thì sẽ chẳng có kết quả tốt đẹp. Chính vì vậy mà tỷ lệ li hôn thời phong kiến là rất hiếm hoi.

Trong khi đó tỷ lệ ly hôn của xã hội hiện đại là rất cao, không cần những con số chỉ cần nhìn những người bạn hay người thân xung quanh đã thấy rất nhiều tấm gương vỡ mà không thể hàn gắn lại được.

Nhiều người nghĩ không “dạy vợ” những ngày đầu thì vợ sẽ hư hỏng sau này khó có thể dạy được. Tôi xin trả lời ngay rằng: “nếu người đàn ông không đứng đắn đàng hoàng thì có dạy mấy đi nữa thì gia đình cũng vẫn sóng gió như thường”. Một người chồng muốn có được người vợ “dâu thảo vợ hiền” thì trước hết chính họ phải là người làm gương trước.

Một người đàn ông chững chạc, có lập trường nhưng không bảo thủ, biết phân biệt đúng sai, biết chia sẻ vui buồn cùng gia đình và có tình yêu thương mọi người thì không một người phụ nữ nào lại không nể phục. Khi người phụ nữ đã tôn trọng và yêu quý ai thì những khuyết điểm của anh ta cũng biến thành ưu điểm. Người vợ sẽ sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời cho anh ta hay gia đình anh ta.

Còn những người nào cho mình cái quyền dạy vợ chẳng qua là những người đàn ông kém cỏi chỉ chuyên dùng những lời quát tháo, lời lẽ nhục mạ thậm chí cả bạo lực để dạy vợ. Họ không có được cái đầu tỉnh táo để suy nghĩ mình cần phải làm gì để vợ thấu hiểu được suy nghĩ của chồng. Vì vậy để vợ chồng hiểu nhau cả hai người phải biết sống cho gia đình chứ không phải sống cho những ích kỷ toan tính của bản thân.

Không như xã hội ngày xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nên người vợ và người chồng không yêu thương nhau nhưng vẫn phải chung sống với nhau chọn đời. Còn xã hội hiện đại thì “con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”, điều đó có nghĩa là hai người trở thành vợ thành chồng là kết quả của tình yêu say đắm.

Tình yêu đó chính là duyên số, ông trời rất công bằng khi xe duyên cho các cặp đôi. “Trai tài gái sắc” tức là người đàn ông giỏi giang sẽ lấy những người phụ nữ không thông minh hay tài giỏi mà là một người phụ nữ xinh đẹp. Hoặc người phụ nữ xấu xí nhưng thông minh sẽ lấy được người đàn ông đẹp trai. Hay những người tốt bụng sẽ lấy vào những người lòng dạ hẹp hòi, người chăm làm lấy được người lười làm… Đó chính là quy luật của duyên phận.

Với quy luật đó người chồng hay người vợ nên hiểu là không có ai được hoàn hảo ai cũng có khuyết điểm nên đừng có áp đặt cái hoàn hảo của mình cho người khác bắt họ phải theo mình. Những việc bị bắt làm một cách ép buộc nó sẽ không được bền mà chỉ mang tính đối phó nên vợ hay chồng hãy làm gương để lâu dần thành “nước chảy đá mòn”. Hoặc người vợ hay người chồng đã tốt rồi thì bạn đừng có mà áp đặt những cái xấu của mình cho người ta chỉ khiến gia đình thêm bất hòa.

Vì vậy khi đã chấp nhận là vợ chồng thì những gì cho qua được thì cho qua, những gì không cho qua được thì phải dừng lại để khuyên bảo ngay lập tức tránh tình trạng ấm ức bị dồn nén lâu ngày thành quả bom nổ chậm. Và khi nó đã nổ ra thì những tốt đẹp từ trước đến nay sẽ thành mây khói.

Độc giả Phương Linh