Một phương pháp trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt giúp cải thiện triệu chứng lâu dài, làm nhỏ kích thước tuyến tiền liệt; từ đó ngăn ngừa được nguy cơ bí tiểu cấp và phẫu thuật.
Triệu chứng gây hiểu nhầm
Anh V.H, nhân viên văn phòng chia sẻ khoảng nửa năm nay, mỗi đêm anh thức dậy 2 lần để đi tiểu. Trước anh tưởng vì nhậu nhiều, nhưng sau này ngay cả những ngày kiêng rượu, bia, anh cũng đi tiểu khoảng 7-8 lần/ngày, ban đêm có khi đến 3 lần. Anh cho rằng “cậu nhỏ” bị suy giảm chức năng sinh lý mà không biết đó lại là biểu hiện của một căn bệnh thường gặp hơn, bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Theo báo cáo "Hướng dẫn xử trí tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt" của Hội Tiết niệu thận học Việt Nam năm 2014, phì đại tuyến tiền liệt là căn bệnh phổ biến ở 50% nam giới tuổi trung niên.
Phì đại tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới 50 đến 80 tuổi. Thể tích tuyến tiền liệt tăng về kích thước là nguyên nhân của việc đi tiểu khó, bí tiểu, mắc tiểu gấp, tiểu đêm nhiều lần…
Phần vì e ngại nói ra bệnh tình, phần vì lầm tưởng với bệnh sinh lý tình dục mà nhiều quý ông thường tự điều trị bằng các loại thảo dược chưa chứng minh được hiệu quả. Do đó khi phì đại tuyến tiền liệt trở nặng chỉ còn cách phẫu thuật.
Giải pháp chẳng đặng đừng này đem đến nhiều rủi ro không mong muốn về sức khỏe và sinh lý, trong đó nhiều quý ông phải ngậm đắng nuốt cay khi được giải phóng khỏi phì đại tuyến tiền liệt thì lại phải nằm viện dài ngày, xuất tinh ngược dòng hoặc thậm chí bất lực.
Trước đây, phẫu thuật là biện pháp phổ biến trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt, thì nay điều trị nội khoa (bằng thuốc) được ưu tiên hơn. Điều trị bằng thuốc được xem là phương pháp điều trị ổn định, hiệu quả với người bệnh trong điều kiện duy trì uống lâu dài.
Hiểu đúng bệnh, chữa đúng cách
Thời gian gần đây, một phương pháp mới trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt vừa được ra mắt tại Việt Nam, giúp mở thêm một cánh cửa cho những người bị căn bệnh này. Phương pháp này từng được nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả và được giới thiệu nhiều trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt ở các nước trên thế giới.
Đó là sự kết hợp giữa thuốc làm giảm triệu chứng đường tiểu dưới và thuốc làm giảm thể tích tuyến tiền liệt.
Theo các nghiên cứu lâm sàng trong nhiều năm, sự kết hợp hai nhóm thuốc trên đem đến hiệu quả rõ rệt trong việc kéo dài thời gian dẫn đến tiến triển của bệnh.
PGS. TS. BS. Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết niệu thận học Việt Nam cho biết phương pháp kết hợp này có tác dụng rõ rệt với những bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới từ trung bình đến nặng và có nguy cơ tiến triển bệnh. Tuy nhiên bệnh nhân cần phải phối hợp với bác sĩ để sử dụng trong điều trị dài hạn (hơn 12 tháng) nhằm giúp thuốc phát huy tác dụng cải thiện triệu chứng lâu dài, làm nhỏ kích thước tuyến tiền liệt từ đó mới ngăn ngừa được nguy cơ bí tiểu cấp và phẫu thuật.
Song quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại phì đại tuyến tiền liệt là vai trò quan trọng của người bệnh. Ngay khi xuất hiện những rối loạn tiểu tiện, người bệnh phải đi khám và tầm soát để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh, đồng thời duy trì một lối sống lành mạnh để hạn chế những tác hại về sau.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, 50% nam giới từ 51 đến 60 tuổi mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt với các triệu chứng tiểu ngắt quãng, tiểu đêm nhiều lần, tiểu tiện khó, bí tiểu… PGS. TS Vũ Lê Chuyên - Chủ tịch Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam cho biết “Bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ phì đại tuyến tiền liệt cần đến khám chuyên khoa tiết niệu và làm các xét nghiệm cần thiết để được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp”. Bệnh phì đại tuyến tiền liệt có thể điều trị nội khoa (uống thuốc duy trì trong thời gian dài) khi phát hiện kịp thời hoặc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật). Người bệnh cần duy trì lối sống khỏe mạnh, tăng cường vận động, dinh dưỡng đúng cách, giảm stress và không sử dụng chất kích thích. |
Nguồn:
Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được phối hợp thực hiện bởi Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam và VPĐD GlaxoSmithKline Pte. Ltd tại TPHCM.