Một doanh nhân người Úc đưa con gái đi ăn ở một nhà hàng xịn ở Hà Nội. Ngay lập tức con ông phải nằm viện mất mấy ngày vì ngộ độc thực phẩm. Ông than phiền với những nhà quản lý VN trong cuộc bàn tròn tại VietNamNet.
Thực phẩm độc hại đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực với mỗi gia đình. Hầu như ngày nào thông tin về các vụ bắt giữ thực phẩm bẩn cũng được cập nhật trên báo chí. Giờ đây, thay vì những vụ thu giữ vài chục ký thực phẩm bẩn như trước thì các cơ quan chức năng đã công bố con số hàng tấn thực phẩm bẩn trong nhiều vụ.
Những tháng giáp tết này, nhu cầu thực phẩm của người dân tăng lên 5-6 lần so với bình thường. Đây cũng là thời điểm mà các cơ quan quản lý phải đau đầu với bài toán kiểm soát thực phẩm an toàn.Làm gì để kiểm soát thực phẩm độc hại là chủ đề của bàn tròn VietNamNet hôm nay với sự tham gia của các khách mời đến từ các cơ quan quản lý nhà nước được giao trọng trách chính trong ban chỉ đạo liên ngành TƯ về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và một vị khách nước ngoài:
- Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT
- Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương
- Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế
- Ông David John Whitehead, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại
Australia tại VN, Phó Chủ tịch HĐQT Liên doanh thực phẩm Mavin.
Mua bán bằng kinh nghiệm
Nhà báo Việt Lâm: Trước hết, xin chia sẻ với các vị khách mời một hình ảnh rất quen thuộc ở nhiều công sở, trong đó có cơ quan của tôi. Hầu như mỗi ngày vào giờ nghỉ các chị em đều xôn xao tranh mua thịt sạch, rau sạch từ các mối quen.Chúng tôi mua bán với nhau bằng niềm tin.Không biết trong cuộc sống thường ngày thì các vị khách mời lựa chọn thực phẩm như thế nào?
Bà Trần Việt Nga: Là người tiêu dùng thực phẩm hàng ngày và là người lo bữa ăn cho gia đình, việc lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn là tiêu chí được tôi đặt lên hàng đầu.
Để lựa chọn được thực phẩm an toàn, tôi cho rằng nơi bán rất quan trọng. Tôi luôn chọn mua thực phẩm tươi sống ở những nơi sạch sẽ, không gần cống rãnh mất vệ sinh.Những thực phẩm bảo quản trong điều kiện lạnh thì phải có đầy đủ trang thiết bị. Tôi thường chọn mua những thực phẩm ở nơi có điều kiện vệ sinh tốt nhất như các đại lý, siêu thị. Đối với thực phẩm bao gói có ghi nhãn thì bao giờ tôi cũng quan tâm đến hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản.
Quá trình chế biến tại gia cũng là một điểm phải hết sức lưu ý. Đó là phải thực hiện các cách sơ chế, chế biến sao cho phù hợp và đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi. Khâu bảo quản thực phẩm sau khi đã chế biến và sử dụng cũng rất quan trọng. Ví dụ, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, những thực phẩm đã được nấu nướng không bao giờ để quá hai tiếng trong nhiệt độ thông thường và nếu để tủ lạnh cũng không để quá lâu.
|
Ông Nguyễn Như Tiệp, bà Trần Việt Nga và ông Đỗ Thanh Lam (từ trái sang), đại diện cơ quản quản lý an toàn thực phẩm. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Đỗ Thanh Lam: Chúng tôi tuy là đàn ông nhưng vẫn phải quan tâm đến thực phẩm trong gia đình mình. Mua gì thì phải tìm hiểu kĩ xem hàng hoá sản xuất nhiều ở đâu, bán ở đâu.
Đặc biệt khi chúng ta mua thì cần lấy hóa đơn chứng từ, ít ra thì có giấy biên nhận của người bán để sau này có vấn đề gì xảy ra thì có căn cứ để bảo vệ quyền lợi của bản thân và gia đình. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải xem chúng ta mua ở những nơi có địa chỉ tin cậy thường có nguồn cung cấp thực phẩm ổn định và đã qua kiểm tra, qua năm tháng để xác định độ tin cậy rồi. Hơn nữa, tôi nghĩ chị Nga nói rất đúng, bảo quản thực phẩm rất là quan trọng và sử dụng trong quá trình chế biến là rất quan trọng. Nếu chúng ta thực hiện tốt như vậy thì chúng ta có thể chọn được những thực phẩm an toàn nhất.
Ông Nguyễn Như Tiệp: Ở nhà tôi thì vợ tôi đảm nhiệm công việc nội trợ cho nên việc lựa chọn thực phẩm, bảo quản, chế biến do vợ đảm nhiệm. Chúng tôi cũng thống nhất khi mua thực phẩm nên mua những sản phẩm ở những địa chỉ người bán rõ ràng. Thứ hai, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm tươi sống, có bao gói, có đủ thông tin về xuất xứ cũng như hạn sử dụng, Thứ ba, khi bảo quản, chế biến thực phẩm đảm bảo nguyên tắc sạch, nhanh và lạnh để sản phẩm được chế biến đúng cách, bảo quản đúng cách không bị mất giá trị dinh dưỡng cũng như gây hại cho sức khỏe.
Ông David Whitehead: Tôi đã ở VN 10 năm nay. Đôi khi tôi cũng vướng phải vài lần đau bụng vì ngộ độc thực phẩm. Cũng may vì tôi ở VN lâu rồi nên cũng dần thích nghi được với môi trường vệ sinh ở VN.
Để chọn được những thực phẩm an toàn, tôi thường mua ở những hàng quán quen. Tôi cũng cẩn thận hơn khi lựa chọn thực phẩm, đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ.
|
Ông David Whitehead. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Dân hoang mang vì ma trận thực phẩm bẩn
Việt Lâm: Thế nhưng làm thế nào để mình có thế an tâm là những thực phẩm mình đã lựa chọn cẩn thận như thế là an toàn. Khi mà hàng ngày báo chí thông tin về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng có cảm giác đang bị bủa vây xung quanh bởi thực phẩm độc hại. Với tư cách người tiêu dùng, các khách mời có cảm giác hoang mang đó không và suy nghĩ gì từ góc độ người quản lý?
Ông Đỗ Thanh Lam: Mỗi năm Cục QLTT kiểm tra và xử lý hơn 90 ngàn vụ vi phạm pháp luật và trong 11 tháng vừa rồi chúng tôi đã kiểm tra hơn 80 ngàn vụ vi phạm,số thu trên 330 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 20 ngàn vụ vi phạm an toàn thực phẩm, thu trên 30 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong đó có những thực phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu không được kiểm soát chất lượng. Chủ yếu là bánh kẹo, thuỷ hải sản, bột ngọt, trái cây, rượu bia…Điều này phản ánh một thực trạng rằng vẫn còn một khối lượng lớn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Nhân đây, cũng xin thông tin để độc giả được biết kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Cục QLTT về tình hình vi phạm an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã lấy hơn 1.100 mẫu ở 5 tỉnh thành là Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế và TP. Hồ Chí Minh và sử dụng phương pháp test nhanh trên 13 tiêu chí. Kết quả khá đáng mừng là chỉ có 14 mẫu có dương tính với các giới hạn cho phép. Đặc biệt, trong đó chúng tôi chưa phát hiện mẫu nào có thuốc trừ sâu quá hạn. Giới hạn cao nhất là dầu mỡ ôi khét, và phẩm mầu được sử dụng trong sản xuất bánh kẹo và nước tăng lực.
Nhìn nhận một cách khách quan thì đây là tín hiệu tích cực, cho thấy tình hình ngộ độ thực phẩm có tồn tại nhưng chưa đến mức báo động đỏ.
Bà Trần Việt Nga: Ở góc độ người tiêu dùng, tôi nghĩ rằng những thông tin liên quan đến các vụ thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường rất hữu ích để người tiêu dùng biết và tránh. Tuy nhiên, ai cũng vậy thôi, khi nghe nhiều thông tin như thế đều cảm thấy rất hoang mang.
Vì thế, chúng tôi mong các phương tiện truyền thông phổ biến những tấm gương, hay nêu danh mục các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết mà lựa chọn.
Còn đứng trên cương vị một cán bộ làm trong cơ quan quản lý nhà nước tôi cho rằng việc phát hiện những vụ thực phẩm bẩn vừa qua có nỗ lực rất lớn của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông cũng giúp đưa thông tin đến người dân kịp thời.
Bản thân người tiêu dùng cũng là một kênh thông tin rất quan trọng. Chẳng hạn, Cục ATTP Bộ Y tế thường xuyên nhận được đơn thư, điện thoại của người dân phản ánh về các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn.
Rõ ràng, với sự tham gia tích cực của nhiều thành phần trong xã hội, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đã được cải thiện tương đối.
Một khía cạnh khác mà tôi nghĩ cũng cần phải nói đến là VN ngày càng xuất khẩu nhiều nông sản, thực phẩm sang các thị trường rất khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật. Tức là thực phẩm của VN ngày càng có tiếng tăm trên trường quốc tế. Cùng với việc đảm bảo xuất khẩu thì đương nhiên thị trường trong nước cũng được cải thiện.
Ông Nguyễn Như Tiệp: Cảm ơn nhà báo đã có câu hỏi này để chúng tôi có cơ hội thực hiện một trong những nhiệm vụ của chúng tôi là truyền thông.
Đúng là thời gian gần đây, hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa đậm những sự cố an toàn thực phẩm như chỗ này thịt thối, chỗ kia mỡ bẩn, cá có tồn dư chất độc…
Tôi nghĩ những thông tin mà báo chí đưa đã phản ánh được thực tiễn cuộc sống. Nó cũng chứng tỏ hoạt động kiểm soát của các cơ quan chức năng đã tốt hơn trước nên mới phát hiện được nhiều vụ vi phạm hơn.
Mặc dù vậy, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với báo chí cần được cải thiện bởi rất nhiều thông tin báo chí đưa ra không có địa chỉ rõ ràng mà chỉ tổng hợp chung chung. Như ngạn ngữ Nga nói là nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì không hẳn sự thật nữa. Đưa như thế chỉ gây hoang mang dư luận.
Bởi thực phẩm là một hàng hoá đặc biệt được cả xã hội quan tâm nên chúng tôi muốn đề nghị các cơ quan truyền thông khi đưa tin về các sự cố an toàn thực phẩm nên kiểm chứng trước với các cơ quan chức năng xem dữ liệu, số liệu đó chính xác, đầy đủ hay chưa, thậm chí kiểm chứng các bình luận.
Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh điều mà anh Lam vừa đề cập là phải đánh giá mức độ an toàn thực phẩm ở VN trên diện rộng và đảm bảo đủ số lượng mẫu để tính đại diện. Hàng năm, ngành nông nghiệp chúng tôi cũng đánh giá trên diện rộngđối với tất cả các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực.
Chẳng hạn như, xã hội rất quan tâm đến tồn dư thuốc bảo quản thực vật trong rau quả.Kết quả kiểm tra những năm gần đây cho thấy tỉ lệ trên dưới 2%. Bên y tế cũng triển khai giám sát và cho kết quả dưới 1,9%. Tỉ lệ này tương đồng với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, thậm chí Singapore.
Tuy nhiên, so với các nước phát triển như Mỹ, EU, Australia thì mức đó còn cao. Chúng ta phải phấn đấu đạt được mức tiệm cận với các nước này. Thế nhưng, tình hình không đến mức bi quan như mọi người nghĩ.
Tôi cũng rất đồng ý với ý kiến của chị Nga rằng truyền thông cũng cần quảng bá để người tiêu dùng nhận diện được những thương hiệu thực phẩm an toàn. Bộ Nông nghiệp đang triển khai đề án xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, được kiểm soát từ gốc.
Thực phẩm bẩn làm hình ảnh VN xấu đi
Việt Lâm: Đúng là thời gian qua truyền thông vẫn thiên về đưa tin các sự cố an toàn thực phẩm và cần có sự cân bằng hơn. Nhưng nhìn nhận ở một góc độ khác thì tôi nghĩ chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Bà Trần Việt Nga: Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý với các cơ quan truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Riêng đối với Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thì từ nhiều năm nay, chúng tôi vẫn thực hiện định kỳ 3 tháng 1 lần gặp gỡ với các phóng viên đưa tin về an toàn thực phẩm.
Trong cuộc gặp gỡ đó, chúng tôi chia sẻ thông tin với báo chí về tất cả các cuộc thanh kiểm tra. Tôi hi vọng với cơ chế trao đổi thông tin minh bạch, việc phối hợp giữa báo chí và cơ quan quản lý sẽ hiệu quả hơn nhằm cung cấp thông tin chính xác nhất cho người dân để họ lựa chọn được thực phẩm an toàn cho gia đình.
Việt Lâm: David, là một chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm, ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện quản lý an toàn thực phẩm ở VN? Các nước phát triển thì quản lý an toàn thực phẩm như thế nào?
Ông David Whitehead: Tôi đến từ nước Úc và như các bạn đều biết nước Úc cũng giống như các quốc gia phát triển khác quy định rất chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ, đối với các nhà hàng ăn uống, họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cụ thể về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm rồi mới được phép mở nhà hàng.
Các quan chức phụ trách an toàn thực phẩm có thể đến kiểm tra định kỳ, không báo trước vào bất kỳ lúc nào. Nếu nhà hàng nào vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt rất nặng, dẫn đến đóng cửa nhà hàng, hoặc bồi thường trong trường hợp có thực khách bị ngộ độc.
Ở Úc, các cơ quan quản lý còn hướng dẫn cụ thể cho người dân biết làm thế nào để dự trữ và bảo quản thực phẩm một cách an toàn, từ cách thức rửa tay trước khi chế biến thực phẩm; trữ lạnh thực phẩm an toàn cho đến thời gian tối đa được để thực phẩm ở bên ngoài là bao nhiêu.
Chính vì luật quy định chặt chẽ, hệ thống hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm chi tiết, nên độ rủi ro ngộ độc thực phẩm rất thấp.
Về vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở VN thì tôi chỉ xin chia sẻ câu chuyện của gia đình tôi. Có một lần, con gái tôi sang thăm VN, tôi dẫn con đến một nhà hàng rất xịn, rất đẹp. Ngay lập tức trong tối hôm ấy, con tôi bị ngộ độc thực phẩm, đến nỗi phải nằm viện vài ba hôm. Lý do là bị nhiễm khuẩn samonella.
Vấn đề là tôi đã dẫn con đến nhà hàng được xem là tốt nhất, đẹp nhất ở VN rồi mà vẫn bị ngộ độc thì điều đó thực sự đáng quan ngại. VN đang muốn phát triển mạnh ngành du lịch nhưng sẽ ra sao nếu du khách đến VN bị ngộ độc và phải nằm viện vài ngày? Hình ảnh VN sẽ xấu đi rất nhiều.
Chính vì thế, tôi nghĩ VN cần học tập các nước phát triển, xây dựng một bộ quy chuẩn cụ thể hướng dẫn cho người dân, cũng như có các chế tài xử phạt nặng đối với những người vi phạm.
- VietNamNet
(còn nữa)