Đầu năm 2021, chính quyền thành phố Tokyo (Nhật Bản) thông báo kế hoạch tặng tiền cho các cặp vợ chồng mỗi khi họ có con để thúc đẩy tỷ lệ sinh ở thủ đô. Dự kiến, mỗi gia đình nhận được 100.000 yen (960 USD)/trẻ sơ sinh.

Đặc biệt, ở thị trấn Ama trên đảo Nakanoshima, nơi có "kế hoạch đòn bẩy để khuyến khích sinh nở”, bố mẹ sẽ được nhận 100.000 yen khi sinh đứa con đầu lòng và lên tới 1 triệu yen cho đứa trẻ thứ 4.

Trong cuộc họp vào tháng 10/2020, Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat cho biết nước này sẽ cấp tiền cho người dân sinh con, trang trải chi phí thai sản trong dịch Covid-19 song chưa xác nhận khoản tiền cụ thể.

Tương tự, chính phủ Hàn Quốc cũng tặng 500.000 won (hơn 400 USD) cho các cặp vợ chồng mới kết hôn để giúp trang trải các chi phí chuẩn bị trước khi sinh nở.

Trong số nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề già hóa dân số, hỗ trợ tài chính, tặng tiền là biện pháp đang được nhiều quốc gia có tỷ lệ sinh thấp áp dụng. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng nhìn thấy kết quả rõ rệt từ phương án này, New York Times nhận định.

duoc tang tien khi sinh con anh 1

Nhiều quốc gia triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đẻ do tỷ lệ sinh thấp. Ảnh: Pakutaso.

Quá ít

Thông thường, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành là không hề nhỏ, nhất là ở các thành phố lớn nơi có mức sống đắt đỏ. Với nhiều cặp vợ chồng trẻ làm thuê, việc kiếm đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, trả góp mua nhà, xe đã là gánh nặng, chưa nói đến việc “đèo bòng” thêm con cái.

Vì vậy, đối với nhiều gia đình, các khoản hỗ trợ của chính phủ dường như chẳng thấm vào đâu so với áp lực nuôi con.

Theo cuộc khảo sát năm 2017 của công ty tư vấn TF Securities, các bậc cha mẹ ở Bắc Kinh ước tính tốn ít nhất là 78.000 NDT (11.500 USD) cho các chi phí nuôi dạy con cái trong 1 năm. Nếu tính thêm các khoản phụ như chi phí chăm sóc trẻ nhỏ, đầu tư vào dịch vụ chất lượng cao, con số có thể lên đến hơn 2,5 triệu NDT, theo Sixth Tone.

Trong khi đó, thành phố Tiên Đào ở tỉnh Hồ Bắc tặng các cặp vợ chồng 1.200 NDT (179 USD), các bà mẹ ở thành phố Nghi Xương được miễn chi phí sinh nở nếu có con thứ hai.

Còn ở tỉnh Sơn Tây, tháng 4/2020, chính quyền cũng chỉ ban hành văn bản khuyến khích các nhà tuyển dụng cung cấp khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em hàng tháng trị giá 200 NDT cho các bậc cha mẹ có con dưới 3 tuổi.

duoc tang tien khi sinh con anh 2

Chi phí nuôi một đứa trẻ ở thành phố là áp lực lớn đối với gia đình thu nhập trung bình. Ảnh: SCMP.

"Tôi không thể quyết định sinh ra một đứa trẻ chỉ vì sẽ nhận được 100.000 yen đâu", "Quá ít, hãy cho chúng tôi 500.000 yen", "Tại sao không cho chúng tôi 1 triệu yen?" hay "Họ chỉ muốn giúp mọi người sinh con hay giúp nuôi nấng lũ trẻ vậy" là những ý kiến phổ biến của người dân Tokyo trước kế hoạch tặng tiền của thành phố.

Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng bày tỏ họ không muốn sinh ra một đứa trẻ khi tình hình dịch bệnh còn chưa ổn định như hiện nay, bất kể họ có nhận được bao nhiêu tiền.

Nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới cho thấy việc tặng tiền có thể làm tăng nhẹ số lượng trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, biện pháp này không tạo ra sự khác biệt lớn trong thời gian dài và các khoản chi trả không hiệu quả như các chính sách khác, theo New York Times.

Ví dụ, ở Tây Ban Nha, chương trình trợ cấp trẻ em khiến tỷ lệ sinh tăng 3%; khi nó bị hủy bỏ, tỷ lệ sinh giảm 6%. Việc tặng tiền dường như chỉ khuyến khích phụ nữ sinh con sớm hơn, song họ thấy không nhất thiết phải sinh thêm con. Vì vậy, dù làm tăng mức sinh trong một năm nhất định, biện pháp này không có tác động lớn nếu tính đến cả một thế hệ.

Cần nhiều chương trình khác

“Tiền mặt có thể giúp hỗ trợ sự sụt giảm mức sinh ngay lập tức, nhất là trong bối cảnh người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, nhà ở và hỗ trợ việc làm sẽ quan trọng và đem lại hiệu quả về lâu dài hơn”, Philip Cohen, nhà xã hội học nghiên cứu về nhân khẩu học tại Đại học Maryland (Mỹ), nhận định.

Cụ thể, chính sách nghỉ thai sản sẽ rất hữu ích nếu cha mẹ được trả lương và thời gian nghỉ không quá lâu, tránh việc họ khó theo kịp công việc khi trở lại.

Một yếu tố cần được lưu ý là thời gian làm việc dài, đặc biệt ở các quốc gia nơi nam giới làm việc trung bình 45 giờ hoặc hơn một tuần, cũng có liên quan đến việc giảm khả năng sinh sản.

Pháp, quốc gia có tỷ lệ sinh cao ở châu Âu, có các chính sách tập trung vào việc cải thiện phúc lợi của cả trẻ em và cha mẹ. Các chính sách bao gồm giảm trừ gia cảnh, giảm thuế cho các gia đình; hỗ trợ nhà ở, giữ trẻ công cộng và ổn định khoảng 35 giờ/tuần làm việc.

duoc tang tien khi sinh con anh 3

Các nước cần có nhiều biện pháp khác để khuyến khích sinh đẻ thay vì chỉ tặng tiền. Ảnh: AP.

Tại Nhật Bản, dù chính phủ đưa ra nhiều chính sách gia đình để cải thiện tình trạng sụt giảm dân số, các cặp vợ chồng vẫn bị nhiều yếu tố khó khăn khác chi phối việc có con như thời gian làm việc dài, văn hóa cứng nhắc và các vấn đề về giới liên quan đến việc chăm con.

Nước này cũng bắt đầu áp dụng một số biện pháp để các bà mẹ đi làm cân bằng cuộc sống tốt hơn, ví dụ như yêu cầu các công ty trên 300 nhân viên đề ra mục tiêu tuyển dụng hoặc thăng chức cho nhân viên nữ.

Bên cạnh đó, chính phủ cho phép cả nam và nữ nghỉ làm nhiều nhất là 1 năm sau khi sinh con. Nam giới được khuyến khích nghỉ thai sản để phụ vợ chăm con, làm việc nhà, san sẻ gánh nặng và áp lực.

'Đừng hỏi tôi bao giờ lấy chồng, sinh con'

'Đừng hỏi tôi bao giờ lấy chồng, sinh con'

Tôi không nhớ được đã bị hỏi bao nhiêu lần về việc khi nào có con. Tôi thường trả lời rằng sẽ sinh con năm 30 tuổi.

Theo Zing