Viện trưởng Viện Kinh tế VN, Ts Trần Đình Thiên và Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright VN Nguyễn Xuân Thành tham gia bàn tròn trực tuyến về chủ đề: Tái cơ cấu đầu tư công – Bài học từ những công trình tiền tỷ bỏ hoang.

Thử gõ từ khoá “công trình tiền tỷ bỏ hoang”, Google cho ra hàng trăm ngàn kết quả. Hàng loạt các bài báo phản ánh chuyện nơi này khu làng văn hoá xây tiền tỉ bị bỏ hoang phế, nơi kia xây cất công trình văn hoá hoành tráng mấy trăm tỉ chẳng biết để làm gì; hay như xây nhà biểu diễn đa năng 90 tỉ đồng chỉ vài năm là xuống cấp, không sử dụng được…Rải rác khắp nơi là những trung tâm thương mại, nhà văn hoá cấp tỉnh, cấp huyện, xã xây rồi bỏ đó.

{keywords}
Một công trình trường học bỏ hoang thành nơi cột bò.

 

Gần đây, các tỉnh thành trong cả nước lại rộ lên “mốt” xây trung tâm hành chính với mô típ đương nhiên là phải cao, to, hoành tráng và chi phí đầu tư lên đến con số nghìn tỷ. Từ những tỉnh được tiếng giàu có như Bình Dương, Đà Nẵng…đến những nơi nghèo như Lai Châu…cũng đã tạo dựng cho mình toà hành chính công khang trang, bề thế.

Những công trình tiền tỷ bỏ hoang, cuộc đua xây trung tâm hành chính hoành tráng, …chỉ là vài nét chấm phá đập ngay vào mắt về thực trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí suốt nhiều năm qua ở VN.

Câu chuyện tái cơ cấu đầu tư công, vốn bắt đầu thực hiện cách đây 4 năm, lại một lần nữa trở nên nóng bỏng trên diễn đàn Quốc hội, khi Chính phủ lần đầu tiên thẳng thắn thừa nhận “nợ công đang tăng nhanh” với những con số gây giật mình. Năm 2011, nợ công bằng 50% GDP, tăng 24% so với năm trước. Đến năm 2012 là 50,8%. Năm 2013 là 54,2%. Năm 2014 ước đạt 60,3% và 2015 là 64% GDP – theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội. Dù vẫn ở ngưỡng an toàn theo quy định của QH (mức nợ công không quá 65%GDP) nhưng áp lực trả nợ lớn, khi tỉ lệ trả nợ chiếm tới 26,2% ngân sách nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại.

Báo cáo giám sát của Quốc hội nhận diện đầu tư công chính là thủ phạm gây bội chi ngân sách ở mức cao, trong khi Chính phủ cho biết 98% nợ công chi cho đầu tư phát triển. Bởi thế, tái cơ cấu đầu tư công đã được xem như một khâu đột phá trọng yếu trong chương trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Một loạt hành lang pháp lý đã được xác lập để tái cơ cấu đầu tư công, từ Nghị quyết 11 cho đến Chỉ thị 1792 gắn trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh với các quyết định đầu tư, cho đến Luật đầu tư công sắp có hiệu lực vào đầu năm 2015.

4 năm triển khai tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, thực trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả đã được khắc phục ở mức nào? Đâu là mối liên quan giữa đầu tư công và nợ công? Những rào cản nào đang cản trở tiến trình tái cơ cấu? Một lộ trình như thế nào sẽ khả thi cho VN trong bối cảnh hiện tại?...Đây là những câu hỏi lớn, đòi hỏi nghiên cứu thấu đáo.

Đó cũng là chủ đề của cuộc bàn tròn với hai chuyên gia kinh tế hàng đầu: Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN và Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright VN.

  • VietNamNet