- Tự thừa nhận công sức của cả nhóm trong suốt bốn năm qua chỉ như muối bỏ bể, nhưng những thành viên của Cánh buồm vẫn khăng khăng với niềm tin của mình, rằng từ những bài học về lối sống mà các thành viên bỏ công biên soạn sẽ hình thành nên một lớp trẻ là những người có kỹ năng và tâm hồn sống đồng thuận.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, chủ biên sách Văn và Lối sống nhóm Cánh Buồm.
Thảo luận nhóm môn Lối sống tại Trường Tiểu Học Nguyễn Văn Huyên |
Kỹ năng sống chỉ như vitamin
- Chị nhận xét gì về việc dạy đạo đức, kỹ năng ở Việt Nam hiện nay trong nhà trường phổ thông cũng như các trung tâm dạy kỹ năng sống?
Nhận xét đầu tiên của tôi là về câu hỏi vừa đặt ra, hình như có sự nhầm lẫn.
Vì sao? Vì nhà báo đã đánh đồng đạo đức và kỹ năng. Lê Văn Luyện có đầy kỹ năng đào tường khoét ngạch và giết người, chắc chắn không khóc nhè như những em nhỏ tại các lớp Kỹ năng sống, nhưng Luyện có mấy tí đạo đức?
Trong nhà trường, môn học Đạo đức (ở bậc tiểu học) và môn học tương đương là Giáo dục công dân (ở PTCS và THPT) hình như có bế tắc ở nội dung dạy con em mình cái gì và phương thức thực hiện dạy con em như thế nào?
Về nội dung học, thì chúng đang thiếu một nguyên lý dẫn tới tính hệ thống, sao cho các bài học không bị lẻ tẻ, vụn vặt, tùy tiện.
Còn phương thức thực hiện thì chúng lại đi theo lối áp đặt và giảng giải, khuyên bảo tùy tiện. Áp đặt các chuẩn mực đạo đức mà người lớn cho là đúng, bắt các em phải theo và ra sức giảng giải, khuyên bảo các em làm cho đúng (theo người lớn).
Bị bề trên áp đặt thì hay ho bao nhiêu cũng thành không tự nguyện. Điều đó lý giải vì sao học sinh không thích những giờ học này, xem môn học này là môn phụ và có khi còn coi thường vì trẻ em biết suy nghĩ đã đối chiếu những lời răn dạy đạo đức học ở trường với thực trạng đạo đức giả đáng ngờ xung quanh.
Đấy là điều vô cùng nguy hại cho từng cá nhân, cho từng gia đình và là mối nguy của cả xã hội.
- Tại sao nhóm Cánh Buồm của chị lại thay thế môn đạo đức hoặc giáo dục công dân thành môn Giáo dục Lối sống?
Trên kia tôi đã nói tới sự thất bại của môn Đạo đức trong nhà trường. Còn với môn “Kỹ năng sống” thì sao?
Ở các trung tâm dạy kỹ năng sống cách dạy tuy có vẻ hấp dẫn hơn, thu hút nhiều con em nhà giàu hơn – vì chỉ những em này mới thiếu kỹ năng sống thôi, con nhà nghèo vừa đủ kỹ năng sống vừa … không có tiền học thêm – nhưng các kỹ năng được dạy ở đây không hẳn đã là đạo đức.
Đó mới chỉ như những loại vitamin các bà mẹ vẫn thường bổ sung thêm cho con mình. Chắc chắn không có đứa trẻ nào trưởng thành và phát triển chỉ nhờ các loại vitamin.
Nhóm Cánh Buồm chúng tôi có môn Giáo dục lối sống thay thế cho cả hai môn học kia. Môn Giáo dục lối sống là ý tưởng của giáo sư Hồ Ngọc Đại thực thi ở trường thực nghiệm, mà nội dung cũng chẳng khác mấy với lối rèn luyện kỹ năng sống bây giờ. Vì thế, chúng tôi đã thay hoàn toàn nội dung Giáo dục lối sống này, chỉ còn giữ cái tên gọi.
Giáo dục lối sống, theo nhóm Cánh Buồm, phải gồm hai mặt: một nguyên lý chỉ đạo toàn bộ lối sống của con người hiện đại, và một nếp sống được tổ chức dần từng ngày tùy theo sự phát triển trí khôn trẻ em.
Chúng tôi mơ mộng và chấp nhận rủi ro
- Nguyên lý tổ chức cuộc sống mà Cánh Buồm đưa ra là “đồng thuận”. Sự đồng thuận có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống mà sự cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay?
Có lẽ bản chất của cuộc sống là cạnh tranh, chứ không phải chỉ bây giờ vào thời buổi “thị trường” thì mới có cạnh tranh. “Cạnh tranh để sinh tồn và phát triển” hình như đã được Darwin phát biểu – đó là trong sinh giới. Còn trong xã hội thì cũng thế! Khôn sống mống chết!
Nếu như trong xã hội cũ, người có đạo đức bao giờ cũng phải nghĩ tới việc giúp đỡ kẻ hèn yếu – giúp đỡ một cách lẻ tẻ, cá thể, có phần “từ thiện” hoặc tôn giáo – nhưng sự giúp đỡ đó sẽ có thể thành một lối sống mới của cộng đồng con người hiện đại nếu theo được nguyên lý giáo dục lối sống từ tấm bé trong nhà trường phổ thông.
Đồng thuận không phải là giơ tay đồng ý, càng không có nghĩa “quan tám cũng ừ quan tư cũng gật”. Đồng thuận gồm ba chuẩn: cùng lao động, cùng chia sẻ và tôn trọng những giá trị văn hóa, và cùng tháo ngòi xung đột. Ba chuẩn mực đó chi phối cuộc sống mọi cộng đồng to nhỏ, từ một gia đình, một xóm, tới một quốc gia và giữa các quốc gia. Và các giá trị (hoặc chuẩn mực) đó cần được tổ chức thực hiện chứ không chỉ rao giảng, hoặc muốn biến thành những “kỹ năng sống” thì phải thông qua tổ chức thực hiện hàng ngày cho thành nền nếp.
- Nguyên lý “đồng thuận” có lẽ hoàn toàn mới mẻ đối với cộng đồng người Việt đương thời. Nhóm Cánh Buồm phổ biến nguyên lý này với mục đích gì? Qua thời gian giảng dạy thực tế, chị có cho rằng điều này phù hợp với cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của người Việt?
Câu hỏi vừa rồi của nhà báo lại khiến chúng tôi giật mình rồi! Nguyên lý đồng thuận là cốt lõi trong môn học Lối sống của Nhóm Cánh Buồm. Không biết là việc nêu ra nguyên lý đó có đúng không, có đúng lúc không, và có bị coi là dạy đời không.
Nhưng làm khoa học thì phải chấp nhận rủi ro. Với nguyên lý này chỉ đạo môn học này, chúng tôi đặt lại vấn đề về cách dạy đạo đức trong nhà trường. Và dĩ nhiên là chúng tôi nghĩ tới tác động của một nhà trường tới một dân tộc. Chúng tôi hy vọng những em bé hôm nay học lớp Một sau này sẽ thành cả một dân tộc bắt đầu được giáo dục lối sống từ lớp Một. Và công việc giáo dục đó được tiến hành theo nguyên tắc tự học – tự giáo dục như đường lối Giáo dục hiện đại do nhóm Cánh Buồm xướng xuất. Nói một cách khác, các em tự đến với nguyên lý đồng thuận để tự tổ chức mình thành những con người có kỹ năng và tâm hồn sống đồng thuận.
Dĩ nhiên, qua sách Lối sống của nhóm Cánh Buồm, ai ai cũng thấy là chúng tôi muốn các bậc phụ huynh đáng kính nhưng còn bỡ ngỡ với nguyên lý đồng thuận nhờ theo dõi việc học của con em cũng sẽ tự mình giác ngộ đôi điều. Ấy là chúng tôi mơ mộng vậy. Nhưng làm khoa học thì phải mơ mộng chứ? Nhưng từ mơ đến thực là một đoạn đường không ngắn.
- Nhưng đồng thuận có là điều quá to tát với học sinh, nhất là học sinh lớp Một hay không? Tại sao sau lớp 1 các em học về Cộng đồng (lớp 2) trước khi học về Gia đình (lớp 3)…?
Câu hỏi này cũng giống với câu hỏi của nhiều người quan tâm tới bộ sách Cánh Buồm.
Chúng tôi đặt ra chương trình môn Lối sống ở bậc Tiểu học với mục tiêu như sau: Nhà trường tổ chức lối sống mới cho các em với nguyên lý đồng thuận làm cốt lõi, để, lớp 1 có năng lực tự phục vụ. Lớp 2 có năng lực sống với cộng đồng – cộng đồng hiểu theo nghĩa chung nhất, tức là trước hết em phải có trách nhiệm với bản thân, nhưng mỗi người không chỉ sống một mình mà phải sống cùng người khác cho nên phải có năng lực sống với người khác, với cộng đồng nói chung. Từ đó mà lên những lớp sau, em học về năng lực sống trong những cộng đồng cụ thể như gia đình (lớp 3), tổ quốc (lớp 4), nhân loại (lớp 5).
Về cách thực thi, chúng tôi có cách tiến hành để học sinh không thấy KHÓ KHĂN. Tuy nguyên lý thì CAO ĐẸP, nhưng các em học sinh sẽ thấy mọi việc đơn giản, DỄ THỰC HIỆN.
Bí quyết là ở đây: không giảng giải, chỉ tổ chức việc làm, qua việc làm mà tìm ra nguyên lý sống đạo đức riêng và chung. Và đây nữa mới là điều cần lưu ý: phẩm tính đạo đức mới của con người hiện đại sẽ được thấm nhuần dần vào trẻ em để đúc kết lại thành những khái niệm thuộc lối sống có đạo đức. Điều này được diễn đạt trong các cẩm nang chúng tôi đang hoàn thiện và trên các tiết dạy mẫu đang cố gắng tập hợp lại thành những đĩa CD..
Bí quyết “dạy học” này không chỉ thể hiện ở môn Giáo dục lối sống, mà ở các môn học khác; có tầm CAO ĐẸP nhưng lại dễ chiếm lĩnh, nhờ hệ thống việc làm tự học - tự giáo dục thay thế cho thói quen đã thành đặc tính cố hữu của “nhà trường”, là giảng giải áp đặt vô duyên.
Khó nhất là dũng cảm nhận ra điều không phù hợp
Nhà giáo Phạm Toàn và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên |
- Con người “tự chủ – trách nhiệm – tâm hồn phong phú” - tại sao nhóm Cánh Buồm lại cho rằng đây nên là “sản phẩm” cần có của giáo dục hiện đại?
Mục tiêu đào tạo con người của một nền giáo dục hiện đại, theo chúng tôi, không chỉ là để “nên người”, “học làm người” chung chung, cũng không phải chỉ để đáp ứng mục tiêu thực dụng là nguồn nhân lực...
Sản phẩm cần có của nền giáo dục hiện đại là những con người với đầy đủ tư cách làm người của nó, tức là dám tự chủ, được tự chủ, có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, cũng tức là phải có đủ năng lực mà có trách nhiệm và cuối cùng, đó không phải là những cỗ máy vô cảm, vô cảm trước cái xấu, cái đẹp, trước cái thiện, cái ác… mà phải là những người có tâm hồn phong phú.
Để thực hiện điều đó, không thể chờ đến lúc các em lớn bằng nào mới bắt đầu mà ngay từ khi bước vào lớp 1, khi các em bước vào nhà trường phổ thông.
Và chúng tôi cũng không chờ đợi gì nữa, chúng tôi rủ nhau làm lại môn học này với một hướng đi và cách làm mới như mọi người đã thấy. Sản phẩm của nền giáo dục hiện đại đó sẽ đưa đến sự thay đổi gì cho xã hội? Bốn năm nay, đầu mỗi bìa sách Cánh Buồm đều có tuyên ngôn “Giáo dục tiểu học ổn định và bảo đảm chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, từng gia đình ổn định, cả xã hội cùng ổn định”.
Nhưng vẫn mới chỉ có … bốn năm thôi! Hoàn toàn không khó để thấy công sức của nhóm Cánh Buồm chỉ như muối bỏ bể.
- Là sản phẩm của nền giáo dục “lạc hậu” của Việt Nam, chị rút ra điều gì khi bắt tay tham gia xây dựng lối sống mới cho thế hệ trẻ?
Cảm ơn câu hỏi của bạn, quả thực khi tham gia công việc, bản thân mình phải học lại từ đầu, đặc biệt trong vai trò của một nhà sư phạm. Có lẽ, cái khó nhất là sự dũng cảm nhận ra và từ bỏ những tín điều mà bây giờ mình nhận ra là không còn phù hợp nữa để bắt tay làm lại những điều tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau.
Đất nước ta, nền giáo dục của chúng ta đang trải qua cơn khủng hoảng đau lòng. Cần bắt tay vào LÀM, LÀM, LÀM đã. Không “góp ý”, không “phản biện” nữa, tự thấy mình làm được gì thì cứ LÀM đã. Đúng như cách đây bốn năm, “thuyền trưởng” của chúng tôi (nhà giáo dục Phạm Toàn – pv) đã làm cho chúng tôi quen với câu nói vui hồn nhiên này: Mình không làm, ai làm? Nếu ai ai cũng chờ đợi, thì cuối cùng sẽ là cái gì?
Không ai giỏi ngay trong một lần. Chúng tôi đưa trình xã hội sản phẩm giáo dục đạo đức của mình, và nó sẽ hoàn thiện dần. Nhưng phải bắt đầu bằng niềm hứng khởi mình không làm, ai làm. Không bắt tay làm, sẽ không có gì hết, kể cả những sản phẩm tồi tệ nhất, chứ đừng nói tới cái tốt nhất!
- Xin cảm ơn chị.
- Hạnh Ngân thực hiện