Mỹ đã gửi ATACMS tầm xa cho Kiev từ đầu năm nay, nhưng Ukraine chỉ được phép sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ, và bán đảo Crưm mà Moscow đang kiểm soát, chứ không phải trên lãnh thổ Nga.

Theo Newsweek, một quan chức an ninh cấp cao giấu tên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây chia sẻ với tờ Politico rằng, việc tấn công bằng ATACMS nhằm vào các mục tiêu ở Nga sẽ không hiệu quả như Kiev mong đợi, do Moscow đã di chuyển dàn máy bay quân sự khỏi các căn cứ không quân nằm gần Ukraine.

nga ukraine 14.jpg
Căn cứ ở Tula của Nga. Ảnh: ISW

Tuy nhiên, hôm 24/8, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) đã cho công bố các hình ảnh vệ tinh và bản đồ cho thấy 250 mục tiêu của Nga hiện nằm trong tầm bắn của ATACMS mà Mỹ cấp cho Ukraine.

Hình ảnh ghi nhận các mục tiêu bao gồm căn cứ quân sự quy mô lớn, trạm thông tin liên lạc, trung tâm hậu cần, cơ sở sửa chữa, kho nhiên liệu, kho đạn dược và trụ sở thường trực.

ISW nhấn mạnh, "sẽ cực kỳ khó, hoặc không thể đối với Nga để nhanh chóng di dời tài sản” khỏi những nơi này. 

“Chỉ có 17 trong số 250 cơ sở này là sân bay. Do đó, quân đội Nga khó có khả năng tái bố trí tài sản khỏi tất cả 233 cơ sở còn lại ở mức độ tương tự như những gì họ đã làm với vũ khí hàng không”, ISW đánh giá.

nga ukraine 15.jpg
Cơ sở hậu cần của Nga ở thành phố Bryansk. Ảnh: ISW

Cũng theo ISW, “các lực lượng Ukraine không cần phải tấn công từng mục tiêu quân sự và bán quân sự của Nga nằm trong phạm vi mà vũ khí phương Tây cung cấp để bắt đầu tạo ra áp lực hoạt động đáng kể lên quân đội Nga”. 

Trên thực tế, Ukraine được phép sử dụng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS trang bị tên lửa dẫn đường GMLRS do Mỹ cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm bên trong lãnh thổ Nga, nhưng chúng có tầm bắn ngắn hơn ATACMS. Theo ISW, chỉ có 20 trong số 250 mục tiêu tiềm năng của Nga nằm trong tầm bắn của GMLRS. Trong khi đó, Mỹ đã cấp cho Ukraine 2 phiên bản tên lửa ATACMS có tầm bắn là 165km và 300km.