Trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hôm 28/8 vừa qua, Đoàn liên ngành Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã kiểm tra đột xuất một số cửa hàng, công ty chuyên kinh doanh điện thoại di động tại thị trường Hà Nội.

Tại các cửa hàng như DVS (218 đường Láng), Your Phone (216 Xã Đàn), Ngọc Mobile (94 Thái Hà) và Đức Linh Mobile, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ hàng trăm chiếc điện thoại iPhone các loại cùng hàng trăm vỏ hộp, bộ phụ kiện không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.

Cá biệt, có điểm bán như DVS, lực lượng chức năng không tìm được bất cứ chiếc điện thoại mới nào tại đây và trong kho có nhiều vỏ hộp iPhone mới cùng phụ kiện sạc pin, tai nghe. Trong khi đó, tại cửa hàng này mỗi ngày bán hàng chục chiếc iPhone mới các loại.

Làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, có cửa hàng đã thừa nhận nhiều chiếc iPhone nguyên tem, bọc nilon thực chất không phải là hàng mới, có thể được lắp dựng hoàn thiện từ Trung Quốc tuồn về Việt Nam, hoặc về Việt Nam mới thực hiện lắp dựng.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với ICTnews, anh Huy Quang, một kỹ thuật viên điện thoại tại phố Trương Định (Hà Nội) cho hay, việc cơ quan chức năng phát hiện các cửa hàng bán ra iPhone không rõ nguồn gốc xuất xứ như trong đợt kiểm tra ngày 28/8 vừa qua không phải là chuyện lạ tại các cửa hàng bán iPhone xách tay.

“Từ iPhone 6, iPhone 6 Plus cho tới loại đời cũ iPhone 5, 5S và cả 4S hiện vẫn là những mặt hàng được tiêu thụ tốt tại Việt Nam. Trong đó, sản phẩm như iPhone 5S hồi đầu năm 2015 còn rơi vào tình trạng cháy hàng. Ví dụ, một chiếc iPhone 5S cũ 16GB hiện được bán với giá bán khoảng 7-8 triệu đồng, tuy nhiên nếu có thêm hộp và bọc nilon, dán tem dưới dạng “hàng mới” thì sẽ có giá cao hơn 1,5 - 2 triệu đồng, bảo hành từ 6 tháng. Chính vì lợi nhuận cao nên chuyện iPhone được bán ra dưới dạng hàng mới, nguyên hộp chưa bóc nilon, dán nilon màn hình, bảo hành tới 6 tháng nhưng bản chất là hàng dựng, được giới kinh doanh nhập linh kiện từ Trung Quốc ráp lại diễn ra rất phổ biến trên thị trường hiện nay”, anh Quang nói.

Còn theo anh Thành, nhân viên kỹ thuật một cửa hàng điện thoại tại phố Thái Hà (Hà Nội), hàng dựng hiện rất tinh vi, phần lớn là máy nguyên gốc hãng bán ra đã qua sử dụng hoặc máy bị hỏng, được giới kinh doanh sửa chữa, thay thế bằng các linh kiện trôi nổi và thay vỏ nhìn như hàng còn mới.

Hiện nay nếu người dùng thông thường không có kinh nghiệm kiểm tra bằng cách so sánh thông số in trên vỏ hộp và máy xem có trùng khớp nhau hay không thì cũng không có nhiều ý nghĩa do công nghệ in ấn, khắc IMEI hiện rất tinh vi, được làm giả y như thật rất khó phát hiện.

Về bản chất, những chiếc iPhone hàng dựng cũng có thể chạy rất tốt nếu người dùng gặp… may mắn. Tuy nhiên, nếu đen đủi thì chiếc máy tiềm ẩn nhiều rủi ro như thu sóng Wi-Fi yếu, chất lượng cuộc gọi thiếu ổn định, tuổi thọ pin nhanh giảm sút chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, thậm chí màn hình cảm ứng không bền do được thay loại chất lượng kém để tăng tối đa lợi nhuận…

Theo khuyến cáo của những người am hiểu về iPhone, để kiểm tra chiếc iPhone mới mua có đúng là hàng mới hay không, người dùng không nên tin ngay vào hình thức bên ngoài, thông số trên vỏ hộp. Điều cần thiết là kết nối với iTunes của hãng Apple để kiểm tra các thông tin về số serial, imei, thời điểm kích hoạt, bảo hành để nắm được đó có phải là hàng mới 100% chưa kích hoạt hay không.

Nhiều vụ buôn lậu iPhone và linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam đã bị phát hiện

Từ cuối năm 2014 đến nay, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu iPhone 5, 5S, iPhone 6, 6 Plus và linh kiện gồm sạc, tai nghe, vỏ hộp từ Trung Quốc để bán cho giới kinh doanh trong nước. Trong đó, có rất nhiều máy thuộc dạng đã qua sử dụng.

Ví dụ, ngày 3/11/2014, Công an huyện Gia Lâm đã phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Nhung (43 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đang vận chuyển 46 chiếc iPhone 5S, 5 và iPhone 4S không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 4/11/2014, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Gia Lâm phát hiện đối tượng Vũ Thị Phương Hoa (24 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) vận chuyển lô hàng 385 chiếc điện thoại di động, trong đó phần lớn là iPhone 5, iPhone 4S từ Móng Cái, Quảng Ninh về Hà Nội thông qua đường xe khách.

Tháng 1/2015, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cũng đã triệt phá vụ buôn lậu hơn 500 chiếc điện thoại iPhone, Samsung Galaxy, HTC, Nokia... được giấu kín trong bình cứu hỏa, cốp xe của chiếc xe khách 45 chỗ Ka Long chạy tuyến Móng Cái (Quảng Ninh) - Mỹ Đình (Hà Nội).

Ngày 15/5/2015 tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 2 chiếc xe ô tô đang vận chuyển từ Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh về Hà Nội khoảng trên 900 chiếc điện thoại các loại như iPhone, Vertu, Nokia… không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.