Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”; đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.” 

Để cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định về đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã, đang tích cực, khẩn trương triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; trong đó Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu quốc gia rất quan trọng, gắn với từng người dân, từng gia đình-tế bào của xã hội; là nền tảng để hình thành công dân số, xã hội số, phù hợp với xu thế chung của nhân loại.

Theo ghi nhận, tới nay, những kết quả ban đầu khá tích cực. Trong đó, Bộ Công an đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin của hơn 98 triệu dân cư. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn chíp điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân...

Bộ Công an cũng đã triển khai kết nối thử nghiệm thành công với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số bộ ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước, phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các ứng dụng để kiểm soát đi lại, phòng, chống dịch bệnh mang lại hiệu quả tích cực. Đây là những kết quả hết sức ấn tượng, phản ánh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an nhân dân trong suốt gần 2 năm qua để đến hôm nay, có được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, tập trung, hiện đại.

Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành và địa phương; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước hiện nay, khi chúng ta đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, việc đẩy mạnh triển khai phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa rất lớn. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều, thậm chí không ít "lực cản."

Một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn đang hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực công nghệ của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ; vẫn còn đâu đó tâm lý, tư tưởng cục bộ, cát cứ; việc chuyển đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của các cấp, ngành và của toàn xã hội khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều; nguy cơ mất an ninh an toàn hệ thống và dữ liệu luôn thường trực...

Bích Thủy