Toàn dân, toàn diện, không ai “offline”

Việt Nam đang thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong quá trình đó, Chính phủ xác định người dân là chủ thể trung tâm.

Chương trình chuyển đổi số của Việt Nam có cách tiếp cận tổng thể, liên thông và đẩy mạnh hợp tác công - tư. “Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Viettel, FPT, VNPT, CMC… phải có vai trò dẫn dắt và lan tỏa để cả cộng đồng chung tay chuyển đổi số, phục hồi phát triển kinh tế", Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long trả lời họp báo ngày 7/12.

Để giải bài toán này cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp số với địa phương, đảm bảo “không ai offline”, do không doanh nghiệp nào đủ nguồn lực để triển khai hết 63 tỉnh, thành phố, hơn 700 huyện và hơn 10.000 làng xã, cùng hơn 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa tính các hộ gia đình.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu phải có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, để cả cộng đồng chung tay chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: Internet)

Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: “Nhà nước luôn khuyến khích xây dựng các doanh nghiệp lớn, có đủ nguồn lực, tiềm lực để giải quyết các bài toán lớn quốc gia thông qua việc xây dựng các nền tảng lớn. Trên các nền tảng đó, cộng đồng doanh nghiệp số cùng chung tay xây dựng các ứng dụng số để giải quyết các bài toán kinh tế số, xã hội số".

Đánh giá mức độ chuyển đổi số các bộ, tỉnh

Bộ chỉ số gồm các nhóm chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh và cấp quốc gia đã được Bộ TT&TT xây dựng từ năm 2020 và lần đầu tiên công bố kết quả chuyển đổi số (DTI) của các bộ, tỉnh trong năm 2021.

Chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia nhằm cung cấp thông tin về kết quả chuyển đổi số chung của cả nước để báo cáo Chính phủ, phục vụ các cơ quan, tổ chức quốc tế khi đánh giá các chỉ số như phát triển Chính phủ điện tử (EGDI), phát triển công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu (IDI), chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI 4.0), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh và quốc gia giúp cho thấy bức tranh toàn diện về chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo báo cáo DTI 2020, Bộ Tài chính, Đài Truyền hình Việt Nam và Đà Nẵng dẫn đầu về chuyển đổi số.

Thực tế nhiều tỉnh, thành đã quyết liệt triển khai các nội dung trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trái lại, cũng có những địa phương, ban ngành chậm thực hiện công tác này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet về việc có vinh danh các các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi số tốt cũng như nêu tên các bộ, tỉnh còn chậm trễ trong chương trình chuyển đổi số quốc gia tại những diễn đàn lớn như Make in Vietnam hay không, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Make in Vietnam là diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số nên việc công bố nội dung này chưa phù hợp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT đã đưa ra các bộ chỉ số để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, hàng năm kết quả đánh giá mức độ triển khai chương trình chuyển đổi số của các bộ, tỉnh sẽ được Bộ TT&TT báo cáo lên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trước khi thông tin tới báo chí.

Vinh Ngô 

Lần đầu công bố mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh tại Việt Nam

Lần đầu công bố mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh tại Việt Nam

Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh - DTI 2020 vừa được công bố. Trong năm đầu tiên thực hiện, báo cáo này được đánh giá đã thành công khi vẽ ra bức tranh toàn diện về chuyển đổi số Việt Nam.