- “Lúc đau đớn nhất chính là khi hơi ấm của chúng ta gần hết, mọi thứ như tan ra. Làm sao để chết một cách thư giãn, vui vẻ? Nước ngoài họ có môn học để có được cái chết bình an”- Giám đốc công ty sách Thái Hà-TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc công ty sách Thái Hà trong buổi nói chuyện với chủ đề “Học tập suốt đời làm giàu cho cuộc sống của bạn” vừa diễn ra sáng 2/10 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Theo ông: “Nhiều người sợ hãi khi phải đối mặt với điều khủng khiếp này. Thế nên cái chết với họ không được bình an”. Từng đi đến nhiều quốc gia trên thế giới, vị giám đốc này cho biết ở Nhật Bản, Mỹ hay cả Trung Quốc họ có môn học để có cái chết bình an.

Trong cuộc nói chuyện với chủ đề “Học tập suốt đời làm giàu cho cuộc sống của bạn” vừ diễn ra sáng 2/10 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, với vai trò diễn giả, TS Hùng đưa ra công thức 4H để tổng kết cho những điều mình muốn nói đó là: Học, hỏi, hiểu, hành. Thêm một chữ H được ông bổ sung sau đó là “hưởng ứng”, ý nói đến sự tham gia của mọi người sẽ tạo động lực nhiều hơn nữa.

Phần chia sẻ về chữ “H” thứ nhất của TS Hùng chiếm gần như trọn thời gian của buổi nói chuyện. Theo ông: “Nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên thường băn khoăn rằng mình học để làm gì?

Anh có ngôi nhà 1 triệu USD nhưng sau trận động đất, sóng thần anh có thể mất nó…Nhưng có một thứ tài sản không ai cướp được, giật, lấy đi của bạn đó chính là kiến thức”.

Học đầu tiên theo ông là để có kiến thức. Sau đó là học để làm, học để tồn tại cũng là biết mình là ai. Rồi học để sống cùng nhau: làm sao hòa đồng với các bạn trong lớp, với đồng nghiệp ở cơ quan, hàng xóm hay một nhóm bạn. Và học để chết sao cho bình an nữa.

Những ví dụ được vị TS đưa ra cụ thể, giản dị nhưng lại mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Đó là cụ bà 102 tuổi ở Trung Quốc mới đi học chữ vì thấy “cần lắm”. Rồi chuyện cặp vợ chồng 60 tuổi ở Úc vẫn đi học ngoại ngữ để trí tuệ được minh mẫn, không lẩn thẩn; chuyện một bác hơn 70 tuổi nghĩ ra cách trồng rong biển tạo việc làm cho người dân Khánh Hòa. Hay chuyện một vị giáo sư cao tuổi vì đôi khi gặp khó khăn khi tranh luận với các cháu nên đã học “chát” trên Internet để có thể hiểu được các cháu hơn.

Sự học của mỗi con người được vị tiến sĩ chia ra theo các thang bậc độ tuổi. Theo ông “chúng ta bắt đầu học từ khi 0 tuổi. Vậy nên các cặp vợ chồng cần chuẩn bị nhiều cho con ngay từ khi có ý định sinh con (…) Điều này vô cùng quan trọng vì 90-95% trí tuệ con người có được là trước khi đi học (6 tuổi). Sau này chúng ta chỉ nạp thêm kiến thức vào thôi”.

Mốc tuổi từ 25-35 theo TS Hùng là khoảng thời gian bạn phải ổn định, tập trung cho chuyên môn của mình. Các mốc tiếp theo sẽ là: cống hiến, chia sẻ kinh nghiệm, tái tạo (cập nhật) bộ não.

Văn Chung
(ghi)