Các quan chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận tại Bắc Kinh hôm 7/12 về việc giảm nguy cơ đối đầu sau những căng thẳng gần đây khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự sát cạnh Trung Quốc.

TIN LIÊN QUAN:

Tướng Mã Hiểu Thiên của Trung Quốc bắt tay thành viên đoàn đại biểu Mỹ trước cuộc gặp song phương với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Theo giới phân tích, cuộc Đối thoại tham vấn quốc phòng Mỹ - Trung lần thứ 12 sẽ là “hàn thử biểu” cho quan hệ giữa quân đội Trung Quốc - quân đội lớn nhất thế giới với 2,3 triệu thành viên và quân đội Mỹ với nỗ lực tái xác lập vị thế ở Thái Bình Dương sau những sa lầy ở Iraq và Afghanistan.

Trong khi quân đội Trung Quốc chỉ trích hàng loạt động thái gần đây của Mỹ, thì quyết định của Bắc Kinh tổ chức cuộc đối thoại dường như chứng tỏ tầm quan trọng của việc trao đổi giữa hai bên kể cả khi có bất đồng.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc là tướng Mã Hiểu Thiên, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Ông Mã cho biết, cả hai bên đã cam kết cải thiện quan hệ. "Nền tảng này có giá trị lớn nhằm tăng cường thông tin, mở rộng mặt bằng chung, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, để quản lý và kiểm soát rủi ro, tránh hiểu lầm, điều này sẽ duy trì sự ổn định trong quan hệ quân sự của chúng ta”, ông Mã phát biểu khai mạc.

Đại diện phía Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Michele Flournoy cho biết, năm tới sẽ là năm “rất quan trọng” cho cho quan hệ hai bên, và “với việc hợp tác trên một số vấn đề tác động tới cả hai nước”. Theo giới phân tích, bình luận này dường như đề cập tới sự thay đổi lãnh đạo chính trị ở Trung Quốc cũng như cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Vào tháng 9, Mỹ đã thông báo quyết định bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 5,85 tỉ USD để nâng cấp phi đội F16 của hòn đảo này. Các học giả Bonnie Glaser và Brittany Billingsley trong một phân tích cho Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nói rằng, Trung Quốc sau đó đã triệu tập đại sứ Mỹ và cảnh báo về sự tổn hại tới quan hệ hai bên. Các tuần sau đó, họ quyết định hoãn chuyến thăm của Ban nhạc quân đội Mỹ cũng như của Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ cùng với kế hoạch tập trận chung chống cướp biển, trao đổi y tế quân sự…

Tuy nhiên, quyết định tiến hành hội đàm dường như cho thấy, Bắc Kinh đã “chấp nhận rằng, việc ngừng các mối quan hệ quân sự song phương không phục vụ cho lợi ích của Mỹ cũng như Trung Quốc”, Glaser và Billingsley nói, đồng thời cảnh báo, chưa rõ là liệu phía Trung Quốc có sẵn sàng khôi phục đầy đủ các tiếp xúc quân sự hai bên hay không.

Bên cạnh việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc có thể còn than phiền về các sứ mệnh giám sát quân sự Mỹ ở khu vực mà họ cho là Vùng Đặc quyền kinh tế của mình.

Truyền thông chính thống Trung Quốc dẫn lời quan chức nước này cho biết, tướng Mỹ có thể sẽ đề cập tới kế hoạch mà Mỹ tuyên bố hồi cuối tháng 11 về việc triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ tới Australia tại căn cứ ở Darwin bắt đầu từ năm tới. Các đơn vị bộ binh, không quân và hậu cần chiến đấu cũng sẽ tới đây từ Okinawa hoặc từ những căn cứ khác ở Nhật, ở Thái Bình Dương.

Những người có quan điểm cứng rắn ở Trung Quốc gọi động thái trên, cùng với việc Mỹ củng cố quan hệ quân sự với các đồng minh Nhật Bản, Philippines là một chính sách ngăn chặn, và cần phản đối chính sách ấy thông qua nỗ lực ngoại giao tích cực hơn. "Mỹ luôn yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn trong chiến lược của mình, vậy cần hỏi Mỹ ai nên làm rõ ý định của mình”, tướng Lạc Nguyên thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc nói.

Bà Flournoy dự kiến sẽ đưa ra những quan tâm của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vấn đề Triều Tiên, Iran, an ninh hàng hải, an ninh mạng, chính sách vũ khí hạt nhân, phát triển không gian… Bà cũng có thể tìm kiếm việc nối lại các lịch trình trao đổi bị gián đoạn.

Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm trên biển lần hai với tàu sân bay đầu tiên của họ. Hôm thứ ba, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói với các quan chức hải quân rằng, cần mở rộng hiện đại hóa lực lượng và “chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến đấu quân sự”.

Thái An (theo AP, Reuters)