Bộ TT&TT cho biết, trên cơ sở 8 nhóm sản phẩm, giải pháp chính, sẽ hình thành Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu (Ảnh minh họa) |
Phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam
Trong phát biểu tại lễ khai trương Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử vào cuối tháng 11/2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số: “Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của chúng ta. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn để công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số”.
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào ngày 8/11/2019, Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chúng ta phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng. “Cách đây 2 tuần, Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã thống nhất rằng, với các dự án Chính phủ điện tử thì sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải của Việt Nam”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và các doanh nghiệp, giữa tháng 12/2019, Bộ TT&TT đã có thông báo và giao nhiệm vụ phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam.
Cụ thể, Bộ TT&TT giao các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng và sản phẩm nền tảng của Việt Nam để đáp ứng tối đa nhu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo 8 nhóm sản phẩm, bao gồm: Sản phẩm an toàn cho thiết bị đầu cuối; Sản phẩm an toàn lớp mạng; Sản phẩm an toàn lớp ứng dụng; Sản phẩm bảo vệ dữ liệu; Nhóm giải pháp định hướng phát triển theo hình thức cung cấp dịch vụ; Sản phẩm trình duyệt; Sản phẩm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Sản phẩm nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử.
Trên cơ sở 8 nhóm sản phẩm nêu trên, theo Bộ TT&TT, sẽ hình thành Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã giao các doanh nghiệp an toàn thông tin, trước mắt là 19 doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm an toàn, an ninh mạng phối hợp với Cục An toàn thông tin để thành lập Liên minh sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao sự hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối với nhau trong mô hình tổng thể phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Bộ TT&TT dự kiến sẽ cho ra mắt Liên minh này trong tháng 12/2019.
Cục An toàn thông tin được giao trách nhiệm điều phối chung về định hướng, tôn chỉ, mục đích hoạt động của Liên minh sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng. Đồng thời, phối hợp cùng các thành viên Liên minh xây dựng lộ trình, phân công phát triển các sản phẩm cụ thể trong Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam; bổ sung hoặc điều chỉnh thành viên Liên minh phù hợp với thực tế phát triển của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng trên cơ sở thống nhất với các thành viên liên minh; xây dựng quy chế hoạt động của Liên minh.
Trao đổi với ICTnews, ông Trương Đức Lượng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC), 1 trong 19 doanh nghiệp tham gia cùng Cục An toàn thông tin để xúc tiến thành lập Liên minh, chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng Liên minh sẽ tạo ra tiêu chuẩn, định hướng phát triển sản phẩm và kích thích thị trường sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới”.
Sẽ xây dựng Trung tâm R&D về an toàn thông tin mạng
Cục Tin học hóa được giao phối hợp cùng Cục An toàn thông tin làm việc với các bộ, ngành, địa phương để triển khai lựa chọn, sử dụng các sản phẩm thuộc Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin phục vụ chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Bộ TT&TT cũng chỉ đạo, Cục An toàn thông tin chủ trì, phối hợp với Vụ KH&CN nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí kỹ thuật đánh giá an toàn thông tin, từng bước hình thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tổ chức đánh giá các sản phẩm an toàn thông tin mạng; đánh giá về an toàn thông tin mạng của các sản phẩm CNTT; chứng nhận và công bố sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin phục vụ chính phủ điện tử và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; khuyến cáo sử dụng.
Thời gian tới, Vụ CNTT sẽ chủ trì nghiên cứu sửa đổi Thông tư 47 năm 2016 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT dùng ngân sách nhà nước theo hướng quy định các cơ quan, tổ chức khi đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin, CNTT phải ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm thuộc Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam đã được Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) công bố đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin mạng. Cục An toàn thông tin sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định của Thủ tướng quy định về đảm bảo an toàn thông tin mạng trong mua sắm, sử dụng thiết bị, phần mềm, giải pháp, dịch vụ phục vụ Chính phủ điện tử và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã giao Cục An toàn thông tin lập phương án, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt chủ trương và triển khai xây dựng Trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo về an toàn thông tin mạng 3 chức năng chính, bao gồm: hỗ trợ, thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm an toàn, an ninh mạng, thử nghiệm, đánh giá sản phẩm; giới thiệu, trình diễn, trưng bày các mô hình trực quan ứng dụng sản phẩm an toàn, an ninh mạng nói riêng và sản phẩm CNTT phục vụ Chính phủ điện tử nói chung; phục vụ đào tạo, huấn luyện sử dụng sản phẩm trong nước là nòng cốt, khu thao trường huấn luyện, diễn tập, đào tạo qua đó tạo dựng niềm tin về sản phẩm sản xuất trong nước.