- Nhìn những học trò chuẩn bị bữa cơm, thầy Dương Ngọc Hùng, giáo viên Trường THCS Thành Sơn, huyện Quan Hoá, Thanh Hoá xót xa: "Thầy giáo dù chỉ 800-900 nghìn một tháng cũng còn có đồng ra đồng vào.  Nhưng học sinh thì lấy đâu ra. Cuối tuần về nhà mang được mớ rau, lon gạo đến trường. Bữa cơm của các em ăn cơm nếp với mì tôm pha loãng đã là sang lắm. Thật hiếm hoi mới thấy chúng mua được miếng thịt. Thầy cô có muốn giúp các em cũng lực bất tòng tâm".



Bản Chiềng-xã Trung Sơn chưa có lớp học cho mẫu giáo nên đang mượn tạm phòng học tranh tre của khu lẻ trường tiểu học

Năm học 2010 - 2011, Trường THCS Thành Sơn, huyện Quan Hoá xây dựng được một khu nhà bán trú gồm 5 phòng rộng rãi, khang trang cho học sinh. Những học sinh đi học cách trường hơn chục cây số được ở lại nghỉ ngơi trong khu nhà này, đỡ quãng đường gần 30 km mà những năm trước các em phải vượt qua mỗi ngày để đến trường.


Thế nhưng, từ khi có phòng ngủ đến nay, hằng đêm, các em chỉ được ngủ trên nền nhà lạnh ngắt. Đồ đạc trong phòng sang lắm thì có chiếc chiếu và những chiếc chăn bông cũ do các em mang lên để đắp. Không có phòng nào có bàn học nên muốn học, các em nằm bò trên nền nhà hoặc ngồi co ro trên những chiếc chiếu mà làm toán, viết văn.

Cứ mỗi cuối tuần, được nghỉ học các em lại đi bộ hàng chục km để về nhà lấy lương thực tiếp tế.


Mỗi lần như thế, gia đình em nào sang nhất cho con được bao gạo nếp nương và khoảng 30 nghìn đồng để mua thức ăn cho cả tuần. Cả nhóm 5 - 6 em góp lại cũng chỉ đủ cho mua mớ rau, thỉnh thoảng có thêm con cá khô hay miếng thịt, gói mì tôm làm canh. Bữa cơm đạm bạc của những học sinh miền núi may mắn được ở nội trú chỉ thấy canh rau cải hay bát mì tôm.


Tan học, từng nhóm, từng nhóm học sinh ở cùng phòng với nhau lại túm tụm nấu cơm trong gian nhà mới xây cùng với khu phòng ngủ, khói không có chỗ thoát làm cay xè cả mắt. Những nồi cơm nếp nương, nồi canh rau cải (ở đây rất khó để tìm ra một loại rau nào khác) tràn lan cả phòng.


Xã Thành Sơn vẫn chưa có điện lưới, ngay cả thầy cô giáo cũng phải tranh thủ soạn giáo án buổi chiều nên đêm đến, cả trường chỉ sáng được đầu tối, rồi lại chìm trong những ánh nến leo lắt và ai cũng đi ngủ sớm để tiết kiệm chất đốt, đèn cầy.


Giờ ra chơi, các bé tiểu học say sưa với những trò nhảy lò cò, bắn bi


Nội trú ở những gian phòng trống


Để mùa đông đến có giường, chiếu cho học sinh, thầy Lưu Tuấn Anh, hiệu trưởng cho biết: Trường đã vận động được 2 triệu đồng, nhưng chưa biết mua cái gì với số tiền này. Huy động từ cha mẹ học sinh là điều không tưởng, bởi quá nửa số học sinh của trường là con gia đình thuộc hộ nghèo.


Hiện nay ở Quan Hoá vẫn còn nhiều xã có học sinh vẫn đi học qua sông, suối bằng cách tự chèo đò.


Mỗi buổi sáng, gần 30 học sinh của trường THCS Trung Sơn vẫn chèo đò qua sông Mã. Các em mới chỉ lớp 6, lớp 7 cũng đã tự mình chèo đò qua sông.


Được biết, ở xã Trung Sơn, vào khoảng năm 2003-2004 , xã được xây dựng một cáp treo để người dân và học sinh có thể qua sông dễ dàng. Nhưng cáp treo này chỉ sử dụng được gần một năm thì hỏng. Bây giờ, ngang qua sông chỉ còn trơ trọi đường dây cáp và móc treo vẫn còn lơ lửng. Các em đến trường trên những con thuyền ba lá và không có một chiếc áo phao, một phương tiện trợ giúp nào cho những tình huống bất trắc có thể xảy ra.


Xót xa cho những mầm non


Vào thăm lớp mẫu giáo bản Bó, xã Trung Sơn, thật xót xa khi thấy các em quần áo mỏng manh, chân không giày dép đang ê a học đếm từ 1 đến 10 theo cô giáo Hà Thị Lương, giáo viên hợp đồng và cũng là người con của bản.


"Đi học chữ với các bạn con có thích không?"- Đáp lại câu hỏi của chúng tôi là ánh mắt ngơ ngác của cậu bé lớp mẫu giáo 5 tuổi. Cô Lương giải thích: "Em chưa nói được và chưa hiểu được tiếng Kinh nhiều lắm đâu cô ạ."


Lớp mẫu giáo ở khu lẻ bản Bó của xã Trung Sơn nằm ngay trên đường giao thông xã nhưng vẫn là nhà mái tranh vách nứa


Lớp học bốn bề gió thổi. Đồ dùng dạy học cho các bé chỉ có vài con số, bảng chữ cái. Đồ chơi có lẽ là thứ mà những bé mẫu giáo ở đâu chưa bao giờ được nhìn thấy. Ngay cả ở khu trung trường chính của xã mới xây, khang trang sạch đẹp nhưng bên trong phòng học trống hoác, chưa có nổi bộ bàn ghế cho các bé, chỉ có manh chiếu rách tả tơi nằm trên nền gạch hoa lạnh lẽo. Giờ chơi, cả chục bé xúm vào tranh nhau vài quả bóng nhựa một cách đầy thích thú và hào hứng.


Những đứa trẻ lên lớp 1 chưa hiểu tiếng Kinh, chưa biết làm toán khá phổ biến ở các vùng cao Quan Hoá. Thậm chí, lên cấp 2, nhiều em học rất khó khăn vì không thể hiểu trọn vẹn văn bản, kiến thức vì tiếng Kinh không thành thạo. Ngôn ngữ sử dụng hàng ngày vẫn là tiếng dân tộc nên các em càng ít tiếp xúc với tiếng Kinh. Chính vì thế, để các em nắm được bài học trong sách giáo khoa đã là một nỗ lực rất lớn của các thầy cô giáo.


Ba xã cuối của huyện Quan Hoá vẫn còn thiếu ánh sáng điện. Điều khiện học hành của các em không có gì ngoài những cuốn sách giáo khoa được nhà trường cho mượn.




Đây là đường đi học của các em, cũng là đường giao thông chính của các xã Thành Sơn, Trung Sơn. Cứ cách khoảng 3-400m lại có một con dốc và những đoạn đường lầy lội như thế này. Đường lầy lội quá, hai em bé này may mắn vì có ông đưa đi học

Nhà nào có điều kiện, có ánh điện máy nước yếu ớt thắp sáng thì cả ngôi nhà cũng không có một chỗ học cho các em. Người dân ở đây sống chủ yếu trong nhà sàn, cả gia đình sinh hoạt chung trong một gian nhà. Vì vậy, các em không có góc học tập riêng. Đi học về, chiếc cặp sách nằm yên một chỗ để các em còn giúp đỡ gia đình, lên rừng chặt cây luồng, làm nương với cha mẹ.


Hiện tại, Quan Hoá là huyện có số lượng lớp ghép vào hàng lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Để đảm bảo quy định học sinh tiểu học đi học không quá 3 km, các trường tiểu học ở các xã vùng sâu, vùng xa, phân bố dân cư rải rác đều phải thành lập khu chính và các khu lẻ. Hầu hết, khu lẻ của các trường đều có lớp ghép.



Hầu hết các bé mẫu giáo tự đến trường một mình

Hiện nay, huyện Quan Hoá có 18 khu trường tiểu học chính và 75 khu trường lẻ. Sĩ số bình quân chỉ từ 13-15 học sinh/lớp.


Hầu hết, các khu lẻ đều rất ít học sinh, có khu lẻ chỉ có 4-5 học sinh  và phổ biến phải học lớp ghép. Năm học 2010-2011, huyện có 101 lớp ghép trong tổng số 264 lớp ở bậc tiểu học. Số học sinh đã ghép tối đa, thậm chí có lớp sĩ số lên đến 19 học sinh, trong khi quy định cho lớp ghép tối đa là 15.


Câu chuyện chất lượng vẫn là thách thức đối với giáo dục miền núi khi mà đối với người dân nơi đây, nhịp sống bình lặng, buồn tẻ, bằng lòng với hàng ngàn gốc luồng cho mỗi hộ đáp ứng ngay cái ăn tạm bợ hằng ngày.


Ở bản Pượn, lớp ghép trình độ 1-2 chỉ có 5 học sinh và phòng học của các em cảng thiếu sáng vì nằm dưới sườn đồi


Chuyện học hành và một tương lai xa hơn của con cái, như thầy Đỗ Tuấn Anh tâm sự, số lượng phụ huynh quan tâm đến điều đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Càng học càng không biết học để làm gì nên các em chán nản, bỏ bê học hành để lấy vợ, lấy chồng từ khi chỉ 14, 15 tuổi. Những tệ nạn xã hội nghiện hút, cờ bạc lại có dịp để đầu độc đời sống gia đình của những cặp vợ chồng còn đang tuổi ăn tuổi lớn.


Những em học hết lớp 9, có thể lên học cấp 3 ở thị trấn cũng không dễ dàng trụ lại để học tiếp lên cao hơn.Với giá cả sinh hoạt ở thị trấn Hồi Xuân-Quan Hoá, nhiều học sinh đã vượt khó lên học cấp 3 không chịu nổi vì gia đình khó khăn lại phải "chịu cái khó" quay trở về nương rẫy, gốc luồng của bản làng.


Theo báo cáo tình hình giáo dục và đào tạo huyện Quan Hoá năm học 2010-2011 của UBND huyện Quan Hoá, tỉnh giao biên chế cho ngành giáo dục huyện Quan Hoá là không đáp ứng nhu cầu thực tế địa phương.

Ông Phạm Bá Thuý, trường phòng giáo dục huyện Quan Hoá cho biết, thực tế đối với huyện Quan Hoá, bình quân học sinh trên lớp đối với tiểu học là 12-15HS/lớp, THCS từ 24-28HS/lớp. Vì vậy, nếu áp dụng quy định sĩ số học sinh trung bình của tiểu học 20HS/lớp để phân biên chế và giao giới hạn số hợp đồng thì huyện Quan Hoá sẽ thiếu rất nhiều giáo viên và học sinh không được học đủ 13 môn như yêu cầu hiện nay.



  • Nguyễn Hường