Vượt qua trũng sâu, chúng tôi lại gặp một vùng nâng, mực nước chỉ chưa đến 100m, đá vôi lộ ra gần ngay đáy biển. Nếu nước ở đây cạn khô hết thì vùng này trở thành dãy núi cao vời vợi, hơn 2000m so với phần đất bằng ở đáy trũng sâu. Ai đến đây nếu không nghiên cứu thì không thể biết được địa hình đáy biển kỳ vĩ đến thế. Đây là trũng Tư Chính – Vũng Mây. Những công nhân và kỹ sư của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trước đây mười năm đã tự mình điều hành khoan một giếng khoan sâu trên 3000m để nghiên cứu địa chất và tìm dầu khí ở đây. Hiện nay công việc vẫn còn đang tiếp tục.

Bài liên quan:



Qua khỏi trũng Tư Chính – Vũng Mây, tàu Bình Minh đi vào một vùng thềm nước sâu dưới hai trăm mét, trải rộng tới tận Côn Đảo ở phía Tây, được các chuyên gia dầu khí đặt tên là trũng Nam Côn Sơn. Đây là một bồn trũng giàu dầu khí, nhất là khí đốt.Trũng này có thể coi là nơi khởi đầu của ngành dầu khí biển Việt Nam. Ngày 31-8-1974, giàn khoan Ocean Prospector (Người thăm dò đại dương) của công ty Mỹ Pecten đã khoan giếng Bông Hồng 1-X, tới độ sâu 1640m.

Giếng đã gặp dấu hiệu dầu trong tầng cát có tuổi địa chất Miocen. Điều này khẳng định trong lòng đất thềm lục địa Việt Nam có dầu khí, một kết luận vô cùng quan trọng cả về mặt khoa học lẫn kinh tế. Tiếp theo giếng Dừa 1-X sâu 4.049m kết thúc vào tháng mười 1974, thử vỉa ở độ sâu trên 3.000m thu được dòng dầu 1.514 thùng/ngày và 164.000m3 khí đốt/ngày lại càng khẳng định nước ta có dầu công nghiệp, tức là có thể khai thác sản lượng lớn.

Tiếp nối với bồn trũng Nam Côn Sơn là bồn trũng Cửu Long, bao gồm cả một phần đất liền ở gần cửa sông Cửu Long, một bồn trũng giàu dầu mỏ nhất nước ta. Trước đây hai bồn trũng này gọi chung là bồn trũng Sài Gòn – Sarawak.

Bây giờ tôi đã học được khá nhiều điều nên có thể chia sẻ sâu hơn những kiến thức về dầu khí với các bạn. Nếu chúng ta có phép thần thông, quay lùi lịch sử lại khoảng bảy chục triệu năm thì có thể đi bộ từ thành phố Hồ Chí Minh sang tận Brunei và Indonesia. Hồi đó biển chưa tiến đến đây, toàn bộ đất đai đều khô ráo với những con sông từ các phía đổ về các hồ hoặc chảy tít lên phía Đông Bắc đổ vào Biển Đông cổ ở phía bắc Trường Sa.

Thế rồi do sự nứt vỡ, lún chìm của phần vỏ quả đất ở đây, biển Đông phát triển rộng ra theo hình lưỡi kiếm khổng lồ, lách dần về phía Nam. Đất sụt lún đến đâu nước biển tràn đến đấy và cách đây khoảng 40 triệu năm thì biển Đông có hình dáng gần như ngày nay. Nước các dòng sông bào mòn đất đá trên đất liền, chở về lấp đầy đáy biển. Đáy biển lại lún sâu thêm, đất đá lại tiếp tục bồi hết lớp này đến lớp khác, tạo thành những lớp đá mới đè lên lớp đá cũ, lớp thì gồm những vật liệu thô hạt, lớp lại mịn màng, chìm ngập trong nước nên gọi là trầm tích. Các loài thực vật từ hạ đẳng đến thượng đẳng, các loại sinh vật từ đơn bào nhỏ bé, đến tôm cá, động vật cao cấp sau khi chết bị chôn vùi trong các đá trầm tích đó. Nhiệt độ trong đá tăng cao, môi trường thiếu không khí. Dưới tác dụng của hoạt động vi khuẩn, các chất hữu cơ bị phân hủy, biến đổi các nguyên tố các bon (C), Hydro (H) thành phần chủ yếu của chất hữu cơ kết hợp với nhau theo các định luật hóa học mà chúng ta sẽ học trong chương trình 3 năm cuối cấp, hình thành các hợp chất đa dạng, gọi chung là các hydro cacbon. Các hydro cacbon chứa từ 1 đến 5 nguyên tố cacbon là loại nhẹ, tồn tại dưới dạng khí, gọi là khí đốt.

Các hydro cacbon chứa từ 6 nguyên tố cacbon trở lên, tồn tại dưới dạng lỏng gọi là dầu mỏ. Dầu có chứa trên 4% lưu huỳnh gọi là dầu chua, còn nếu chứa ít lưu huỳnh hơn gọi là dầu ngọt. Dầu càng chứa ít các nguyên tố cacbon trong phân tử hydro cacbon thì càng lỏng, gọi là dầu nhẹ. Còn chứa nhiều nguyên tố cacbon thì càng đặc và gọi là dầu nặng. Dầu chất lượng tốt là loại ít lưu huỳnh và nhẹ vì dễ chế biến thành xăng, dầu ít ăn mòn thiết bị, máy móc.

Còn tiếp…

  • TS. Trần Ngọc Toản (Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam)