- Tôi lấy chồng do được mai mối nên tôi cũng chưa hiểu rõ về người chồng của mình. Tôi không xinh đẹp chỉ bình thường và cũng đã 30 tuổi mới lấy chồng. Thực sự lúc đó tôi lấy chồng cũng vì mong muốn có một cuộc sống ổn định. Gia đình chồng tôi khá giả hơn gia đình tôi.

Trước khi cưới thì chồng tôi nói không đi quá giới hạn để giữ gìn sự trong trắng cho tôi cho đến ngày cưới. Khi yêu chúng tôi chỉ nắm tay không đi quá giới hạn.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tôi cứ tưởng chồng tôi giữ gìn cho tôi. Đến bây giờ chúng tôi đã kết hôn được 1 năm nhưng số lần chồng “gần gũi” chỉ đếm chưa hết 2 bàn tay. Lần nào chồng cũng viện lý do mệt, công việc rồi thoái thác. Gần đây tôi thấy trong điện thoại của chồng có tin nhắn lạ tôi sinh nghi ngờ. Tôi nghi chồng mình bị gay. Tôi đã tra hỏi nhưng anh ấy chối. Tôi rất sợ ly dị vì mang tiếng nhưng không lẽ tôi cứ phải chịu đựng. Vấn đề này rất tế nhị nhưng không lẽ cả quãng đời còn lại tôi cứ phải chịu đựng như thế? Tôi đề nghị muốn ly hôn nhưng anh ấy không cho. Bây giờ tôi muốn ly hôn phải làm thủ tục thế nào? Nếu chồng tôi không đồng ý tôi có ly hôn được không?

Luật sư Nguyễn Thành Công trả lời: Để trả lời câu hỏi của bạn, có thể xét đến hai khía cạnh, về tình và về lý.

Về tình, vợ chồng sống với nhau là nghĩa tình, là sự yêu thương đùm bọc san sẻ với nhau. Mọi chuyện giữa vợ chồng với nhau phải chia sẻ, thấu hiểu nhau thì sống với nhau mới hạnh phúc được. Bạn không thể vì một số tin nhắn lạ cùng với nghi ngờ của mình mà gán cho chồng mình bị gay. Nếu bạn nghi ngờ như vậy, hãy nói chuyện thẳng thắn với anh ấy, đừng tra hỏi gây áp lực đồng thời có thể tìm cách điều tra riêng. Khi đã nói chuyện thẳng thắn và anh ấy công nhận mình bị gay thì bạn có thể tính đến việc vẫn ở với nhau hay li dị để chồng bạn có thể sống thật với bản chất và bạn cũng được tự do tìm hạnh phúc thật sự. Bạn là phụ nữ nên có quyền có hạnh phúc thực sự trong đời sống vợ chồng lẫn quyền có con cái, tương lai. Vì vậy khi có biểu hiện cho rằng mục đích hôn nhân không đạt được cũng với nhiều sự mâu thuẫn thì ly hôn là giải pháp tốt cho cả hai. Hiện nay, xã hội đã không còn định kiến về chuyện li hôn nữa nên bạn không nên quá lo lắng.

Về lý, bạn hoàn toàn có thể đơn phương ly hôn khi chồng không đồng ý. Đơn phương ly hôn ngay kể cả khi không nhận được sự đồng ý từ vợ hoặc chồng của mình là yêu cầu chính đáng và là một trong những quyền được quy định rất rõ trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Bộ luật Dân sự 2005 và Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố Tụng dân sự năm 2013.

Điều 42 Bộ luật Dân sự 2005 và điều 51 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về Quyền ly hôn:

Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn

Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng có quy định:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Do vậy, nếu trong cuộc sống vợ chồng bạn có nhiều mâu thuẫn thì bạn hoàn toàn có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án giải quyết.

Hồ sơ xin ly hôn bao gồm:

- Đơn xin ly hôn (đơn phương);

- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

- Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng;

- Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng;

- Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (nếu có)…

- Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có).

Thẩm quyền giải quyết

Tại điểm a, khoản 1, Điều 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2011 quy định thẩm quyền xét xử về hôn nhân (không có yếu tố nước ngoài) thuộc Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của bạn là tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú. Theo thông tin của bạn thì hai người sống chung, do vậy là nơi hai vợ chồng bạn đang cư trú.

Vì vợ chồng bạn chưa có con nên khi ly hôn không phát sinh các quan hệ liên quan đến con cái. Tài sản chung được chia theo nguyên tắc tài sản chung tạo lập trong thời kỳ hôn nhân thì chia đôi, có tính đến công sức đóng góp của các bên.

Đây là quyết định mang tính quan trọng của đời người nên bạn hãy thật tỉnh táo và lý trí để xác định bản chất sự việc với đầy đủ thông tin lẫn mục tiêu cần thực hiện tránh những lỗi lầm vì sự đánh giá sai gây hối tiếc về sau.

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công - Cty Đông Phương Luật, Đoàn Ls TP.HCM

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc