Nằm sâu dưới đất ở khu vực hẻo lánh của Mỹ là kho chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Dù là biểu tượng của Chiến tranh Lạnh nhưng ICBM vẫn là nền tảng phòng thủ hạt nhân của Mỹ. Ngoài ra, dù được cất trong kho song số tên lửa này luôn ở trong tình trạng sẵn sàng 99%.
Kho tên lửa đạn đạo của Mỹ nhìn từ trên xuống trông giống một trạm khí tượng
Tại hầm ngầm ở Montana, các thành viên không quân Mỹ - những người bảo vệ vũ khí hạt nhân của Mỹ, đang chờ cuộc gọi mà họ hy vọng không bao giờ nhận được.
Khu nhà một tầng nằm cách con đường hai làn đầy ổ gà hơn chục mét ở phía đông nam thành phố Great Falls, Montana trông không có gì đáng chú ý. Đó chỉ là cấu trúc một tầng, xung quanh có hàng rào vây quanh, có một gara để xe và một cột bóng rổ ở đường vào.
Tuy nhiên, khi lại gần bạn có thể phát hiện ra những chi tiết gây tò mò: một chiếc tháp viba màu đỏ và trắng hiện ra lờ mờ, một bãi đáp trực thăng ở sân trước và một ăng ten siêu cao tần hình nón mọc trên bãi cỏ giống như một cái nấm trắng.
Nơi có kho chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ có thể là khu nghiên cứu nông nghiệp của một trường đại học hoặc một trạm khí tượng quốc gia, ngoại trừ một dấu đỏ trên hàng rào, cảnh báo mọi người nếu lén chui vào đây có thể bị bắn chết.
Một nhân viên an ninh trong nhà sẽ kiểm tra chặt chẽ tất cả những ai vào đây. Bất cứ sự sai lệch nào, thậm chí là đánh vần sai tên hoặc đọc thiếu chữ đệm của tên có thể khiến lực lượng bảo vệ đeo súng M4 và còng tay xuất hiện. Cánh cửa dày ở phía trước nhà được mở từ trên xuống để tránh bị tuyết làm nghẽn.
Phía trong, ngôi nhà trở thành một doanh trại quân sự. Phòng trung tâm là một không gian sống được chia sẻ, gồm tivi, ghế trường kỷ, ghế đôi và một loạt bàn dài dành cho nhóm người ngồi ăn tối. Tiền sảnh được chia thành nhiều phòng nhỏ với giường tầng. Các poster chính phủ treo trên tường.
Một cánh cửa chống đạn trong khu vực nhà ở sẽ dẫn tới một căn
phòng phụ nhỏ. Tại đây, người điều khiển an ninh chuyến bay (FSC) - một hạ sĩ
quan chịu trách nhiệm canh gác khu vực này ngồi cạnh một cái tủ khóa, cao hơn 3m
chứa súng ngắn M4 và M9. Hãy còn một cánh cửa khác trong phòng an ninh, cánh cửa
mà FSC và nhân viên bảo vệ không bao giờ mở ra trừ trường hợp khẩn cấp. Sau cánh
cửa này là một cầu thang dẫn tới một điểm dừng khác - 6 tầng nằm sâu dưới đất.
Dưới lớp cửa trắng là tên lửa đạn đạo
FSC nói bằng một giọng rất nhẹ nhàng qua điện thoại, trao đổi mật khẩu cần thiết để chiếc thang máy xuất hiện. Thang máy chỉ hiện ra khi người cần đi đã qua kiểm tra chặt chẽ và đứng gần cửa phòng an ninh. Cánh cửa bằng thép của thang máy được vận hành bằng tay, sau khi mở sẽ lộ ra một hộp nhỏ bằng kim loại.
Đi sâu 20m xuống dưới lòng đất chỉ mất chưa đầy một phút song đó là cả một thế giới khác. Thang máy mở, một căn phòng hình con nhộng hiện ra, tường phòng được đệm một lớp chống chấn động, có thể bảo vệ những người ở trong khỏi làn sóng chấn động mạnh do một vụ nổ đầu đạn hạt nhân ở gần đó gây ra.
Một loạt tiếng động vang rền, gợi nhớ âm thanh khung lưới sắt được kéo lên, vài giây sau một cửa sập khổng lồ được mở ra từ từ, đại úy không quân Chad Dieterle, 26 tuổi, hiện ra, tay cầm nắm đấm kim loại của cửa. Dòng chữ INDIA in trên rìa cánh cửa dày hơn 1m. Dietele mới chỉ thực hiện được 1/2 ca trực dài một ngày với tư cách là Chỉ huy Trung tâm kiểm soát phóng India (LCC India), được xây dựng từ khi cha mẹ của các thành viên không quân còn là thanh thiếu niên.
Trung tâm kiểm soát phóng India được kết nối với 50 tháp xung quanh, mỗi tháp cách khoảng 10m. Mỗi tháp chứa một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Không quân Mỹ không nói có bao nhiêu đầu đạn trong các tên lửa, nhưng mỗi tên lửa có thể đem tối đa 3 đầu đạn, mỗi đầu đạn có thể phá hủy một khu vực rộng 168km vuông vài phút sau khi phát nổ.
Nửa tiếng sau khi nhận được lệnh, Dieterle và những người trợ lý có thể chuyển số vũ khí trên tới bất cứ nơi nào trên thế giới. Yên ắng, chui sâu dưới đất kho tên lửa đạn đạo của Mỹ tại Montana là một trong những vị trí chiến lược nhất trên trái đất.
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có 2.200 đầu đạn chiến lược, có thể được triển khai trên 94 máy bay ném bom, 14 tàu ngầm và 450 tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tại sao tên lửa đạn đạo liên lục địa - biểu tượng của Chiến tranh lạnh, vẫn là trọng tâm của quốc phòng, chính trị và ngoại giao thế kỷ 21? Lý do, tên lửa đạn đạo liên lục địa là cách đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù nhanh nhất hoặc có thể phóng đủ nhanh để ngăn chặn một tên lửa khác.
- Hoài Linh (Theo Mechanics)