- Số vụ trộm cắp điện được Tổng công ty điện lực TP.HCM phát hiện trong những năm gần đây gia tăng đáng kể. Đã có trên 2.600 biên bản được lập thất thoát 18triệu kWh/năm tương ứng với 32 tỉ đồng.

Sáng 15/9, ông Nguyễn Tự Hùng, giám đốc công ty Điện Lực Tân Bình nhìn nhận những phương thức trộm điện ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn.

Trong phạm vi công ty quản lý, trong năm 2010 và 8 tháng đầu năm 2011 đã có 175 trường hợp vi phạm được phát hiện trong đó có đến 40% dùng nam châm để làm chậm tốc độ đo đếm của đồng hồ.

Trường hợp nổi cộm nhất là vụ khách sạn Hiệp Minh ở số 26 Bế Văn Đàn (P.14, Q. Tân Bình) đã sử dụng nam châm để trộm 800.000kWh điện thành tiền lên đến 1,7 tỉ đồng. Vụ việc hiện đang được đưa ra tòa án để giải quyết.

 

Máy tạo dòng kết hợp với dây nguội sẽ làm chậm tốc độ đo đếm


Ngoài cách dùng nam châm, nhiều khách hàng còn dùng thiết bị tạo dòng kết hợp với dây nguội để làm sai lệnh đo đếm. Những chiếc máy tạo dòng này được dấu kín ở những vị trí khó tìm trong nhà nên đoàn kiểm tra rất khó phát hiện.

Ngoài ra, niêm chì bị cắt để thay đổi một số kết cấu trong đồng hồ hoặc đục thủng lổ ở vỏ bọc đồng hồ dùng que chặn đĩa xoay, tất cả đều không thể bắt tận tay để xác định thủ phạm.

Ông Hùng cho biết thêm hiện nay ngoài thị trường đã có bán và trên thông tin đại chúng cũng đã có quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện.

Hiện chưa biết hiệu quả của thiết bị này như thế nào nhưng nếu thiết bị này có tác dụng làm chậm đồng hồ thì không còn tính năng tiết kiệm mà ngược lại đó là thiệt bị trộm điện.

Đồng hồ có thể bị cắt niêm chì thay đổi kết cấu, khoan thủng vỏ để chèn cây là những thủ đoạn trộm điện phổ biến hiện nay

Cũng như các công ty điện lực khác trong thành phố, việc trộm điện đang là vấn nạn nhức nhối của toàn ngành điện. Trong khi đó các biện pháp chế tài còn nhiều vướng mắc khiến cho công tác kiểm tra điện khó hoàn thành.

Vấn đề hiện nay nhà nước đang kêu gọi toàn dân tiết kiệm trong khi sử dụng điện. Tiết kiệm không có nghĩa là làm giảm tốc độ đo đếm của đồng hồ mà phải có biện pháp tích cực hơn như dùng ít hơn, sử dụng các thiết bị không hao điện và hạn chế những máy móc tiêu hao điện không cần thiết. . .

Trần Chánh Nghĩa