Năm 2007, Jason Belvis - một công dân Philippines 35 tuổi nuôi 2 đứa con bằng những thức ăn nhặt được trong các bãi rác khổng lồ quanh Manila. 7 năm sau, anh trở thành một nhân viên phân phối hàng có thu nhập 750 Php/ 1 ngày, được ký hợp đồng lao động dài hạn, và có thể được hỗ trợ tài chính nếu gặp phải biến cố y tế, tai nạn...; hai đứa con của anh được đến trường với những bữa ăn giàu dinh dưỡng. Hàng trăm người vô gia cư như Jason Belvis đã có cơ hội đổi đời như vậy nhờ sự hỗ trợ của một trong những doanh nghiệp xã hội nổi tiếng nhất Philippines có tên Human Nature.

Những doanh nghiệp xã hội hàng đầu

Sứ mệnh của doanh nghiệp này là giúp đỡ những người dân nghèo, người vô gia cư, người dân vùng sâu vùng xa của Philippines. Từ lúc thành lập vào năm 2008, đến nay, Human Nature đã trở thành một trong những thương hiệu cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm hữu cơ hoàn toàn từ thiên nhiên. Thu mua nguyên liệu từ chính những người nông dân ở các ngôi làng Gaward Kalinga giúp họ có được nguồn thu ổn định, tạo việc làm với mức lương cao hơn thu nhập trung bình cho nông dân và công nhân nhà máy. (36% lao động ở vùng Gawad Kalinga với mức thu nhập thấp nhất Php750/ngày, cao hơn mức thu nhập thấp nhất của Philippines (Php 450/ngày)

{keywords}

{keywords}
Những người nông dân Philippines tham qua quá trình làm giàu cùng các doanh nghiệp xã hội

Một phần doanh thu từ việc bán hàng sẽ được doanh nghiệp dùng để hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình khi cần thiết, cung cấp các khóa đào tạo cho người lao động, tạo ra những khoản hỗ trợ cho những người nông dân mới tham gia vào dự án… Bên cạnh đó, những sản phẩm của doanh nghiệp còn giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người tiêu dùng. Đây chính là những lợi ích mà Human Nature đang mang lại cho xã hội.

Ngoài ra, chuỗi cửa hàng của Human Nature còn hỗ trợ phân phối và bán những sản phẩm của một số các doanh nhân xã hội trẻ khác như nước hoa quả tự nhiên chiết xuất từ cây xả và chanh, đồ chơi thú bông an toàn, nguồn thực phẩm an toàn được cung cấp từ người nông dân ở các ngôi làng Gaward Kalinga

Bên cạnh Human Nature, Got Heart Foundation cũng là là một tổ chức phi lợi nhuận, hướng tới việc hỗ trợ những cộng đồng nông dân gặp khó khăn ở Philippines. Got Heart Foundation cung cấp cho người nông dân những khóa đào tạo kỹ thuật nuôi trồng cần thiết, hỗ trợ họ nền tảng cơ sở ban đầu, từ đó hướng tới một sinh kế bền vững.

Với sự hỗ trợ của Got Heart, những trang trại nông sản hữu cơ đã được thành lập. Melissa Yeung, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Got Heart cho biết : "Hơn 100 cộng đồng nông dân, mỗi cộng đồng từ 2 đến 3 hộ gia đình đã tham gia vào hoạt động của Got Heart. Họ chính là những người sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho con người, thân thiện với môi trường". 

{keywords}
Melissa Yeung, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Got Heart 

Ngoài ra, "Got Heart sẽ tập huấn cho họ những kỹ năng cần thiết như xử lý phân bón bằng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, quy trình sản xuất hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất, không thuốc trừ sâu. Những sản phẩm này sẽ được Got Heart thu mua và bán trực tiếp tại cửa hàng của mình, như vậy người nông dân sẽ tối đa hóa được lợi nhuận thay vì bán cho các thương lái trung gian. Với Got Heart, lợi nhuận thu được từ việc bán hàng sẽ giúp doanh nghiệp có thể tái đầu tư vào việc hỗ trợ cho người nông dân" - cô nói thêm

Với mong muốn tiếp tục mở rộng và duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, Melissa Yeung đã quyết định mở một nhà hàng mang tên Earth Kitchen – đây chính là nơi sẽ tạo đầu ra tốt nhất cho các sản phẩm của người nông dân, đồng thời cũng là kênh quảng bá hiệu quả cho những nông sản đó. Người tiêu dùng cũng sẽ được thưởng thức những nguồn thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe. Earth Kitchen sẽ là nơi tạo ra lợi nhuận để Got Heart có thể dùng lợi nhuận đó, tiếp tục mở rộng việc hỗ trợ cho nhiều cộng đồng người nông dân ở nhiều nơi khác.

Trong đất nước gần 100 triệu dân này, còn có tới 25% dân số sống dưới mức nghèo đói, những túp lều, những khu ổ chuột, những người vô gia cư xuất hiện ở rất nhiều nơi. Những người khốn khổ này – họ cần có một điều kiện sống tối thiểu, cần được đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống, họ cần có một căn nhà – đó chính là điều mà Tony Meloto luôn tâm niệm trong đầu. Ông quyết định hướng đến những điều tốt đẹp với tinh thần của một doanh nhân xã hội.

Năm 1999, căn nhà đầu tiên của dự án Gawad Kalinga GK được xây dựng. Gawad Kalinga trong tiếng Philippines có nghĩa là “mang đến sự chăm sóc”. Một cộng đồng Gaward Kalinga đã được hình thành từ nhiều nguồn kinh phí do Tony mang tới. Tại những ngôi làng mang tên Gaward Kalinga, những người dân vô gia cư được cung cấp nhà ở, họ được đào tạo kỹ năng sản xuất, được đào tạo việc làm để tự trang trải cuộc sống, những đứa trẻ được giáo dục đầy đủ, và những tình nguyện viên của GK luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ họ.

Cho tới nay, GK đã xây dựng được gần 22.000 ngôi nhà, hơn 1200 ngôi làng GK được hình thành không chỉ ở Philippines mà còn ở một số quốc gia đang phát triển như Papua New Guinea, Campuchia và Indonesia.

{keywords}
Ngôi làng Gawad Kalinga và giấc mơ 5 triệu hộ gia đình Philippines thoát nghèo vào năm 2024 của Tony Meloto

Tony Meloto đã thực sự trở thành một người cha vĩ đại không chỉ của cộng đồng Gawad Kalinga mà còn với cả nhiều doanh nghiệp xã hội Philippines. Với người đàn ông đã gần 65 tuổi này, đích đến của ông dường như vẫn còn rất xa – ông hy vọng rằng đến năm 2024, 5 triệu hộ gia đình ở Philippines sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói. Chính vì thế, Tony Meloto hiểu rằng ông cần truyền cảm hứng của mình tới thế hệ trẻ, tới hàng trăm và hàng ngàn tình nguyện viên trong cả nước và thế giới, tới các doanh nhân và doanh nghiệp xã hội để cùng hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ sau.

Dù là một người rất bận rộn nhưng Tony Meloto luôn dành cho mình một khoảng thời gian riêng vào mỗi buổi tối thứ 4 hàng tuần tại Manila. Trong không gian của quán café Enchanted Farm, ông sẽ ngồi lắng nghe, chia sẻ với những doanh nhân xã hội trẻ. CSI night là một sự kiện được tổ chức hàng tuần, quy tụ sự tham gia đông đảo của rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp xã hội. Tất cả những vấn đề về doanh nghiệp xã hội sẽ được đưa ra chia sẻ, từ một ý tưởng kinh doanh mới cho đến những vấn đề thách thức đối với doanh nghiệp xã hội. Và Tony Meloto luôn là người truyền cảm hứng cho những bạn trẻ tại mỗi sự kiện như thế này.

Phong trào doanh nghiệp xã hội rộng lớn

Dùng lợi nhuận có được để tái đầu tư với cam kết hỗ trợ người nghèo, thúc đẩy cộng đồng phát triển, hơn 80 nghìn doanh nghiệp xã hội ở Philippines với tầm phủ sóng ở khắp các lĩnh vực như y tế, sức khỏe, giáo dục, du lịch, tiêu dùng, mỹ phẩm.. đang trở thành một phong trào xã hội mạnh mẽ ở Philippines.

{keywords}
Từ ngày 16 đến 22/3/2014, Hội đồng Anh Việt Nam đã tổ chức một chuyến tham quan về mô hình doanh nghiệp xã hội Philipines cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và nhà báo Việt Nam 

Để có được phong trào DNXH mạnh mẽ, ngoài ý thức, trách nhiệm của mỗi doanh nhân đối với cộng đồng, xã hội, các DNXH ở Philippines còn được nuôi dưỡng và hỗ trợ lẫn nhau bởi một mạng lưới liên kết rộng lớn, hiệu quả. Go Negosyo - một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như đào tạo, tư vấn kế hoạch khởi sự, kinh doanh...

Bên cạnh đó, trung tâm SEDPI thuộc ĐH Antenio là một tổ chức hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động doanh nghiệp xã hội như đào tạo, tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp. SEDPI có khoảng 3000 tổ chức phát triển tiếp cận một hệ thống cộng đồng kết hợp với khoảng 6 triệu hộ gia đình tại 22 quốc gia trên toàn thế giới. Ngoài ra còn có Ashoka là tổ chức hàng đầu hỗ trợ DNXH của thế giới đã khai trương hoạt động ở Philippines và hiện đang bởi dẫn dắt bởi ngày cựu thứ trưởng tài nguyên – môi trường ở nước này. Tổ chức này chuyên cung cấp hỗ trợ vè tài chính và kết nối DNXH ở Philippines với các mạng lưới toàn cầu DNXH của AShoka.

Các mô hình quán café DNXH cũng phát triển mạnh ở Philipines , tiêu biểu câu lạc bộ DNXH thuộc tổ chức Gawad Kalinga họp vào tối thứ 4 hàng tuần ở quán Café Enchanted - nơi học sinh, sinh viên, những người trẻ hoặc người nước ngoài, người dân lao động ở Manila có thể đến chia sẻ các ý tưởng, kế hoạch thành lập DNXH với những người trẻ khác, qua đó, nhận thêm được các lời khuyên, có thể là sự hợp tác hoặc hỗ trợ tài chính để khởi nghiệp.

Hội đồng Anh Philippines cũng là một tổ chức hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển DNXH ở Phillipines thông qua những hoạt động như cuộc thi "Changemaker", các cuộc hội thảo, chuyến thăm quan, liên hết hoạt động của các DNXH.

Thu Phương

(còn tiếp)

"DNXH là những doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tối cao là phát triển xã hội hay bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phương thức hoạt động như một doanh nghiệp. Tùy theo từng quốc gia, DNXH có thể có các hình thức pháp lý khác nhau: tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, hợp tác xã hay các doanh nghiệp tư nhân" - Bà Phạm Kiều Oanh - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP)