Theo đài RT, ông Putin tiết lộ thông tin trên tại cuộc gặp lãnh đạo của các cơ quan thông tấn quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 5/6. “Chúng tôi không ảo tưởng về vấn đề này”, ông Putin nói thêm, lặp lại những bình luận trước đó rằng quân đội Ukraine có thể trực tiếp tập kích, nhưng Mỹ và các đồng minh đang cung cấp thông tin tình báo và dữ liệu mục tiêu cho họ.
Theo lãnh đạo Điện Kremlin, Nga sẽ đáp trả bằng cách tăng cường hệ thống phòng không và phá hủy các tên lửa thù địch. Moscow cũng có thể cung cấp các vũ khí tương tự cho những vùng xung đột khác trên thế giới để họ sử dụng tấn công “các địa điểm nhạy cảm” của những nước viện trợ cho Ukraine.
Ông Putin mô tả đó là “phản ứng tương xứng”, đồng thời cảnh báo nếu phương Tây tiếp tục leo thang hành động, điều này “sẽ phá hủy hoàn toàn quan hệ quốc tế và làm suy yếu an ninh toàn cầu”.
“Nếu chúng tôi thấy các quốc gia này đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến chống chúng tôi và đây là sự tham gia trực tiếp của họ vào cuộc xung đột chống Nga, chúng tôi có quyền hành động theo cách tương tự. Đây là công thức cho những vấn đề rất nghiêm trọng”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Ông Putin cũng đề cập đến thực tế là một số chuyên gia đào tạo và cố vấn quân sự từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được triển khai tới Ukraine và một vài người trong số họ đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga.
Mỹ và các đồng minh lâu nay quả quyết việc cung cấp vũ khí và thiết bị cho Kiev không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời duy trì một số hạn chế nhất định đối với việc các lực lượng Kiev sử dụng những khí tài viện trợ đó. Tuy nhiên, vào tháng trước, khi quân đội Nga bắt đầu tiến về Kharkiv, Ukraine đã yêu cầu nới lỏng các quy định trên. Một chiến dịch gây áp lực do Anh dẫn đầu cuối cùng đã dẫn đến việc Washington tán thành mong muốn của Kiev.