Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Der Standard của Áo, đăng tải hôm 3/6, ông Grossi nhấn mạnh sự phụ thuộc đáng kể của EU vào uranium và nhiên liệu hạt nhân của Nga. Quan chức này lưu ý, một số nước thành viên liên minh thậm chí phụ thuộc tới 40% vào nguồn cung từ xứ sở bạch dương.

Lãnh đạo IAEA cho rằng, không giống như với than và khí đốt, hiện không có cách nào nhanh chóng để thoát khỏi nhiên liệu hạt nhân của Nga và việc cắt đứt quan hệ quá sớm sẽ gây tổn hại cho thị trường năng lượng toàn cầu.

lanh dao IAEA.jpg
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi. Ảnh: Sputnik

Ông Grossi đưa ra khuyến cáo trong bối cảnh EU đang nhắm mục tiêu thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine trước tháng 7. Liên minh đang xem xét áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá lên tới 42 tỷ Euro từ Nga, bao gồm cả nhiên liệu nguyên tử.

Cho đến nay, EU vẫn chưa trừng phạt lĩnh vực hạt nhân của Nga, bao gồm cả tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosatom, bất chấp yêu cầu liên tục từ Kiev cũng như các nước thành viên của khối là Lithuania và Ba Lan. Động thái cũng bị một số nước EU phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân của Nga ngăn chặn.

Doanh số bán nhiên liệu và công nghệ hạt nhân của Nga tăng vọt vào năm 2022 khi nhập khẩu của các nước EU tăng lên mức cao nhất trong 3 năm. Rosatom thống kê, các nước EU bao gồm Bulgaria, CH Séc, Hungary và Slovakia đang tiếp tục mua nhiên liệu lò phản ứng từ Nga.

Italia gửi thêm hệ thống phòng không cho Ukraine

Báo Pravda của Ukraine hôm 3/6 dẫn lại thông tin do truyền thông Anh đăng tải cho biết, Italia đang lên kế hoạch chuyển giao hệ thống phòng không SAMP/T thứ 2 cho Kiev theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky để phòng vệ trước các vụ tấn công tên lửa của Nga. Theo một nguồn thạo tin, hệ thống phòng không này đang ở Kuwait và hiện chưa có thời gian biểu cụ thể cho việc chuyển giao nó.

he thong phong khong SAMP T.jpg
Hệ thống phòng không SAMP/T. Ảnh: pravda.com.ua

Cùng ngày, tờ Corriere della Sera của Italia đưa tin, hệ thống SAMP/T dự kiến nằm trong gói viện trợ quân sự thứ 8 của Rome cho Kiev. Chính phủ của Thủ tướng Italia Giorgia Meloni sẽ chính thức thông qua gói viện trợ mới sau hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào giữa tháng này.

Ukraine đã nhận được tổ hợp SAMP/T đầu tiên  vào năm 2023. Hệ thống phòng không do Pháp – Italia hợp tác phát triển này có khả năng theo dõi hàng chục mục tiêu và đánh chặn 10 mục tiêu cùng lúc. Đây cũng là hệ thống duy nhất do EU sản xuất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.