- Nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, song dư chấn của nó vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, thách thức, buộc Chính phủ các nước phải nỗ lực, tìm mọi giải pháp để khắc phục.

Hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 làm toàn khối OECD có 25 triệu người mất việc. Hy Lạp bị khủng hoảng nợ công (tháng 4/2010) và Ireland (tháng 1/2010) cũng vậy, buộc Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải cứu trợ 110 tỷ euro cho Hy Lạp, 85 tỷ euro cho Ireland. Một số nước khác như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí cả Italy cũng có số nợ công và tỷ lệ bội chi ngân sách cao, được dự báo có khả năng như Hy Lạp,

Nước Mỹ, nền kinh tế mạnh số 1 thế giới cũng gặp không ít khó khăn trong năm 2010. Cục Dự trữ liên bang Mỹ phải bỏ ra 600 tỷ USD mua lại trái phiếu chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển. Tập đoàn chế tạo ô tô của Mỹ General Motors (GM), Chính phủ cũng phải cứu trợ nhiều tỷ USD mới hồi phục. Có thể nói General Motors là tập đoàn của nhà nước quản lý vì Nhà Trắng nắm tới 61% cổ phần (lưu ý, năm 2008, Chính phủ Mỹ đã phải tài trợ cho GM 50 tỷ USD). Thâm hụt ngân sách của Mỹ lên đến 1200 tỷ USD và tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2010 là 9,7%. Điều đó buộc Chính phủ Mỹ phải cải cách tài chính Phố Wall. Ngày 4/12/2010, Chính phủ Mỹ phải ra chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm thêm 800 tỷ USD cho nền kinh tế. Nhờ vậy, nền kinh tế Mỹ năm 2010 mới tăng trưởng 2,6%.

Trung Quốc, một nước mới nổi lên thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, lạm phát cũng tăng cao nhất trong vòng 28 tháng qua là 5,1% vào tháng 11/2010, buộc chính phủ Trung Quốc phải chuyển hướng chính sách tiền tệ trong những năm tới.

Sự biến đổi khí hậu gây ra thiên tai lũ lụt, dịch bệnh làm thiệt hại kinh tế không nhỏ đối với nhiều nước. Nạn khủng bố gia tăng, nhưng căng thẳng bất đồng giữa một số nước lớn nảy sinh : Mỹ - Nga, Trung - Nhật, Trung - Mỹ, Trung - Ấn; đặc biệt là căng thẳng giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên ở nguy cơ báo động về chiến tranh..., đấy là không nói đến những tranh chấp nảy sinh ở Biển Đông...


Tất cả những biến động đó đều đổ ập vào Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao? Liệu Việt Nam có giữ vững được đường lối độc lập, tự chủ và chính sách đa dạng hóa,  đa phương hóa trong quan hệ ngoại giao? Trong khi năm 2010, Việt Nam lại diễn ra nhiều sự kiện lớn.

Tất cả những nguy cơ thách thức đan xen trong và ngoài nước tạo nhiều áp lực lên nội các của Thủ tướng. Liệu Thủ tướng có dám làm, dám quyết, dám chịu trách nhiệm để giữ được chính kiến trong những quyết sách của mình? Một lần nữa lịch sử lại thử thách bản lĩnh, năng lực của người đứng mũi chịu sào lái con thuyền đất nước.

Thực tế, Thủ tướng cùng nội các của ông đã vượt qua được một năm đầy sóng gió, trắc trở giữ cho đất nước ổn định được kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao, đạt 6,78%, hơn kế hoạch đặt ra (6,5%) và cao hơn khá nhiều so với năm 2009 (5,32%).

Nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao đã làm nền tảng vững chắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc giữ vững được đường lối độc lập tự chủ của dân tộc trên mọi lĩnh vực, bảo vệ được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc, an ninh quốc phòng ngày càng được củng cố, nâng cao chất lượng trang thiết bị, kỹ thuật cho các binh chủng sẵn sàng chiến đấu, trật tự xã hội được đảm bảo, an ninh xã hội  ngày càng hòan thiện, đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.168USD, đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình. Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và Việt Nam được các đối tác ngày càng tin cậy, mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Trong cuộc hội thảo "Kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2010" diễn ra tại thành phố Cần Thơ trong năm, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã nhận xét: "Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục và Việt Nam là một trong những nước ở khu vực châu Á có tốc độ tăng trưởng khá nhanh sau cuộc khủng hoảng". Đây là một đánh giá khoa học, khách quan khẳng định thành tựu của chính phủ đối với đất nước.

Nhìn vào 21 chỉ tiêu của Nghị quyết Quốc hội đặt ra, ta thấy Chính phủ đã đạt và vượt kế hoạch 15 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu chủ yếu, góp phần quan trọng hòan thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm (2006-2010), tạo niềm phấn khởi trong năm kỷ niệm nhiều sự kiện lớn của đất nước.

Nhờ vậy, vốn FDI thực hiện trong năm 2010 đạt 11 tỷ USD so với 2009. Điều này chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, vốn thực hiện dự án của các nhà đầu tư nước ngoài là 8 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2009. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng đạt kết quả tích cực là 38,8 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu là 36,4 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu nước ngoài đạt tới 2,24 tỷ USD giúp cho cải thiện cán cân thương mại cũng như giảm áp lực nhập siêu. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là thế mạnh và thu hút khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là 385 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt trên 4 tỷ USD và 199 dự án tăng vốn thêm là 1,1 tỷ USD. Như vậy tổng vốn đầu tư mới và thêm vốn là 5,1 tỷ USD.

Điều đáng mừng là đầu tư FDI đã chuyển dịch từ công nghệ thấp sang công nghệ cao và xuất khẩu nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xanh cao. Thu ngân sách đạt trên 66.600 tỷ đồng, vượt 14,4% so với dự toán, trong đó thu nội địa đạt 64% tổng thu ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách giảm 0,4 còn 5,8% so với dự tính là 6,2%. Việc giải ngân các nguồn vốn tốt hơn năm 2009, giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt 92-95%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 100%.

Trong lĩnh vực xã hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới khu vực nông thôn, nhất là đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ Chính phủ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo địa chỉ cụ thể nên đã giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 9% so với tỷ lệ 11,3% của năm 2009, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người. 62 huyện nghèo nhất đã cơ bản xóa nhà dột nát cho hộ nghèo. Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai tốt, vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trên 25% so với cuối năm 2009. Hệ thống đường, điện, trạm đã được triển khai tới các bản vùng xa, chấm dứt nạn cầu khỉ. Cụ thể, Chính phủ đã chi cho công tác an ninh xã hội 72.120 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2009, chi cho khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh là 5.400 tỷ đồng. Xuất dự trữ quốc gia không thu tiền trên 81.400 tấn gạo cứu trợ cho nhân dân vùng thiếu đói, thiên tai...

Các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, văn hóa thể thao... ngày càng được chính phủ quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Công tác bảo vệ môi trường trong việc biến đổi khí hậu được Chính phủ đặc biệt quan tâm chú trọng như đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện kế hoạch hành động, xử lý nghiêm, dứt khoát với các hành động, gây ô nhiễm môi trường và đề ra các biện pháp khắc phục có hiệu quả.

Sở dĩ các lĩnh vực trên được giải quyết nhanh, có hiệu quả là nhờ công tác cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo sát sao, đã đơn giản hóa 257 thủ tục hành chính thuộc những lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp như hải quan, công chứng, xây dựng... có ý nghĩa chính trị xã hội lớn, làm cơ sở cho việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch hóa chính sách, thủ tục, giảm phiền hà cho dân và các tổ chức kinh tế.

Cùng với thắng lợi của các tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội công tác đối ngoại đã gặt hái những thành công nổi trội để lại một ấn tượng đẹp về Việt Nam trong lòng bạn bè và nhân dân thế giới - một Việt Nam kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, chủ động, sáng tạo đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ ngoại giao, sẵn sàng hợp tác với các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế; góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Đó là một Việt Nam nhất quán trong hành xử theo luật pháp và thông lệ quốc tế để giải quyết các vấn đề mới nảy sinh có tính khu vực và tòan cầu.

Sau thành công của nhiệm kỳ làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an  Liên hợp quốc lần thứ 65, Việt Nam đã có tiếng nói sâu rộng, thuyết phục được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia.

Chính phủ Việt Nam lại tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 trong bối cảnh dư chấn của khủng hoảng kinh tế thế giới và sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố tòan cầu. Một lần nữa Việt Nam lại thành công lớn trong năm làm Chủ tịch ASEAN.

Với cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng nước ta đã chủ động tổ chức điều hành hàng loạt hoạt động của tổ chức này, điển hình là Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị khác như: Hội nghị những người đứng đầu các cơ quan An ninh của các nước ASEAN (MACOSA), lần thứ nhất tại Hà Nội.

Đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất tại Hà nội (12/10/2010) với 8 nước đến tham gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia cũng là lần đầu tiên hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam thăm chính thức lẫn nhau để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên, là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Với chủ đề "Hướng tới cộng đồng ASEAN từ tầm nhìn đến hành động", nước ta với cương vị Chủ tịch ASEAN đã chủ động, khéo léo hướng ASEAN đi vào hành động thực tế, mở ra một cục diện mới cả trong nội bộ ASEAN cũng như các Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á và các đối tác khác. Trong đó nổi bật là sự có mặt của Tổng thư ký Liên hợp quốc và các nước: Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Australia... và là lần đầu tiên cùng có mặt cả hai đối tác Nga và Mỹ. Đặc biệt chúng ta đã mời được cả Nga và Mỹ tham gia ASEAN vào năm sau.

Có thể nói, Việt Nam đã góp phần củng cố, mở rộng được khối ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực cũng như thế giới.

Sự có mặt của Việt Nam tại G20, đã nói lên vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các diễn đàn Liên hợp quốc, ASEAN, WTO...

Quan hệ giữa Việt Nam với EU, giữa Việt Nam với châu Mỹ Latinh, giữa Việt Nam với châu Phi được nâng lên tầm cao mới thông qua các chuyến thăm hữu nghị song phương của các nguyên thủ và nhiều hiệp định được ký kết...

Rõ ràng năm 2010, Việt Nam đã thắng lợi rực rỡ trong công tác đối ngoại để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của lương tri nhân loại yêu hòa bình, bao dung và bác ái.

Thắng lợi toàn diện của Việt Nam trong năm qua, trước hết là nhờ truyền thống dân tộc, nhờ công lao của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để lại một gia tài vô giá là lòng yêu nước để hun đúc nên con người Việt Nam hôm nay biết xả thân vì nghĩa lớn, vì đại cuộc, bỏ qua những hiềm tỵ...

Thắng lợi này là công lao to lớn của toàn dân đã gắng sức bơi chèo cho Chính phủ yên tâm cầm lái đưa con thuyền đất nước vượt qua một năm đầy sóng gió, trong đó có công lao không nhỏ của người đứng mũi chịu sào: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Năm mới đã tới. Sáng nay trời lạnh. Sương giăng. Trước mắt vẫn còn đầy những tiềm ẩn, thách thức. Tôi viết vài dòng cuối bài thay cho lời chúc đầu năm. Tôi tin những người sắp được giao trọng trách sẽ vượt qua được mọi thử thách bởi  nhân dân luôn hết lòng ủng hộ những việc làm đúng đắn nhằm có lợi cho dân, cho nước.

Ánh Hồng