"600 nghìn cho 1 phòng đơn và 1.2 triệu với phòng đôi, nhà nghỉ vẫn hết phòng vào dịp Đại lễ. Biết là bị đem ra “chặt chém”, nhưng “1000 năm mới có 1 ngày”, khách hàng vẫn gật đầu chấp nhận những mức giá cắt cổ ấy" - nỗi lòng của một đôi tình nhân khi "săn" nhà nghỉ trong đêm đại lễ

Muôn nẻo đường…săn nhà nghỉ

Đêm 9/10,sau khi bon chen, lượn phố ngắm cảnh đường Hà Nội rực rỡ sắc màu, chẳng mấy chốc đồng hồ đã điểm giờ G. Ở hầu hết các phòng trọ đều có quy định rõ ràng về "giờ giới nghiêm” nên nhiều bạn trẻ đi chơi quá đà bỗng trở thành “vô gia cư”.

Không chọn phương án nằm trên vỉa hè, bãi cỏ hay ghế đá để đón chờ đoàn diễu hành ngày 10/10, một số bạn trẻ, nhất là các đôi uyên ương đã chọn điểm dừng chân tiếp theo lý tưởng hơn: …nhà nghỉ.

Mô tả ảnh.
Nhà nghỉ cháy phòng

Gần 1h sáng, dạo quanh một loạt các con phố được mệnh danh “phố nhà nghỉ” như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Duy Hưng, Hoàng Quốc Việt, chúng tôi đều được thông báo rằng đã kín phòng. Một số nhà nghỉ vốn có truyền thống để đèn thâu đêm giờ cũng tối thui. Nhiều nhà nghỉ còn cẩn thận treo hẳn tấm biển có đề chữ “HẾT PHÒNG” ngay ngoài cửa hoặc lối ra vào ngõ để tránh bị làm phiền.

Lòng vòng mãi ở khắp các tuyến phố lớn nhưng đều đã kín phòng, chúng tôi bắt đầu xâm nhập vào các ngõ nhỏ. Nhưng tình hình cũng chẳng khả quan hơn.

Hàng tiếng sau, chúng tôi mới tìm được nhà nghỉ H.H, ở phố Nguyễn Khánh Toàn còn bật đèn sáng trưng, cửa mở toang, báo hiệu…còn phòng. Ghé vào hỏi mấy người lễ tân đang ngồi ngoài thềm, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời là đã hết phòng từ lúc… chập tối.

Trong hành trình này, chúng tôi cũng bắt gặp không ít đôi uyên ương đang cố gắng đi tìm một nhà nghỉ còn chưa kín phòng. Nhưng tất cả đều ngán ngẩm quay xe ra sau chưa đầy 2 phút. Họ bắt buộc phải tìm chỗ khác, dù biết chắc rằng cơ hội để có một chỗ tá túc lúc đêm khuya cũng chẳng dễ dàng gì.

Có đôi, còn cố tạo cơ hội, bằng cách đứng trước cửa nhà nghỉ, gọi hỏi với vào trong. Dù nhà nghỉ đã tắt điện tối thui, nhưng tại không thấy treo biển “hết phòng”, nên nhiều cặp đôi vẫn hi vọng vào 1% may mắn?? Nhưng cuối cùng, bạn nam lại dắt xe quay ra, còn cô gái đi cùng thì thở dài ngao ngán.

“Chém” không … nương tay

Các chủ kinh doanh nhà nghỉ luôn biết chớp thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để “tăng doanh thu”, với chiêu thức duy nhất là tăng giá vào các dịp lễ, Tết. Bởi những ngày ấy, cung luôn kém xa cầu.

Mô tả ảnh.
Chủ tha hồ "chặt chém" - (Ảnh minh họa)

“Vào những ngày lễ, tết như Noen, tết Nguyên đán….hầu như phòng đều kín từ chập tối, mà vào ngày này giá phòng đều tăng. Vì thế, chỉ mong, một năm, có vài chục cái ngày lễ tết thế này…” - chị C, chủ một nhà nghỉ ở Thụy Khuê nói.

Theo mức giá phổ biến ở các nhà nghỉ vào những ngày bình thường, giá mỗi phòng dao động từ 120-150 nghìn/1phòng đơn/1đêm (11h hôm sau trả phòng). Còn với phòng đôi, giá có thể dao động từ 200-250 nghìn/1 đêm. Còn vào dịp lễ, tết, các nhà nghỉ “đồng lòng” thực hiện chính sách 1 giá áp dụng chung, nên “thượng đế” ít có cơ hội lựa chọn hay mặc cả.

Lợi dụng cơ hội chúng tôi không tìm được phòng, anh chủ nhà nghỉ H. H (phố Nguyễn Khánh Toàn) còn gợi ý: “Tầng trên cùng nhà anh cũng nhỏ thôi nhưng chắc là đủ để 2 em ngủ qua đêm nay đấy. Trên đấy phòng bé nên anh để đồ nhưng vẫn đầy đủ giường chiếu.

Anh lấy giá hữu nghị là 200 nghìn/1 đêm thôi. Giờ này mà các em tìm phòng thì còn lâu mới có. Nhà nghỉ anh có 10 phòng mà còn hết từ chập tối, các nhà nghỉ nhỏ hơn có khi còn hết từ… chiều”.

Lấy lý do phòng đắt nên chúng tôi từ chối ra về. Lúc đi đường có bác taxi còn gọi với: “Tìm phòng giờ này không có đâu, các cháu có thích thì bác cho mượn hàng ghế sau mà ngủ”. Có lẽ do giá cả “cắt cổ” và hết phòng sớm nên khu vực xung quanh các nhà nghỉ này vẫn xuất hiện những đôi nam nữ nằm co ro ngủ ở một góc thềm các căn nhà bên cạnh.

Đồng loạt tăng giá để chặt chém khách hàng, chiêu thức này đã không còn xa lạ gì với các chủ nhà nghỉ. Nhưng với mức giá đội lên tới hơn 1 triệu/1 phòng đôi thì quả thực giá nhà nghỉ dịp Hà Nội 1000 năm còn “cắt cổ” hơn dịp Noel và Tết Nguyên Đán.

  • Diệu Linh - Đinh Thùy