Mặc dù Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu không có con cái nhưng hai người đã dành rất nhiều tình thương yêu cho những đứa con của các liệt sỹ. Có thông tin cho rằng vợ chồngChu Ân Lai đã nuôi nhận hàng chục đứa trẻ như thế nhưng có hai người được quan tâm nhất đó là Tôn Duy Thế và Lý My.

Tôn Duy Thế (giữa)

Tôn Duy Thế là con gái của liệt sỹ Tôn Bính Văn còn Lý My là con gái của liệt sỹ Lý Thiểu Thạch. Cả hai cô gái này đều được Thủ tướng Chu Ân Lai nhận làm con nuôi và họ cũng gọi vợ chồng Chu Ân Lai là cha, mẹ nuôi.

Cha của Tôn Duy Thế hy sinh khi cô mới hơn 5 tuổi. Một mình mẹ cô phải vất vả nuôi 4 anh chị em cô khôn lớn. Khi cuộc kháng chiến chống Nhật nổ ra, Tôn Duy Thế đã chạy tới trại chỉ huy của lộ quân thứ 8 tại Vũ Hán để xin tới Diên An nhưng không ai chịu nhận cô. Tôn Duy Thế đã đứng một mình trước cổng khóc rấm rức. Sau đó, Thủ tướng Chu Ân Lai đi tới, ông không chỉ nhận cô làm con nuôi mà con đưa cô tới Diên An. Năm 1939, Chu Ân Lai bị thương và phải tới Liên Xô điều trị, sau khi được sự phê chuẩn của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Tôn Duy Thế cũng tới Liên Xô. Sau đó, cô đã ở lại học kịch 6 năm tới khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập mới trở về nước.

Sau khi về nước, tình cảm giữa Tôn Duy Thế và cha mẹ nuôi rất tốt. Năm 1950, cô đã một mình chuẩn bị bữa tiệc mừng đám cưới bạc cho cha mẹ nuôi tại sảnh Tây Hoa khiến thủ tướng Chu Ân Lai và phu nhân Đặng Dĩnh Siêu vô cùng cảm động. Sau này khi Tôn Duy Thế muốn cưới Kim Sơn, Chu Ân Lai và vợ không đồng ý nhưng cũng không ngăn cản, vì thế trong đám cưới của Tôn Duy Thế, Chu Ân Lai đã cho vợ đem cuốn “luật hôn nhân CHND Trung Hoa” tặng Tôn Duy Thế làm quà cưới. Tất cả mọi người tới dự đám cưới đều hiểu rằng thủ tướng Chu Ân Lai ngầm trách móc Kim Sơn.

Tuy vậy, hơn chục năm sau, tình cảm của Tôn Duy Thế và vợ chồng Chu Ân Lai vẫn rất khăng khít, cô thường xuyên tới sảnh Tây Hoa thăm cha mẹ nuôi của mình. Trong thời gian này, cô cũng đã gửi rất nhiều thư hỏi thăm tình hình cha mẹ nuôi.

Mặc dù Thủ tướng Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu rất mực yêu thương Tôn Duy Thế nhưng họ không thể bảo vệ được đứa con nuôi của mình trong cách mạng văn hóa vì Giang Thanh nhất quyết đòi “xử lý” cô. Tháng 12 năm 1967, công an ập vào nhà của Tôn Duy Thế và bắt Kim Sơn với tội danh “nghi ngờ là gián điệp” sau đó tống Tôn Duy Thế vào tù. Có người nói rằng, Tôn Duy Thế còn bị trói chặt và đánh đập khi ở tù.

Ngày 4 tháng 10 năm 1968, Tôn Duy Thế đã bị bức hại tới chết. Nghe tin con gái nuôi qua đời, Thủ tướng Chu Ân Lai và vợ vô cùng đau xót nhưng không thể thể hiện thái độ của mình vì đang ở thời kỳ cách mạng văn hóa, họ chỉ biết ngậm ngùi để nước mắt chảy ngược.

Sau khi Tôn Duy Thế mất đi, Chu Ân Lai và vợ càng quan tâm tới những đứa con liệt sỹ nhiều hơn, trong đó Lý My là người được Chu Ân Lai yêu mến hơn cả.

Tháng 8 năm 1942, Chu Ân Lai nhận Lý My làm con nuôi. Năm đó, Chu Ân Lai cử Liêu Mộng Tỉnh (vợ Lý Thiếu Thạch) tới giúp Tống Khánh Linh khôi phục công tác bảo vệ Đồng minh dân chủ Trung Quốc, Liêu Mộng Tỉnh đã mang theo Lý My và phu nhân của Diệp Đĩnh là Lý Tú Văn cùng con gái Dương My từ Hạ Môn tới Trùng Khánh.


Lý My (trái) và mẹ Liêu Mộng Tỉnh

Sau khi Liêu Mộng Tỉnh và Lý Tú Văn tới Trùng Khánh, thủ tướng Chu Ân Lai đã mời họ tới nhà dự tiệc, hai bà mẹ cũng đưa hai đứa con gái đi cùng. Gặp Chu Ân Lai, Lý My và Dương My gọi thủ tướng là bác, nghe vậy Chu Ân Lai cảm thấy rất vui và ôm hai cô bé vào lòng nói: “gọi ta là bố nuôi cũng được”. Lý My và Dương My đã tình cờ trở thành con gái nuôi của thủ tướng Chu Ân Lai như vậy. Mặc dù khi đó Đặng Dĩnh Siêu không ở Trùng Khánh nhưng bà cũng đồng ý trở thành mẹ nuôi của hai cô bé này.

Tháng 8 năm 1945, Lý Thiểu Thạch, thư ký của Chu Ân Lai gặp nạn tại Trùng Khánh, Chu Ân Lai đã lập tức đưa vợ Lý Thiểu Thạch là Liêu Mộng Tỉnh và con gái Lý My về thôn Hồng Nham, căn cứ của Bát lộ quân, tạm lánh một thời gian. Sau đó, Chu Ân Lai và vợ nhận Lý My làm con của mình. Để khuyến khích Lý My học tập, tháng 11 năm 1945, Chu Ân Lai đã viết những dòng động viên cô: “Tự lực cánh sinh, tương lai rộng mở”.

Lý My và mẹ sống ở làng Hồng Nham một thời gian, không lâu sau họ chuyển tới Hong Kong ở cùng bà ngoại là Hà Hương Ngưng . Tháng 4 năm 1949, Liêu Mộng Tỉnh đưa bà Hà Hương Ngưng và con gái Lý My cùng con của anh trai Liêu Thừa Chí từ Hong Kong tới Bắc Bình. Khi đó, Liêu Thừa Chí muốn đưa Lý My sang Liên Xô học tập nhưng cô muốn ở lại tham gia cách mạng, sau đó cô đã học lớp bồi dưỡng chính trị tại đại học Hoa Bắc. Học xong, cô muốn tới các thành phố ở phía Nam để phục vụ nhưng vì Liêu Mộng Tỉnh đang bận cùng Đặng Dĩnh Siêu chuẩn bị đón Tống Khánh Linh tới Thượng Hải tham dự Hội nghị hiệp thương chính trị lần thứ nhất nên bà không đồng ý để Lý My đi. Lý My tỏ ra rất sốt ruột và viết thư cho cha nuôi là Chu Ân Lai. Nhận được thư, Chu Ân Lai cũng đã hồi âm lại cho Lý My, trong thư có đoạn: “con lập tức đi làm hay tiếp tục học tập là do đơn vị phụ trách con quyết định, cha không can thiệp. Con hỏi ý kiến cha, cha không phản đối công việc của con nhưng nơi làm không nên xa mẹ con quá, nếu con muốn đi vào quần chúng thì ở miền Bắc cũng có quần chúng đấy”.

Qua đó có thể thấy được sự quan tâm của thủ tướng Chu Ân Lai dành cho Liêu Mộng Tỉnh bởi ông không muốn một người phụ nữ đã chịu cảnh mất chồng giờ lại phải xa đứa con duy nhất. Lý My nghe lời khuyên của cha nuôi xong bèn quyết định ở lại miền Bắc nỗ lực công tác.

Trong thời kỳ cách mạng văn hóa, mặc dù Đặng Dĩnh Siêu tự đặt ra cho mình “chính sách 3 không” nhưng đối với Lý My lại ngoại lệ. Có một lần Lý My tới phản ánh với bà rằng con trai của Lưu Thiếu Kỳ, Lưu Nguyên phải sống cực khổ ở bên ngoài. Nghe xong, bà đã nói lại với thủ tướng Chu Ân Lai và giúp đỡ cho công việc của Lưu Nguyên thuận lợi hơn.

Sầm Hoa (Theo Huanqiu)