Ngày 7/2, Tòa án Nhân dân TP HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ Vinasun kiện Grab Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.

Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa, thẩm phán Lê Công Toại đã quyết định tạm ngưng phiên tòa xét xử sơ thẩm, trả hồ sơ để Grab Việt Nam và Vinasun bổ sung hồ sơ, chứng cứ. 

Về phía mình, đại diện Grab vẫn tiếp tục bác bỏ các luận điểm phía Vinasun cho rằng GrabTaxi vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT hay các quy định hiện hành của Luật pháp Việt Nam.

Cụ thể, Grab cho hay việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar) của Grab Việt Nam được thực hiện theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT. 

Về các cáo buộc còn lại của Vinasun, Grab cho hay doanh nghiệp này hoạt động tuân thủ luật pháp hiện hành, trong đó có Luật cạnh tranh hay Luật Giao dịch điện tử. Grab hiện đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, đơn vị này đã và đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Cụ thể, kỳ kê khai thuế 10 tháng đầu năm 2017 Grab đã nộp Ngân sách Nhà nước một khoản nghĩa vụ thuế tổng cộng là 142 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin cho thấy, phía Grab Việt Nam đã "bỏ lửng" nhiều câu hỏi trong phiên tòa. Chẳng hạn như việc định danh của Grab hiện nay và hợp đồng giữa Grab với các HTX hoặc các tài xế; Việc định giá hay cơ sở để điều chỉnh tăng/giảm giá cước của Grab như hiện nay...