Tạo ra môi trường đại học với quy mô diện tích đủ lớn là chủ trương đúng đắn. Để thực hiện chủ trương đó, trong bối cảnh khuôn viên hầu hết các trường đại học ở nước ta quá nhỏ so với nhu cầu, Chính phủ có kế hoạch di rời các trường đại học ra vùng ngoại vi các thành phố. Nhưng một giải pháp khác, theo tôi cũng cần đặt ra để nghiên cứu là nên rời trường đại học hay dời các cơ sở quanh trường đại học?

Chọn lựa giải pháp nào cho từng trường đại học nên dựa trên lợi ích kinh tế xã hội trên nhiều khía cạnh, mà hai khía cạnh quan trọng nhất là lợi ích kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn về ngân sách và lợi ích về quy hoạch đô thị lâu dài.

Xét trên khía cạnh lợi ích kinh tế

Cơ sở kiến trúc của một trường đại học rất đặc thù, nó được thiết kế đặc thù với chi phí cao phục vụ cho công tác đào tạo như giảng đường, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành…

Việc di dời các trường đại học để lại cơ sở hạ tầng cũ khó được tái sử dụng bởi cơ quan tiếp quản mới, và sự phá bỏ tạo ra một lảng phí lớn.

Mặt khác, các trường đại học hiện tại gắn liền với các cơ sở hạ tầng liên quan như ký túc xá sinh viên, thư viện…, việc di dời các trường đại học sẽ gắn liền với việc xây mới các cơ sở này, bởi lẽ, trong bối cảnh tình trạng tắc nghẽn giao thông  như hiện nay ở các thành phố lớn, việc sinh viên ở trong trung tâm thành phố ra ngoại vi học mỗi ngày là vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sỏ các trường đại học mới cần phải có một trình độ kỹ thuật và quản lý xây dưng cao đáp ứng nhu cầu đào tạo tiên tiến và lâu dài.

Trong bối cảnh chất lượng các công trình xây dựng như hiện nay, e rằng việc mong chờ có được các trường đại học mới với cơ sở hạ tầng chất lượng cao là khó khăn.

Xét trên khía cạnh quy hoạch đô thị

Những thành phố nổi tiếng trên thế giới đều gắn liền với những trường đại học nổi tiếng trên cả hai phương diện chất lượng giáo dục và kiến trúc lâu năm cổ kính.

Nhiều trường đại học ở nước ta cũng có kiến trúc rất đẹp với lịch sử hàng trăm năm.

Vì thế, bảo tồn và phát triển cơ sở các trường đại học này sẽ góp phần bỏa tồn những giá trị văn hóa trên phương diện quy hoạch đô thị trong bối cảnh nó chưa được quan tâm đúng mức.

Mặt khác, các thành phố lớn đang thiếu trầm trọng khoảng không gian trống trong quy hoạch như công viên, quãng trường…thì khuôn viên các trường đại học nếu xây dựng đúng nghĩa sẽ mang lại các khoảng không gian trống cho quy hoạch thành phố.

Một trong những vấn đề khó khăn mấu chốt khi chọn giải pháp di dời các cơ sở quanh trường đại học là phải liên quan đến việc giải quyết di dời nhiều cơ quan và hộ gia đình thay vì chỉ có duy nhất cơ quan trường đại học nếu chọn giải pháp di rời trường đại học.

Nhưng mỗi khi Chính phủ và Bộ GD-ĐT đặt lợi ích xã hội lên trên thì chắc chắn đạt được sự đồng thuận cao.

Đối với các hộ gia đình, nếu có một sự thỏa thuận đền bù thỏa đáng thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Đối với các cơ quan nhà nước quanh khu vực trường đại học, lãnh đạo cần nhận thức rằng chúng ta đang tạm thời giúp nhân dân quản lý cơ quan đó để phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không thuộc sở hữu của chúng ta, và trường đại học cũng tương tự.

Vì thế, cần ủng hộ nếu cơ quan phải di dời để mạng lại lợi ích xã hội lớn hơn so với việc di dời trường đại học.

Munich, 20/04/2011

  • Bs. Tô Viết Thuấn (Nghiên cứu sinh tại đại học Ludwig Maximilias University, Munich, CHLB Đức)