- Sau khi đăng tải bàn tròn trực tuyến về chủ đề kỹ năng của nguồn nhân lực, VietNamNet nhận được "bức thư gửi thế hệ mình" của Phạm Huy Hiệu, sinh viên lớp kỹ sư chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Bức thư đưa ra nhiều lý do để lý giải "sự tụt hậu của nguồn nhân lực Việt". Dưới đây, VietNamNet giới thiệu bài viết và mong nhận được trao đổi của bạn đọc.

Các bạn thân mến!

Khi đọc bài viết: "Nhân lực Việt tụt hậu hơn Hàn, Sing 20 năm trước”, tôi đã không khỏi giật mình cho bản thân và thế hệ. Bình tĩnh và nhìn nhận lại, tôi đã có một vài suy nghĩ và cách nhìn của người trong cuộc.

{keywords}
Sinh viên Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hà Nội Mới

Sự ù lì níu kéo

Tôi tin rằng, những năm 60 của thế kỷ trước, các bạn trẻ thế giới biết nhiều về Việt Nam qua những hình ảnh về chiến tranh. Giờ đây, hình ảnh Việt Nam trong mắt thế hệ con em họ đã nhạt nhòa dần bởi sự lu mờ về kinh tế hay khoa học - kỹ thuật. Bước chân của chúng ta chậm 15 năm so với Trung Quốc, 20 năm so với Hàn Quốc hay hằng thập kỷ so với các nước sát vách trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia hay Philippines chỉ là những con số tương đối và nó có thể thu hẹp hay giãn cách là điều không ai quả chắc.

Mọi vấn đề cần có một tiến trình để giải quyết, vấn đề ở chỗ phương thức tiến hành. Trong thời đại công nghệ thông tin thì một nhìn nhận chính xác và khách quan cho thực tại và một phương thức đúng đắn cùng sự nỗ lực của mọi cá nhân liên quan sẽ đưa Việt Nam tới vị trí không thua kém trong một thời gian bất ngờ.

Ngược lại, sự ù lì ,chậm chạp, không biết đến ngày mai sẽ níu kéo bước chân Việt và điểm hẹn ngày sánh vai cùng bè bạn sẽ mãi là một lời khích lệ.

Thói quen sao chép

Thống kê của Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, năm 2014 Việt Nam có khoảng 61 triệu người trong độ tuổi lao động - một nguồn lực tuyệt vời cho bất cứ một nền kinh tế đang phát triển nào. Tuy vậy, hiệu năng lao động của nguồn lực hơn 60 triệu người này lại bị hạn chế bởi phương thức giáo dục lý thuyết, già cỗi và lạc hậu. Theo tôi, môi trường tự do và sự sáng tạo là yếu tố lớn nhất tạo lập sự khác biệt giữa một sinh viên trong nhóm châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn hay Nhật và một sinh viên Việt Nam.

Ở các nước tiên tiến, sinh viên luôn đề cao tính tự chủ, độc lập và phản biện. Họ nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng và góc nhìn, môi trường cho phép tự do sáng tạo, kết cục là gần như tuyệt đối những phát minh đóng góp cho văn minh nhân loại đến từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ngược lại, sự giáo dục lý thuyết, một chiều đã tạo tác phong “copy and paste” cho sinh viên Việt Nam, khiến họ thành thục những lý thuyết xa vời thực tế.

Các nhà hoạch định giáo dục trong nước không quan tâm đến điều này vì bận bàn cãi những vấn đề ít ý nghĩa hơn như chính quy hay tại chức. Tất nhiên, so sánh này cũng tương đối thiệt thòi cho sinh viên Việt Nam bởi sự khác biệt về tiềm lực kinh tế (nguồn gốc của mọi vấn đề iên quan) của mỗi quốc gia là rất lớn. Tuy vậy, tôi tin rằng cơ hội tiếp cận cận kiến thức của một sinh viên Việt Nam là bình đẳng với sinh viên của mọi quốc gia trong khu vực và thế giới.

Với một thiết bị kết nối mạng Internet và chút kiến thức Anh ngữ đã đủ để tiếp cận những bài giảng với chất lượng tốt nhất thế giới. Thế nhưng hầu hết sinh viên Việt không quan tâm điều này. Những sinh viên tốt nhất cố gắng hấp thu lý thuyết dài dòng khó hiểu và kiếm tìm một bảng điểm đẹp sau khi ra trường để "du học" hay "xin việc".

Số còn lại lang thang trà đá, café hay những trò tiêu khiển khác. Điều này giải thích tại sao những quán cóc xung quanh các trường đại học mọc lên như nấm. Cũng như vậy, qua hết các môn trong các bài thi cuối kỳ là mục tiêu hàng đầu của mọi sinh viên,sau thời kỳ này là thiên đường của bầy đàn với việc ăn mừng hay giải đen cho kỳ học trước trong những chuyến đi vô bổ cũng như vô tận. Tư duy bó hẹp có thể coi là một vấn nạn. Nhưng để nói về nguyên nhân thì khó có thể trách,vì sự nhồi nhét họ phải tiếp cận từ những năm mẫu giáo.

Ngược lại, sinh viên ở các nước tiên tiến có một nền tảng cơ bản cho phép họ tự do nghiên cứu và sáng tạo vượt qua tầm quốc gia.

Lười đọc

Có thể nói, sự ít đọc và thói quen lười biếng của sinh viên Việt Nam hiện nay cũng đóng góp một phần vào thành tích ngăn cản động lực lao động. Vấn đề này tôi xin phép không đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Cộng thêm phương thức giáo dục thụ động và tư duy sao chép tôi đã nói ở trên thì việc sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng là điều dễ hiểu.

Hệ quả của quá trình

Các tập đoàn Công nghệ hằng đầu như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), Toyota (Nhật bản) hay General Electric (Mỹ) đầu tư vào Việt Nam với hi vọng sử dụng nguồn lao động bản xứ có năng lực. Nhưng so với tốc độ phát triển của khoa học - kỹ thuật,nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Lẽ dĩ nhiên,các tập đoàn này thường xuyên phải thuê mướn những chuyên gia ngay trong khu vực (cho rẻ) vì lao động bản xứ không đảm nhiệm được nhiệm vụ khó khăn này. Viettel – Một tập đoàn Việt tầm cỡ đang vươn lên mạnh mẽ cũng nhập khẩu chuyên gia từ Motorola sang nghiên cứu thiết kế sản phẩm với những ưu đãi đặc biệt.

Giờ đây, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ của Việt Nam đã là biểu tượng của thập kỉ trước. Người Việt trẻ nên nhớ rằng: ”Thế giới của sự chuyển dịch và hội nhập dành cho những người biết vận động trau dồi kỹ năng hằng ngày, trên khắp hành tinh,vượt qua biên giới quốc gia hay khu vực".

Những người Việt trẻ đã tỉnh giấc đã kịp vươn mình tỏa sáng khắp nơi, họ nghĩ rằng từ TP.HCM sang Singapore hay Thái Lan gần hơn ra Hà Nội. Số còn lại trong số tôi và các bạn thì sao?

Không do dự cho phần đời còn lại

Mục tiêu lớn nhất trong cả tiến trình 4 hoặc 5 năm trong ghế nhà trường là: Kỹ năng chuyên môn và sự sáng tạo trong cách thức giải quyết vấn đề.Tự do lựa chọn ngành nghề mà không có sự can thiệp hay ép buộc của các bậc cha mẹ (khác với sự định hướng và dẫn dắt) là phương pháp đầu tiên.

Hãy mạnh dạn, không do dự cho phần đời còn lại. Bước tiếp theo là tăng cường tự do học tập, thiết lập các môn tự chọn. Các nhà hoạch định cho rằng không có sự ép buộc học tập là một điều nguy hiểm vì sinh viên dễ dàng bỏ bê.

Tôi nghĩ ngược lại. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào quy luật sàng lọc của tự nhiên, những cá thể biết thích nghi sẽ sống sót khỏe mạnh, sự lệch lạc và lười biếng ắt sẽ bị đào thải. Trên hết, tôi đặt hi vọng vào mình và thế hệ.

Hà Nội, ngày 2 tháng 7 năm 2013

Phạm Huy Hiệu (sinh viên năm 4, Trung tâm đào tạo tài năng và chất lượng cao, lớp kỹ sư chất lượng cao, chuyên ngành Tin học Công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)