-“Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trước câu hỏi liên quan dân chủ.
>> 'VN không khơi mào đối đầu quân sự, trừ khi tự vệ'
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi thắng thắn với các học giả Đức về các thách thức mà VN đang phải đối mặt, trong cuộc trò chuyện tại Viện Koerber (Berlin, CHLB Đức) hôm 15/10.
Không đứng ngoài xu thế
- Trong thông điệp đầu năm 2014 của mình, ông đã nói đến yêu cầu phải có dân chủ, minh bạch, trách nhiệm giải trình của nhà nước... Ông đã nói đến dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Vậy trong bối cảnh một đảng lãnh đạo, các khía cạnh dân chủ này được thể hiện như thế nào?
Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. Việt Nam không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này. Vì vậy, trong Hiến pháp, pháp luật và chính sách đều nêu rõ dân chủ và nhân quyền vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển của VN.
Hôm nay, VN đang tiến hành những bước đi mạnh mẽ để hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường để bảo vệ và tăng cường hơn nữa các quyền tự do dân chủ của người dân trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa...
Nhưng đương nhiên, ở bất cứ đâu thì dân chủ cũng phải tuân thủ pháp luật, quyền tự do dân chủ của một cá nhân không được xâm phạm quyền tự do dân chủ của người khác. Pháp luật VN quy định và đảm bảo điều này.
Trong chế độ chính trị của VN, chúng tôi vừa bảo đảm quyền tự do trực tiếp của người dân và quyền dân chủ đại diện thông qua các cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật, phù hợp với hoàn cảnh và điều kinh kinh tế xã hội của VN.
- Vậy từ đó đến nay, ông đã tiến hành những biện pháp gì để tăng cường dân chủ trực tiếp?
Chúng tôi đã sửa đổi Hiến pháp, được QH thông qua năm 2013, là một bước tiến rất quan trọng trong việc bảo vệ và tăng cường quyền dân chủ và kinh tế thị trường. Tôi nghĩ các ông nên đọc Hiến pháp mới của chúng tôi để hiểu thêm.
Nhờ các ngài thuyết phục TQ
- Nói về chính sách đối ngoại và an ninh. Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế trong các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, cũng như tầm quan trọng của các tổ chức đa phương.
Có một thực tế là các nước láng giềng của VN có quan điểm khác nhau về việc nên giải quyết các tranh chấp này đa phương hay song phương, trong khi TQ không thừa nhận vai trò của tòa án quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp này. Vậy VN, một nước tương đối nhỏ so với TQ, làm thế nào để thuyết phục các nước láng giềng về những bất đồng này?
Chúng tôi tin rằng giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, trong mọi lĩnh vực kể cả vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đều phải tuân theo luật pháp quốc tế và các nền tảng pháp lý một cách minh bạch và bình đẳng, thông qua các cơ quan tài phán và trọng tài quốc tế. Theo tôi, đó là giải pháp hòa bình, tiến bộ và nhân văn.
- Vậy ông sẽ làm thế nào để TQ cũng thừa nhận các nguyên tắc này?
Tôi cũng muốn nhờ các ngài thuyết phục họ. Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng nguyên tắc tôi nêu trên được cả nhân loại và thế giới thừa nhận.
- Một câu hỏi từ Twitter: Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc lên cao như hiện nay, đâu là giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông?
Tôi đã đề cập trong bài phát biểu và giờ muốn nhấn mạnh lại: hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì đây là tuyến đường hàng hải chiếm gần một nửa lượng hàng hóa lưu thông của châu Á và đóng vai trò quan trọng đối với Đông Á và châu Âu. Vì thế không có sự lựa chọn nào khác là phải duy trì được hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Để làm được điều này, tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền và các bên liên quan đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà ASEAN ký với TQ, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC), kiềm chế bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
- Ông có nói đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Philippines đã thưa kiện lên Tòa án luật Biển quốc tế, nhưng cho đến nay chúng tôi chưa thấy động thái nào tương tự từ VN. Vậy quan điểm của Chính phủ VN về động thái của Philippines là gì, ủng hộ hay phản đối?
Philippines là một nước độc lập có chủ quyền. Việc Philippines kiện TQ về yêu sách đường chín đoạn là quyền của Philippines. Lập trường của VN, như tôi đã nói, độc lập chủ quyền là thiêng liêng, chúng tôi sẽ làm tất cả trong khả năng và bằng mọi cách phù hợp với luật pháp quốc tế, để bảo vệ độc lập chủ quyền của mình.
Và biện pháp pháp lý, như tôi đã đề cập, cũng là một biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, là biện pháp tiến bộ và văn minh để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ.
Hoa Kỳ nên dỡ bỏ lệnh cấm sớm hơn
- Hoa Kỳ mới đây đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN . Vậy là cựu kẻ thù chiến tranh giờ đã trở thành đối tác an ninh mới của VN?
VN và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ tối tác toàn diện, nghĩa là hai bên hợp tác trên mọi lĩnh vực vì hòa bình và phát triển. Vì vậy, chúng tôi tin rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí là một động thái bình thường trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Tôi nghĩ Hoa Kỳ nên làm việc này từ sớm hơn.
- Vậy hai nước sẽ có hợp tác về chính sách an ninh?
Việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho VN không vi phạm điều khoản nào của luật pháp quốc tế, không ảnh hưởng đến lợi ích của bất cứ bên thứ ba nào, nên không có gì bất thường ở đây cả.
Chung Hoàng - H.Phúc - Nguồn clip: Viện Koerber