Tọa đàm 1.jpg
Cục Viễn thông phối hợp với báo VietNamNet và Trung tâm Thông tin tổ chức tọa đàm “Tắt sóng 2G trước giờ G”. Ảnh: Thạch Thảo

Trước đây, Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu chậm nhất đến 15/9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện. 

Tuy nhiên, ngày 13/9/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành thông tư số 10/2024/TT-BTTTT về việc “Ngưng hiệu lực thi hành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 04/2024/TT- BTTTT” (Về việc dừng cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM trong thời hạn 1 tháng, từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 15/10/2024).

Lí do Bộ TT&TT tạm ngưng tắt sóng 2G theo Thông tư số 10 là để đảm bảo nhu cầu thông tin trong thời gian cần thiết, để doanh nghiệp và người dân kịp thời khắc phục thiệt hại cơn bão số 3. Đây là cơn bão lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà mạng và ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của khách hàng.

Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.  

Hôm nay (11/10), Cục Viễn thông phối hợp với báo VietNamNet và Trung tâm Thông tin tổ chức tọa đàm “Tắt sóng 2G trước giờ G” để trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị về việc thực hiện ngừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao sử dụng máy điện thoại 2G sau ngày 15/10/2024.

W-Tọa đàm 3.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thạch Thảo

Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, đại diện các nhà mạng Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, ASIM, VNSKY, cùng hơn 50 phóng viên các báo, đài.

Việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Hiện nay, trong giai đoạn "nước rút" các nhà mạng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi các thuê bao 2G Only còn lại trên mạng để tiến tới mục tiêu tắt sóng 2G vào ngày 15/10/2024.

Trong thời gian vừa qua, các nhà mạng đã thực hiện hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G Only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G.

Các nhà mạng đều chuẩn bị số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (hỗ trợ 100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình.

Một số doanh nghiệp di động có chính sách hỗ trợ tặng máy không cần đăng ký gói cước cho các các hộ nghèo, cận nghèo, thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chuyển đổi sang máy điện thoại 4G.

Bên cạnh việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà mạng đẩy mạnh thực hiện truyền thông trực tiếp tới khách hàng, đồng thời tăng tần suất truyền thông, thông qua các hình thức.

Cho đến thời điểm này, chỉ còn khoảng hơn 700.000 thuê bao 2G Only, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ TT&TT, các địa phương và các nhà mạng để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G.

W-Thái Khang giữa.jpg
Nhà báo Thái Khang (người ngồi giữa - Báo VietNamNet). Ảnh: Thạch Thảo

Nhà báo Thái Khang: Đến lúc này chỉ còn khoảng 700.000 thuê bao 2G Only, dưới 1%. Đây là nỗ lực rất lớn của các nhà mạng. Vậy đến ngày 15/10, chúng ta có thể chuyển đổi nốt lượng thuê bao này không? Trong thời gian qua, các nhà mạng đã làm những gì để thực hiện việc chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G?

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom: Đến hôm qua (10/10) trên mạng Viettel chỉ còn 360.000 thuê bao 2G Only. Dự kiến đến ngày 15/10, Viettel sẽ chỉ còn dưới 100.000 thuê bao 2G, tính cả các thuê bao 2G ở khu vực các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Nhà giàn DK1.

Với sự quyết tâm nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên Viettel ở các tỉnh thành, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi có lượng thuê bao 2G nhiều nhất, chúng tôi đã điều hành quyết liệt, chỉ đạo tích cực.

Tập thuê bao còn lại đa số ở nông thôn, miền núi, vùng xa xôi, nơi khó khăn nhất. Đối tượng khách hàng thường là người già, những người ít có nhu cầu sử dụng.

W-Nguyễn Trọng Tinh1 1.jpg
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom. Ảnh: Thạch Thảo

Thời gian gần đây, gần như mọi đối tượng đều được Viettel hỗ trợ máy 100% theo chính sách của Viettel. Trong tháng 9, tháng 10, số lượng khách hàng ra cửa hàng để chuyển đổi rất hiếm.

Chúng tôi phải đi trực tiếp đến tận nơi giúp khách hàng chuyển đổi. Với những kết quả này, mặc dù chưa đạt mục tiêu đặt ra là đưa thuê bao 2G Only về 0. Nhưng nếu đạt được dưới 100.000 thuê bao 2G Only đến 15/10, chúng tôi đánh giá là đạt mục tiêu và hài lòng với kết quả này.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone: Đến sáng 11/10, trên toàn mạng lưới VNPT chỉ còn khoảng 150.000 thuê bao 2G Only. Thời gian qua VNPT đã rất nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT. Tháng 9 vừa qua là giai đoạn rất khó khăn. Nhiều tỉnh thành phố khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lụt.

Với các khu vực đó, VNPT vừa phải đảm bảo khôi phục cơ sở hạ tầng, đảm bảo chất lượng dịch vụ, hỗ trợ thông tin liên lạc cho các cấp chính quyền chỉ đạo điều hành công tác phòng chống lụt bão, vừa phải thực hiện các hoạt động hỗ trợ đổi máy cho khách hàng.

Dự kiến, trong 4 ngày tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục huy động toàn bộ nhân viên trên toàn quốc để hỗ trợ chuyển đổi máy cho khách hàng, kể cả ở khu vực vùng sâu vùng xa, sẽ bố trí nhân lực phục vụ trực tiếp. Với mục tiêu là qua ngày 15/10 chỉ còn dưới 100.000 thuê bao 2G.

Chúng tôi quyết tâm sau thời điểm đó tiếp tục thực hiện các hoạt động đổi máy, hỗ trợ, đảm bảo 100% khách hàng có thể sử dụng dịch vụ trơn tru sau 15/10.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone: Đến 11/10, MobiFone còn 47.919 thuê bao 2G Only. Số lượng rất nhỏ. Nếu tính theo tiêu chí không sử dụng thiết bị 2G trong 30 ngày, ARPU dưới 5.000 đồng, chỉ còn khoảng 20.000 thuê bao.

Với tiến độ như vậy, sau 1 tuần nữa, lượng thuê bao 2G Only của MobiFone chỉ còn khoảng 10.000. Để đạt kết quả này, MobiFone đã triển khai nhiều chương trình, trong đó có việc hỗ trợ đổi máy, tặng máy Feature Phone 4G cho khách hàng. Số lượng từ ngày 1/9 đến 10/10 là 20.000 máy.

Trong đó có 7.000 người được tặng máy 100% giá trị. Việc người dân chủ động chuyển đổi Feature Phone lên smartphone có công sức rất lớn của công tác truyền thông, tác động lớn đến hành vi tiêu dùng của khách hàng. Đề xuất của MobiFone là cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn.

Ông Đặng Đình Tùng, đại diện Vietnamobile: Vietnamobile đã cố gắng hết sức, đến 11/10 hiện còn khoảng 17.000 thuê bao 2G. Nhà mạng đã làm tất cả biện pháp truyền thông, nhắn tin liên tục đến các thuê bao này.

Tuy nhiên, Vietnamobile gặp khó khăn khi không đủ kinh phí hỗ trợ máy. Đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ về công tác truyền thông.

Ông Quách Mạnh Lâm, Giám đốc đối ngoại ASIM: Đến cuối tháng 9, ASIM còn gần 5.000 thuê bao sử dụng máy Feature Phone. Thời gian qua ASIM đã truyền thông đến tất cả khách hàng sử dụng thiết bị 2G qua nhắn tin (2 lần/tuần) và gọi điện trực tiếp.

Do đặc thù ngay từ đầu đã cung cấp SIM 4G nên người dùng ASIM không gặp khó khăn gì khi chuyển sang dịch vụ 4G theo chính sách tắt sóng 2G.

Đại diện VNSKY: Do đặc thù sản phẩm chủ yếu là gói dịch vụ sử dụng data nên lượng thuê bao 2G của VNSKY rất ít, hiện tại chỉ còn khoảng một vài nghìn. VNSKY đã truyền thông về việc tắt sóng 2G, liên kết với chuỗi bán lẻ để người dùng khi có nhu cầu chuyển đổi máy có thể đến đó thực hiện. Trong quá trình thực hiện không nhiều vướng mắc.

Đại diện Mobicast: Mobicast là nhà mạng MVNO của VNPT. Các thuê bao Mobicast tập trung vào thuê bao data. Thời gian gần đây việc cung cấp dịch vụ của Mobicast chủ yếu là data, hạn chế cung cấp gói dịch vụ chỉ thoại, nên lượng thuê bao 2G Only không đáng kể.

Theo số liệu gần nhất, Mobicast chỉ còn 423 thuê bao 2G. Gần đây chúng tôi đã cung cấp miễn phí các gói dịch vụ data cho các thuê bao này để hỗ trợ họ chuyển đổi. Ngày 15/10 chúng tôi sẵn sàng để xem có bị sót không, còn bây giờ không còn thuê bao nào nữa.

Đại diện Đông Dương Telecom: Đến 10/10, Đông Dương còn 1.298 thuê bao 2G Only, dự kiến đến 15/10 còn dưới 1.000. Thời gian qua Đông Dương đã phối hợp với VNPT chặn một số thuê bao và truyền thông rộng rãi đến toàn bộ tập khách hàng 2G trên tất cả các kênh, đẩy mạnh việc nhắn tin tuần 3 lần. Về cơ bản, đến ngày 15/10 chúng tôi không có vướng mắc gì.

Nhà báo Thái Khang: Tôi muốn hỏi thêm đại diện của các nhà mạng rằng, có thể các anh vẫn còn thuê bao 2G Only sau ngày 15/10. Phải chăng quá trình thực hiện có những khó khăn?

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel: Nguyên nhân chính là tập thuê bao 2G Only còn lại có ít hành vi sử dụng nên rất khó liên lạc. Một số ít không đáng kể ở vùng sâu xa nên nhân viên chưa tiếp cận được.

Ngay sau ngày 15/10, khi thực hiện tắt dịch vụ hai chiều đối với thuê bao 2G Only, tập khách hàng này có thể chuyển đổi được. Chúng tôi vẫn nỗ lực cho những ngày tiếp theo và sau ngày 15/10.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone: Trong thời gian triển khai, chúng tôi nhận thấy có 4 khó khăn: Đầu tiên là truyền thông đến người dân, đặc biệt hai nhóm rất khó truyền thông - nhóm ở khu vực rất xa và nhóm ít dùng, gọi cũng không nghe máy;

Thứ hai, một bộ phận người dân vẫn sử dụng được, dù tác động bằng nhiều biện pháp truyền thông khác nhau nhưng chỉ khi không dùng được dịch vụ mới đổi, có một số người dân mua về rồi nhưng vẫn chưa đổi, chuyển máy mới;

Thứ ba, do ảnh hưởng của bão lụt, nhiều khu vực không thể tiếp cận được và người dân tập trung khôi phục đời sống cá nhân trước khi quan tâm đến các hoạt động khác;

Thứ tư, với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Cục Viễn thông, hiện nay các nhà mạng có một số tiêu chí đế nhận diện thuê bao 2G, trong đó có một số thuê bao ở mạng này là 2G nhưng ở mạng khác lại nhận diện là hỗ trợ 3G, 4G; với tệp này, chúng tôi cập nhật thường xuyên với tiêu chí của Cục Viễn thông để loại ra, sau thời điểm 15/10 vẫn sử dụng được vì máy nhận diện 2G nhưng hỗ trợ cả 3G và 4G.

W-Nguyễn Phong Nhã.jpg
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông. Ảnh: Thạch Thảo

Nhà báo Thái Khang: Bây giờ tôi muốn đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Phong Nhã. Thưa ông, ông có thể đánh giá gì về những kết quả mà các nhà mạng đã làm trong thời gian vừa qua để chuyển dịch khách hàng từ 2G lên 4G?

Ông Nguyễn Phong Nhã: Từ góc độ cơ quan quản lý viễn thông, chúng tôi thấy đây là kết quả thực sự ấn tượng, là sự nỗ lực quyết tâm lớn của các doanh nghiệp.

Nhìn lại vào tháng 1/2024, toàn mạng có hơn 18 triệu thuê bao 2G. Đến giờ chỉ còn hơn 700 nghìn máy. Đây là nỗ lực vô cùng lớn khi chúng ta vừa giữ chất lượng mạng lưới, phát triển mạng 5G cũng như duy trì sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đã cho thấy trách nhiệm trong việc giảm số lượng thuê bao 2G.

Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp (các doanh nghiệp càng nhiều thuê bao vùng sâu vùng xa thì càng vất vả), còn là sự vào cuộc của cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình đồng hành truyền thông chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhân dịp này tôi muốn cảm ơn sự đồng hành tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông, sự vào cuộc của Sở Thông tin Truyền thông, Tổ công nghệ số cộng đồng, anh chị em phát triển thị trường - những người phải đến gặp trực tiếp khách hàng (vùng sâu, xa, biên giới hải đảo) để người sử dụng hiểu được mục tiêu, lợi ích của nhà cung cấp dịch vụ, cũng như mục tiêu của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhà báo Thái Khang: Vâng tôi muốn đặt thêm câu hỏi cho ông Nguyễn Phong Nhã, chúng ta sẽ ứng xử ra sao đối với thuê bao 2G Only không chuyển lên 4G sau ngày 15/10?

Ông Nguyễn Phong Nhã: Sau ngày 15/10, dự kiến còn khoảng 700 nghìn thuê bao, theo đúng quy định sẽ phải dừng cung cấp dịch vụ hai chiều gọi đi gọi đến đối với các thuê bao này.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục phân tích hành vi người dùng thuê bao để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của người dùng.

Các nhà mạng đã sử dụng nhiều hình thức truyền thông (tin nhắn OTT, SMS, CSKH…) nhưng cần sáng tạo thêm hình thức mới: Như đếm ngược thời gian thuê bao 2G không còn được sử dụng, tăng cường lực lượng gặp gỡ khách hàng để đảm bảo người dùng được thông tin đầy đủ… từ đó thể hiện trách nhiệm của nhà mạng với quyền lợi người tiêu dùng.

Vì nhiều lý do có thể có người dùng chưa nắm được thông tin hay chưa có cơ hội đổi máy với nhà mạng. Trong 4 ngày tới sẽ đẩy mạnh truyền thông hơn, đề nghị cơ quan truyền thông đồng hành cùng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp viễn thông để truyền thông tới người sử dụng.

Với các thuê bao dừng cung cấp dịch vụ sau ngày 15/10, tôi đề nghị các nhà mạng tiếp tục có chính sách chăm sóc khách hàng để chuyển đổi các thuê bao này sang đầu cuối 4G, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Nhà báo Thái Khang: Xin cảm ơn ông Nguyễn Phong Nhã, tôi muốn hỏi thêm là chúng ta đang ở giai đoạn cuối của việc thực hiện tắt sóng 2G. Vậy đánh giá của ông về tác động của việc tắt sóng 2G đối với xã hội và người dân ra sao. Các ông có nhận được phản ánh của khách hàng liên quan đến việc tắt sóng 2G hay không?

Ông Nguyễn Phong Nhã: Quá trình dừng công nghệ 2G chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất từ 15/10 dừng cung cấp dịch vụ đầu cuối thuê bao 2G. Đến tháng 9/2026, chúng ta sẽ dừng toàn bộ cung cấp mạng lưới 2G để dành tài nguyên cho mạng mới hơn như 4G, 5G. Về mặt sử dụng tài nguyên tần số sẽ hiệu quả hơn.

Công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm, nhiều thiết bị mạng lưới chất lượng đi xuống, ngốn điện, thiếu ổn định, do đó thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng. Đây là sự đồng thuận và thực tế đòi hỏi của sản xuất kinh doanh.

Với người sử dụng, các điện thoại phím bấm chỉ sử dụng trong một vài trường hợp nhất định (người già và trẻ nhỏ). Trong môi trường hiện nay, điện thoại thông minh tiện lợi hơn như giao dịch, hành chính.

Khi người dùng chuyển sang công nghệ mới hơn như 4G, công nghệ mạng được Việt Nam triển khai từ 2016, phần lớn thuê bao trên mạng hiện nay là 4G.

Người sử dụng có quyền lựa chọn điện thoại thông minh hoặc điện thoại phím bấm 4G. Các nhà mạng đều có chương trình khuyến khích chuyển đổi sang smartphone, hay đổi miễn phí điện thoại phím bấm 2G sang phím bấm 4G cho những người dùng chưa làm quen điện thoại thông minh. 

Đây là cơ hội chuyển đổi sang điện thoại thông minh cho những người dùng đang có nhu cầu, khi các nhà mạng đang có nhiều chương trình hỗ trợ, gói cước hấp dẫn.

Nhà báo Thái Khang: Tôi muốn hỏi sau ngày 15/10 vẫn còn thuê bao 2G Only, các nhà mạng sẽ tiến hành các chính sách như thế nào với các thuê bao này?

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone: Sau ngày 15/10, Mobifone sẽ chặn thiết bị nhưng vẫn giữ lại tài khoản, thuê bao cho khách hàng, để khách hàng có thời gian chuyển đổi, đảm bảo bảo lưu cho tài khoản của khách hàng.

Những thuê bao đã chuyển đổi từ Feature Phone lên smartphone, tự bỏ tiền mua máy, chúng tôi tặng gói cước... Chúng tôi mong rằng sắp tới, tốc độ đổi máy càng tăng hơn nữa, đồng thời các phương tiện thông tin truyền thông tăng cường truyền thông trong những tuần cuối cùng.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone: Tất cả thuê bao sẽ được bảo lưu tài khoản sau thời điểm 15/10. Vinaphone sẽ tiếp tục duy trì chính sách tặng máy, hỗ trợ máy cho khách hàng, tiếp tục hỗ trợ khách hàng tại các điểm của Vinaphone, cũng như trực tiếp tại nhà để khách hàng sử dụng dịch vụ như: đổi SIM, hướng dẫn sử dụng, các chính sách ưu đãi trong thời gian đầu khi chuyển từ máy 2G sang 4G như trải nghiệm data để vào mạng. VinaPhone mong muốn tất cả thuê bao sau 15/10 sẽ tiếp tục chuyển sang và sử dụng dịch vụ.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom: Theo chính sách của các nhà mạng, nếu khách hàng không sử dụng dịch vụ trong 2 tháng, nhà mạng sẽ khóa tài khoản, thu hồi số về kho. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất chính sách đặc biệt đối với thuê bao 2G còn lại để kéo dài thời gian. 

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng cục Viễn thông: Các nhà mạng đã cùng nhau lập cơ sở dữ liệu về các thuê bao 2G không còn được hòa mạng sau ngày 15/10. Đề nghị các nhà mạng truyền thông mạnh mẽ hơn; các nhà mạng thông tin đầy đủ tới người dùng để tránh việc mua phải điện thoại 2G nhưng dán mác 3G, 4G, không dùng được.

Mong các phóng viên khai thác nội dung này để truyền thông tới người sử dụng, tránh việc sử dụng điện thoại 2G sau ngày 15/10 sẽ không được hòa mạng.

Việc thu mua lại thiết bị đầu cuối 2G cũng là một biện pháp để giúp thu gom và xử lý rác thải điện tử đúng quy trình, tránh số lượng thiết bị đầu cuối bị vứt bỏ, tiêu hủy như rác thông thường, hoặc sử dụng lại không đúng quy định.

Phóng viên Bùi Thảo - Truyền hình Công an Nhân dân: Sau khi tắt sóng 2G, các doanh nghiệp có lộ trình phát triển 4G và 5G như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom: Cái khó nhất của các nhà mạng là phải đảm bảo vùng phủ 4G đủ lớn, đủ rộng, ít nhất là có vùng phủ tương đương 2G thì mới có thể tắt sóng 2G. Đây là điều đã được Viettel quan tâm từ mấy năm nay. 

Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để vùng phủ 4G tương đương hoặc tốt hơn 2G để tắt sóng 2G. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư triển khai 4G tại vùng sâu vùng xa, những nơi có thể có vùng lõm sóng nhỏ hoặc chưa đạt được vùng phủ sóng tốt như 2G. Theo kế hoạch Viettel đặt ra, hết năm 2024 vùng phủ 4G Viettel sẽ tương đương 2G. 

Để phát triển công nghệ mới, các nhà mạng phải off công nghệ cũ, tập trung nguồn lực phát triển công nghệ mới, cụ thể là 5G.

Cả 3 nhà mạng đã chính thức công bố có được tần số 5G. Viettel chưa có tuyên bố về việc chính thức khai trương 5G. Nhưng mục tiêu là năm nay sẽ khai trương 5G. Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực hết sức để lắp đặt các trạm 5G theo đúng lộ trình cam kết với Bộ khi trúng đấu giá tần số 5G. 

Nhà báo Lưu Quý - Báo VNExpress: Vì sao các nhà mạng tặng máy nhưng vẫn còn một bộ phận thuê bao 2G Only chưa chuyển đổi lên công nghệ 4G?

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone: Các nhà mạng và cơ quan báo chí rất nỗ lực truyền thông về các chương trình tặng máy tới người dân, tuy nhiên, việc tiếp cận vẫn còn khó khăn, không phải thuê bao nào cũng tiếp cận được. 

Thứ hai là vấn đề máy của nhà mạng và nhu cầu của khách hàng. Không phải khách hàng nào cũng nhận máy về và sử dụng máy của nhà mạng, có thể họ có nhu cầu cao hơn, nhu cầu riêng...

Việc tặng máy của các nhà mạng cũng chỉ được một phần chứ không thể phủ hết 100%. Điều này giải thích cho việc có chính sách tặng máy nhưng không phải cứ tặng là sẽ phủ hết được khách hàng

Về lộ trình triển khai các công nghệ mới. Không phải đến khi tắt sóng 2G, VinaPhone mới tăng chất lượng vùng phủ mạng lưới 4G, 5G.

Việc thúc đẩy khách hàng chuyển đổi từ thuê bao chỉ sử dụng 2G, chưa sử dụng data sang có sử dụng data là việc VinaPhone đã nỗ lực thực hiện vài năm gần đây.

Chúng tôi rất cố gắng phủ sóng mạng lưới, bởi có phủ được thì khách hàng mới chuyển đổi sang sử dụng data và các dịch vụ số. 

Chúng tôi đang phấn đấu trong thời gian ngắn phải đảm bảo nếu còn vùng lõm thì phải giải quyết để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tốt nhất.

Về lộ trình triển khai 5G, chúng tôi đang tích cực triển khai các chương trình trải nghiệm 5G ở các tỉnh, thành phố để sớm thương mại hóa 5G, phục vụ người dân theo cam kết với Bộ TT&TT

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone: MobiFone xác định rõ phải đầu tư cho mạng lưới 4G. Nếu chặn 2G mà khách hàng chuyển đổi sang 4G nhưng không dùng được sẽ khiếu nại, thậm chí mất khách hàng.

Công việc này luôn luôn song hành, vừa truyền thông chuyển đổi, vừa phải tối ưu đầu tư mạng lưới, vùng phủ sóng 4G để phục vụ khách hàng.

Về câu chuyện 5G, chúng tôi đang thực hiện theo đúng cam kết đầu tư với Bộ TT&TT. Dự kiến cuối năm nay MobiFone sẽ triển khai trải nghiệm ở một số tỉnh để sang năm thương mại hóa.

Nhà báo Đặng Đức Hiệp – Tạp chí Doanh Nghiệp Việt Nam: Mức ARPU của các thuê bao 2G Only còn tồn dư như thế nào, nếu ngừng sử dụng dịch vụ có ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà mạng không. Sau ngày 15/10, nếu công tác truyền thông chưa tới được các đối tượng, Bộ TT&TT và các nhà mạng có chính sách gì để vận động chuyển đổi, có kết quả tốt hơn?

Nhà báo Thái Khang: Câu hỏi với Cục Viễn thông: Để phủ sóng 4G như 2G, với công nghệ và băng tần hiện tại rất khó khăn với nhà mạng, phải đưa băng tần thấp 700MHz để hỗ trợ nhà mạng phủ sóng 4G tốt hơn. Quan điểm và kế hoạch của Cục Viễn thông và Bộ TT&TT về băng tần để đảm bảo phủ sóng 4G chất lượng tương đương 2G, không có vùng lõm là như thế nào?

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông: Đối với băng tần 700MHz, các đơn vị của Bộ TT&TT như Cục Tần số đã xây dựng kế hoạch đấu giá và dự định từ nay đến cuối năm sẽ triển khai cho nhà mạng có thêm tài nguyên.

Ngoài ra, sau khi đã có lộ trình dừng 2G và sau đó là 3G, mạng 4G là mạng cơ bản nhất, quan trọng nhất của các doanh nghiệp kinh doanh di động. Chắc chắn, để đảm bảo chất lượng dịch vụ theo yêu cầu và nhu cầu ngày càng cao của người dùng, các nhà mạng liên tục đầu tư.

Với nhu cầu và yêu cầu sử dụng dịch vụ hành chính, thương mại trên mạng 4G, hiện nay, các thôn bản cũng đã được phủ sóng, số lượng thôn bản chưa được phủ sóng còn lại ít. Chúng ta đã nỗ lực lớn trong phủ sóng 4G.

Tôi tin tưởng trong những năm tới đây, chất lượng mạng 4G sẽ đảm bảo cơ bản nhu cầu sử dụng của người dùng. Nếu chúng ta đang trải nghiệm dịch vụ 4G, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu hằng ngày.

Liên quan đến câu hỏi khi truyền thông chưa tới các thuê bao còn lại, cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm gì. Trong thời gian qua, các Sở TT&TT, Tổ công nghệ số cộng đồng, truyền thanh không dây đã vào cuộc cùng cơ quan quản lý, doanh nghiệp để truyền thông.

Với người sử dụng chưa tiếp cận được thông tin, tôi nghĩ số lượng còn vô cùng ít. Nhưng không vì thế mà các thuê bao này không được các doanh nghiệp quan tâm và hoàn thành trách nhiệm chăm sóc khách hàng của mình.

Bởi vì, nếu thuê bao đang hoạt động bình thường, với tần suất chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, bằng việc gọi điện, nhắn tin, đưa âm thông báo khi bắt đầu thực hiện cuộc gọi trong ngày về việc dừng cung cấp dịch vụ vào ngày 15/10, người sử dụng bình thường đều nắm được thông tin.

Các nhà mạng vẫn phải trực tiếp gặp người sử dụng. Đây là việc vô cùng khó và vất vả nhưng các doanh nghiệp đã trách nhiệm và thực hiện tốt trong thời gian qua. Với 4 ngày còn lại, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc đó.

Sau ngày 15/10, trách nhiệm của doanh nghiệp là duy trì số điện thoại, gói cước, chế độ chính sách với thuê bao cũ, người sử dụng có thể tiếp tục đến các điểm cung cấp dịch vụ hay thông qua số điện thoại để được hướng dẫn đầy đủ thông tin cho việc chuyển đổi.

Tôi hy vọng với những cuộc tọa đàm như thế này và sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, thông tin đến với người sử dụng nhiều lần nữa, qua nhiều kênh nữa. Tôi mong quyền lợi của người sử dụng vẫn được nhà mạng đặt lên hàng đầu để liên lạc không bị gián đoạn.

Liên quan đến đề xuất chính sách của Viettel, với mục tiêu bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng tốt nhất, chúng tôi ủng hộ chính sách, giải pháp để cung cấp dịch vụ liên tục cũng như các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng.

Với số lượng thuê bao còn hơn 700.000, chúng tôi đã nỗ lực rồi và cũng mong các nhà mạng sẽ cùng các cơ quan truyền thông nỗ lực tiếp để bảo đảm việc dừng cung cấp dịch vụ đạt hiệu quả như mong muốn, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

W-Nguyễn Trọng Tính.jpg
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom (áo xanh). Ảnh: Thạch Thảo

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom: Đa số thuê bao 2G Only còn tồn sống ở nông thôn, vùng núi, ARPU rất thấp, chỉ vài chục nghìn đồng, có những thuê bao thậm chí không phát sinh cước hoặc phát sinh không đều.

Các nhà mạng đã rất nỗ lực truyền thông vì chúng tôi xác định đây là việc quan trọng nhất, liên quan đến nhận thức của khách hàng về việc chuyển đổi.

Các nhà mạng đã có nhiều phương án, ngoài báo chí, truyền thông từ trung ương đến địa phương, phường xã. Viettel đã tổ chức đến các thôn, tổ, nhờ các trưởng thôn phối hợp để truyền thông đến từng hộ gia đình.

Theo nhận định của tôi, hầu hết khách hàng ít nhất đã 1 lần được tiếp nhận thông tin thông qua báo chí, tin nhắn, cuộc gọi, chính quyền địa phương... nhưng có thể người ta chưa chuyển đổi vì nhu cầu quá ít, dẫn đến khi nào khóa thì tính.

Tôi vẫn kỳ vọng sau 15/10, sau khi nhà mạng khóa hai chiều, tập khách hàng này sẽ tiếp tục liên hệ để đổi máy và dịch vụ nếu có nhu cầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi đề xuất duy trì chính sách như hiện nay để hỗ trợ tập thuê bao còn lại.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Giám đốc Ban Khách hàng cá nhân VNPT Vinaphone: Đối với thuê bao Vinaphone, ngay từ khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã phân tập khách hàng để có phương thức tiếp cận phù hợp. Đến nay, vẫn còn một tập thuê bao ARPU ở mức trung bình, tập này khi nào cần sẽ chuyển đổi ngay.

Tập còn lại ARPU thấp, không đều, ảnh hưởng doanh thu gần như không đáng kể. Tuy nhiên, Vinaphone và nhà mạng khác mong muốn phục vụ khách hàng tốt nhất, bất kể ở mức ARPU nào.

Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp truyền thông đến khách hàng. Với khách hàng cá nhân, tối thiểu 1 thuê bao ít nhất nhận được 5 cuộc gọi thông báo. Sau đó, theo chỉ đạo Cục Viễn thông, chúng tôi tăng tần suất nhắn tin 2 ngày/lần cho khách hàng.

Các thuê bao chưa chuyển đổi lên 4G, khi thực hiện cuộc gọi đầu tiên trong ngày sẽ có âm thông báo để khách hàng biết cần chuyển đổi sang máy 4G.

Chúng tôi hỗ trợ cú pháp nhắn tin miễn phí để khách hàng biết máy của mình có thuộc diện cần chuyển đổi từ 2G lên 4G hay không, vì không phải người dân nào cũng hiểu. Cố gắng tối đa hình thức truyền thông trực tiếp và gián tiếp để khách hàng hiểu.

Đối với khách hàng, tổ chức và doanh nghiệp, ngoài các phương thức trên, chúng tôi có công văn, thư ngỏ để khách hàng làm cơ sở thực hiện chuyển đổi nội bộ.

Mong các anh chị cơ quan báo chí đồng bộ cùng truyền thông rộng khắp để 100% các thuê bao chưa chuyển nắm được thông tin, hạn chế khiếu nại không đáng có.

Ban TT&TT